Bài nghiên cứu sử dụng cách tính điểm F_SCORE cho công ty theo như mô tả của Joseph D.Piotroski (2000) để đo lường năng lực của công ty. Theo đó đã lựa chọn 9 dấu hiệu cơ bản dùng để tính toán 3 phần của các điều kiện tài chính công ty bao gồm: khả năng sinh lợi, đòn bẩy tài chính và hiệu quả hoạt động. Những chỉ tiêu này rất dễ giải thích và thực hiện nhằm đại diện, tổng kết các kết quả thống kê. Bài nghiên cứu phân loại các chỉ tiêu thành “ tốt” và “xấu”, phụ thuộc vào mức ý nghĩa cho dự báo giá tương lai và lợi nhuận. Với mỗi chỉ tiêu sẽ được gán biến là “1” nếu nó “tốt” và “0” nếu nó “xấu” . Do đó, F_SCORE được tính là tổng của 9 chỉ tiêu sau khi đã gán biến. Tổng hợp các chỉ tiêu này được sử dụng để xác định giá trị cũng như sức mạnh, vị thế tài chính của công ty, sau đó sẽ đưa ra quyết định là mua và giữ chứng khoán như thế nào.
Điểm F_SCORE cho mỗi công ty được tính bằng tổng các biến đã gán như đã trình bày ở trên:
F_SCORE = F_ROA + F_∆ROA + F_CFO + F_ACCRUAL +
F_∆MARGIN + F_∆TURN + F_LEVER + F_∆LIQUID + EQ_OFFER
Với 9 biến như trên, điểm F_SCORE trải dài từ 0 đến 9. Điểm F_SCORE cao hay thấp sẽ là dấu hiệu cho thấy công ty đang có sức khỏe tốt hay xấu. Dự báo năng lực công ty từ những thông tin trong quá khứ, bài nghiên cứu kì vọng điểm F_SCORE sẽ có mối quan hệ với những thay đổi trong thành quả và lợi nhuận của chứng khoán công ty. Chiến lược đầu tư được thảo luận trong bài nghiên cứu là cơ sở để lựa chọn những công ty có điểm F_SCORE cao, thay vì mua những công ty dựa trên cơ sở mối quan hệ tin
cậy hoặc dấu hiệu đặc thù nào khác. So sánh với cách làm của Ou và Penman (1989) và Holthausen và Larker (1992), bài nghiên cứu này dường như đang đưa ra một “bước lùi” trong quá trình phân tích – mô hình xác suất, đó là không cần ước lượng dữ liệu một cách chính xác năm theo năm khi thực hiện một chiến lược đầu tư. Thay vì đó, quyết định đầu tư được thực hiện dựa trên tổng 9 biến quan sát như đã trình bày bên trên.
Thang điểm sẽ trải dài từ 0 đến 9, các công ty được xếp thành nhóm Low F_SCORE nếu điểm F_SCORE chỉ có 0 và 1 đồng nghĩa với kì vọng nhóm công ty này không có được những thành quả tài chính tốt. Trong trường hợp không có điểm 0, bài nghiên cứu sẽ lấy nhóm công ty có điểm thấp nhất là điểm 1 và điểm 2 để phân vào nhóm công ty Low F_SCORE. Trong khi đó, nhóm công ty High F_SCORE là những công ty có điểm F_SCORE 8 và 9, tương đương với kì vọng những công ty này có năng lực tài chính rất mạnh, có thể đạt được thành quả tốt trong tương lai, trong trường hợp không có điểm 9, bài nghiên cứu sẽ chọn các công ty có hai điểm xếp hạng cao nhất.. Kiểm định này được thiết kế để xem xét các danh mục đã lựa chọn ra theo điểm F_SCORE có cho được thành quả tốt hơn so với những công ty được lọc bởi chỉ số BM.
Phương pháp này đại diện cho một ứng dụng đơn giản của phân tích cơ bản khi xác định một công ty mạnh hay yếu. Với phương pháp này, có 2 vấn đề được đưa ra. Thứ 1, việc chuyển đổi các nhân tố nghiên cứu sang hình thức nhị phân có thể đưa đến trường hợp loại bỏ những thông tin hữu ích quan trọng. Tuy nhiên, vẫn chọn phương pháp nhị phân này bởi vì nó đơn giản và dễ thực hiện. Các điểm kĩ thuật đã gán như trên sẽ đại diện cho 9 nhân tố dùng để tính toán.
Thứ 2, việc thiếu những cơ sở lí luận cho việc sử dụng tổng hợp các chỉ số này, phương pháp nghiên cứu của bài luận này có thể được nhận thức như là một trường hợp đặc biệt. Vì mục tiêu của phương pháp này là tách biệt
những công ty có năng lực ra khỏi nhóm những công ty yếu, cách tiếp cận khác để đo lường sức khỏe tài chính công ty cũng có thể thành công trong việc xác định các công ty này.
Một điều quan trọng cần lưu ý là tác dụng của bất kì dấu hiệu nào lên khả năng sinh lợi hay giá đều có thể nhập nhằn về mặt lý thuyết. Trong bài nghiên cứu này, các kết quả mà các dấu hiệu khi áp vào đều trong giả định rằng các công ty này ít nhiều đang chịu áp lực về tài chính. Lấy ví dụ, một sự gia tăng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính, theo lý thuyết, vừa có thể là tác động tích cực (Harris và Raviv 1990) vừa có thể là tác động tiêu cực (Myers và Majluf 1984; Miller và và Rock 1985). Tuy nhiên, đối với các công ty chịu áp lực về rủi ro kiệt quệ tài chính thì tín hiệu xấu sẽ hợp lý hơn khi đòn bẩy tài chính gia tăng. Những rủi ro và tác động xấu lớn hơn so với lợi ích là làm giảm chi phi đại diện hay tăng cường bộ máy hoạt động. Việc áp dụng các tín hiệu lên các công ty có BM cao để đo lường thành quả tương lai nếu không được áp dụng một cách nhất quán thì tác dụng của việc sử dụng tổng điểm nhằm phân biệt công ty mạnh và yếu có thể giảm đáng kể.
Tác giả tính toán lợi nhuận một năm hoặc hai năm mua và giữ để nhận thu nhập từ lãi vốn, được tính từ giá bắt đầu tháng 5 sau khi công ty kết thúc năm tài chính cho đến đúng một năm hoặc hai năm sau. Nếu công ty nào hủy bỏ niêm yết, tác giả giả định lợi nhận năm đó bằng 0. Tác giả chọn giá bắt đầu từ tháng 5 để tính lợi nhuận để chắc chắn rằng những thông tin năm trước đó đã công khai và có sẵn để tham khảo. Trong đó, “market – adjusted returns” hay tỷ suất sinh lợi điều chỉnh được xác định bằng tỷ suất sinh lợi do mua và nắm giữ cổ phiếu trừ đi tỷ suất sinh lợi thị trường tương ứng trong năm đó.