Những thách thức đối với Việt Nam khi áp dụng GTHL trong kế toán Việt Nam:
- Về nhân sự :
Thách thức đầu tiên là xây dựng một đội ngũ nhân viên kế toán và tài chính có năng lực và trình độ để thu thập, xử lý thông tin, ghi nhận khi áp dụng kế toán GTHL.
Hội nghề nghiệp Kế toán chưa phát huy được vai trò và chức năng của mình, là nơi trao đổi, học hỏi và nghiên cứu các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, trong đó có vấn đề liên quan đến GTHL.
- Về thị trường hoạt động :
Thị trường hoạt động chưa phát triển đồng bộ và thường xuyên biến động cho nên thông tin có thể quan sát được trên thị trường vẫn là thách thức vì không phải lúc nào cũng có thị trường hoạt động để xác định GTHL của tài sản hay nợ phải trả.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển theo nền kinh tế thị trường, do ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên thông tin về thị trường hoạt động chưa thật sự hoàn hảo vì vậy việc đo lường GTHL sẽ gặp khó khăn trong giai đoạn đầu áp dụng.
- Về pháp lý: giá gốc vẫn là nguyên tắc cơ bản trong luật kế toán và chuẩn mực chung nên khó vận dụng trong tình hình hiện nay cho nên để áp dụng GTHL được thuận lợi cần phải thay đổi nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến các doanh nghiệp cũng như người sử dụng thông tin .
- Về vấn đề cân đối giữa lợi ích và chi phí : vấn đề xác định GTHL của tài sản và nợ phải trả, tiêu tốn nhiều chi phí như chi phí thu thập chứng từ, chi phí định giá trị tài sản, nợ phải trả, chi phí kiểm tra, chi phí xác nhận, chi phí kiểm toán BCTC được đo lường theo GTHL…đòi hỏi sự đầu tư khá lớn về phía các doanh nghiệp trong khi lợi ích đạt được không tương xứng với chi phí đã bỏ ra.
- Về kỹ thuật định giá:
Các chuyên viên thẩm định giá của Việt Nam còn quá non trẻ, chưa dày dạn kinh nghiệm, đôi khi việc làm chỉ dựa trên thói quen thông thường chưa mang tính khoa học.
Kết luận chương 2
Qua việc nghiên cứu thực trạng vận dụng GTHL trong hệ thống kế toán Việt Nam hiện nay theo chuẩn mực kế toán và so sánh với IAS, tác giả nhận thấy GTHL chỉ sử dụng cho ghi nhận ban đầu, phân bổ các số liệu ghi nhận ban đầu của các giao dịch phức tạp thành các yếu tố hợp thành, chưa sử dụng đo lường tài sản và nợ phải trả sau ghi nhận ban đầu và đánh giá sự suy giảm giá trị của tài sản, do đó chưa đạt được mục đích ghi nhận và trình bày các khoản mục theo những thay đổi của thị trường và hiện nay cũng chưa có chuẩn mực kế toán nào trình bày về việc đo lường GTHL dựa trên các nội dung: định nghĩa, phạm vi áp dụng, cấp bậc, các phương pháp xác định, thuyết minh GTHL.
Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, tác giả sẽ đưa ra một số giải pháp hoàn thiện các quy định về sử dụng GTHL trong hệ thống kế toán Việt Nam sẽ được trình bày trong chương 3.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG GIÁ TRỊ HỢP LÝ TRONG HỆ THỐNG KẾ TOÁN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HIỆN NAY.