Triệu chứng và bệnh tích của gà mắc bệnh Cầu trùng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý ở gà Ai Cập mắc bệnh Cầu trùng (Coccidiosis) và đề xuất biện pháp phòng, trị bệnh (Trang 26)

2.2.8.1. Triệu chứng

Triệu chứng lâm sàng của gà bị bệnh Cầu trùng thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi của gà, loài Cầu trùng, số lượng Oocyst có mặt trong từng cá thể gà. Bệnh có thể biểu hiện ở 3 thể: cấp tính, mạn tính, mang trùng (không có triệu chứng lâm sàng).

* Thể cấp tính

Thường xảy ra ở gà từ 14 – 40 ngày tuổi. Gà có biểu hiện ủ rũ, lười vận động, hay nằm, lông xù, bỏ ăn, uống nhiều nước, thường tụ tập lại ở góc chuồng. Lúc đầu mới bị bệnh gà ỉa khó, ỉa phân sống, sau đó chuyển sang ỉa phân loãng (vàng trắng hoặc vàng xanh) hoặc ỉa toàn nước. Tiếp đến phân chuyển sang màu nâu có lẫn máu, nhiều con ỉa ra máu tươi hoàn toàn, hậu môn dính bết máu. Một số gà có triệu chứng thần kinh hoặc bại liệt chân, cánh.

Gà thường chết sau 6 – 7 ngày bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết từ 50% trở lên. Tỷ lệ chết có thể lên đến 90 – 95% ,thậm chí 100% nếu không can thiệp điều trị kịp thời.

* Thể mạn tính

Thường gặp ở gà từ 45 – 90 ngày tuổi. Triệu chứng giống như thể cấp tính nhưng mức độ biểu hiện nhẹ hơn, thời gian ốm kéo dài hơn, tỷ lệ chết khoảng từ 25 – 45%.

* Thể mang trùng

Theo nhiều tác giả, thể mang trùng thường xảy ra ở những đàn gà lớn đã trưởng thành. Khi quan sát bề ngoài thì thấy gà hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống, đi lại bình thường. Triệu chứng biểu hiện có thể quan sát thấy là đôi khi gà bị ỉa chảy, tỷ lệ đẻ không đều, năng suất trứng giảm 15 – 25%. Khi xét nghiệm phân gà thấy có nhiều noãn nang Cầu trùng.

2.2.8.2. Bệnh tích

Bệnh tích Cầu trùng gà thường thấy: Xác gà con rất gầy, quanh lỗ huyệt, chân sau dính phân lỏng, mào, yếm, tích, kết mạc trắng bệch.

Trường hợp gà bị Cầu trùng cấp tính do E. tenella hoặc bị ghép với E.coli bại huyết chùng O78 thì gà bệnh ỉa ra máu tươi hoàn toàn, xác gà chết béo tốt, thịt trắng.

Trường hợp dưới cấp tính hoặc mạn tính thì xác gà ướt, xung quanh lỗ huyệt dính bết đầy phân, gà chết rất gầy và thiếu máu.

Gà bị bệnh Cầu trùng dù ở thể cấp hay mạn tính thì các bệnh tích đặc trưng đều tập trung ở đường ruột. Cần chú ý vị trí của các đoạn ruột và mức độ tổn thương của niêm mạc các đoạn ruột đó khác nhau tùy theo từng loài Cầu trùng, tùy theo độ tuổi gà và mức độ nhiễm Cầu trùng ở gà.

Bệnh tích chủ yếu có ở 3 vị trí là: Manh tràng, ruột non, trực tràng. + Manh tràng: Viêm, xung huyết, xuất huyết, phình to, có chứa đầy phân và máu. Niêm mạc bị phá hủy làm vách manh tràng mỏng đi nhiều.

+ Ruột non: Nhìn từ bên ngoài có những đốm xuất huyết lấm tấm kéo dài, ruột non căng phồng chứa đầy chất không tiêu hóa được. Niêm mạc có nhiều nốt xuất huyết và hoại tử, thành ruột dày, mỏng gồ ghề. Khi bị kế phát bởi E.coli chùng O78 thì cả ruột non phình to, chứa nhiều hơi và phân lẫn máu.

+ Trực tràng: Bị tổn thương từng điểm nhỏ, viêm, xuất huyết, nạo chất chứa cho lên phiến kính soi thì có thể thấy E. brunetti.

Dựa vào những triệu chứng, bệnh tích nêu trên, chúng ta có thể sơ bộ chẩn đoán nhanh được bệnh Cầu trùng và đưa ra hướng điều trị phù hợp và kịp thời.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý ở gà Ai Cập mắc bệnh Cầu trùng (Coccidiosis) và đề xuất biện pháp phòng, trị bệnh (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w