Bệnh tích vi thể chủ yếu ở gà mắc bệnh Cầu trùng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý ở gà Ai Cập mắc bệnh Cầu trùng (Coccidiosis) và đề xuất biện pháp phòng, trị bệnh (Trang 55)

Nghiên cứu bệnh tích vi thể giúp đánh giá các tổn thương bệnh lý ở cấp độ mô bào. Ở bệnh cầu trùng gà, bệnh lý chủ yếu tập trung trên đường tiêu hoá, do đó sau khi mổ khám kiểm tra đại thể, tiến hành lấy mẫu là các đoạn ruột: ruột non, manh tràng và trực tràng của gà bệnh để làm tiêu bản, kiểm tra bệnh tích vi thể.

Tiến hành lấy mẫu ở mỗi cơ quan 1 miếng bệnh phẩm, mỗi miếng bệnh phẩm đúc thành một block. Sau đó tiến hành cắt, nhuộm tiêu bản rồi chọn ra những tiêu bản đẹp nhất để soi dưới kính hiển vi và đọc kết quả bệnh tích vi thể.

Quan sát qua kính hiển vi các tiêu bản vi thể bệnh lý của gà bị bệnh Cầu trùng, thấy bệnh tích vi thể ở mỗi cơ quan như sau:

* Ruột non

Trong lòng ruột có nhiều hồng cầu, xác bạch cầu, các tế bào thượng bì, các chất chứa ở lòng ruột non.

Biểu mô ruột xuất huyết, nhiều tế bào biểu mô bị vỡ nát do tác hại phá vỡ của Cầu trùng gây ra.

Nhiều lông nhung bị đứt nát, xuất huyết. Các tế bào lông nhung bị biến dạng, dính lại với nhau thành từng đám làm ruột non bị thu hẹp diện tích hấp thu thức ăn.

Ở lớp hạ niêm mạc tập trung rất nhiều tế bào viêm như bạch cầu đa nhân, đơn nhân, ái toan.

Có thể quan sát thấy những giai đoạn phát triển khác nhau của Cầu trùng trên những tiêu bản vi thể quan sát.

* Manh tràng

Lớp niêm mạc manh tràng bị viêm, xuất huyết, các mạch quản giãn rộng, trong lòng chứa nhiều tế bào hồng cầu, bạch cầu.

Các lông nhung bị đứt nát, xuất huyết, các tế bào hình đài bị phá huỷ, các lông nhung dính lại với nhau từng đám. Xen kẽ vào đó có xuất huyết lan tràn.

Nhiều trường hợp manh tràng giãn rộng, đường kính tăng gấp 3 – 5 lần so với bình thường.

Lớp niêm mạc bị phá huỷ, bào mòn, làm cho thành ruột rất mỏng, chỉ còn lại rất ít lớp hạ niêm mạc gắn với lớp áo cơ.

* Trực tràng

Trong lòng ruột có những chất nhầy lẫn máu, các tế bào niêm mạc bị thoái hóa, hoại tử.

Lớp niêm mạc bị phá huỷ, xuất huyết lan tràn, nhiều tế bào biểu mô bị phá vỡ, nhiều lông nhung bị đứt nát.

Lớp hạ niêm mạc bị xuất huyết thành từng đám, tập trung nhiều các tế bào hồng cầu, bạch cầu và có sự thâm nhiễm các tế bào bạch cầu đa nhân trung tính.

Trong tiêu bản vi thể của manh tràng và trực tràng, đề tìm thấy các giai đoạn phát triển của Cầu trùng trong các tế bào biểu mô, các Schizont, các Merozoit và các Macrogamete.

Nhìn chung, bệnh tích vi thể ở các đoạn ruột khác nhau cơ bản giống nhau, đều là kết quả của cơ chế tác động chung của Cầu trùng: xâm nhập và phá huỷ hàng loạt các tế bào biểu mô ruột. Tuy nhiên có sự khác nhau về mức độ nghiêm trọng, những biến đổi bệnh lý ở manh tràng là rõ rệt và nhiều nhất, ở trực tràng thì biến đổi bệnh lý xuất hiện ít nhưng nặng nề, biến đổi bệnh lý ở ruột non thường nhẹ hơn.

Như vậy, qua các tiêu bản bệnh tích vi thể, ta thấy rõ hơn những tổn thương bệnh lý mà Cầu trùng gây nên và hiểu rõ hơn về cơ chế sinh bệnh của Cầu trùng, từ đó làm cơ sở cho công tác nuôi dưỡng và điều trị bệnh Cầu trùng gà.

Hình 4.2. Hình ảnh bệnh tích vi thể trên gà Ai Cập mắc Cầu trùng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý ở gà Ai Cập mắc bệnh Cầu trùng (Coccidiosis) và đề xuất biện pháp phòng, trị bệnh (Trang 55)