* Lựa chọn thuốc
Hoạt động lựa chọn thuốc của BV Nhi tỉnh Hải Dương đã được thực hiện theo một quy trình nhất định, dựa vào các yếu tố: Nguồn kinh phí, danh mục thuốc chủ yếu, danh mục thuốc thiết yếu, danh mục thuốc trúng thầu, phác đồ điều trị, mô hình bệnh tật và danh mục đề nghị từ các khoa để làm căn cứ lựa chọn. Tuy nhiên, trong việc phân tích đánh giá sử dụng thuốc, HĐT&ĐT chỉ sử dụng các thống kê đơn giản hàng năm của BV, chưa tiến hành phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng, tồn trữ thuốc, để thu được số liệu chính xác và khách quan hơn, có thể do vậy mà DMTBV có 277 loại thuốc tân dược nhưng chỉ sử dụng 204 loại. Những hạn chế này của bệnh viện là do: BV chưa có qui trình chuẩn trong lựa chọn thuốc, các cán bộ làm công tác cung ứng thuốc và các thành viên của HĐT&ĐT chưa nắm được các phương pháp phân tích hiện đại để xác định nhu cầu thuốc của BV một cách phù hợp. Do vậy, để hoạt động lựa chọn thuốc được tốt BV cần đào tạo cán bộ về các kiến thức phân tích hiện đại cho các thành viên trong HĐT&ĐT mà trực tiếp là các cán bộ dược làm công tác cung ứng thuốc. Đồng thời các cán bộ làm công tác cung ứng thuốc cần chủ động tìm hiểu, cập nhật các phương pháp phân tích mới phù hợp để ứng dụng vào các công tác thực tiễn hàng ngày của mình.
* Mua thuốc
Chấp hành qui định của Sở y tế Hải Dương, Bệnh viện Nhi Hải Dương không tổ chức đấu thầu mà tiến hành lựa chọn các nhà cung ứng trúng thầu do Sở Y tế tổ chức đấu thầu chung cho toàn tỉnh. Hoạt động này của Sở Y tế có thuận lợi cho BV đó là giảm được chi phí, thời gian tổ chức đấu thầu, nguồn cung ứng thuốc đa dạng dễ đáp ứng... Tuy nhiên, hình thức này cũng gây khó khăn cho công tác cung ứng thuốc của BV đó là có thể thiếu một số thuốc đặc thù mà BV thực sự cần thiết trong điều trị bệnh có số lượng BN ít; nhiều nhà cung ứng trúng thầu nhưng chưa biết về các bệnh viện ở xa. Chính vì vậy, để khắc phục tình trang này BV cần xác định rõ các mặt hàng, số lượng, giá thành... từ đó đề xuất với Sở Y tế cho phép bệnh viện trích nguồn kinh phí dự phòng để tự tìm nhà cung ứng có năng lực đáp ứng nhu cầu thuốc của BV thông qua chào hàng cạnh tranh, hoặc có thể Sở Y tế đứng ra mua một số thuốc đặc thù của các BV trong tỉnh, sau đó chuyển về các BV theo nhu cầu của từng BV. Tuy nhiên, với cả hai phương pháp này thì cũng chỉ là giải pháp tình thế vì vẫn khó mua hoặc dễ gây lãng phí nguồn lực và chậm được bảo đảm thuốc theo nhu cầu điều trị.
* Bảo quản, cấp phát và tồn trữ thuốc
Hoạt động cấp phát thuốc của BV đã được thực hiện chặt chẽ, đúng qui định của ngành, nhưng hoạt động bảo quản và tồn trữ thuốc còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu trang thiết bị ở một số bộ phận (như đã nêu ở mục cơ sở vật chất, trang thiết bị của khoa Dược), do vậy chất lượng thuốc có thể bị giảm sút (đặc biệt là các thuốc nhạy cảm với nhiệt độ, độ ẩm). Mặc dù chưa thấy tai biến hay điều trị không hiệu quả do thuốc kém chất lượng. Nhưng khoa Dược và HĐT&ĐT cần chủ động tích cực tham mưu cho lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến công tác bảo quản thuốc, vì công tác bảo quản thuốc là khâu đặc biệt quan trọng trong hoạt động cung ứng thuốc.
Công tác tồn trữ thuốc của bệnh viện chưa đảm bảo lượng thuốc dự trữ cho điều trị (đạt 0,86 tháng), mà theo quy định của BYT là 2-3 tháng. Với lượng tồn trữ như hiện nay thì bệnh viện đang tiềm ẩn một yếu tố rủi ro rất cao, nếu trong thời gian tới có những diễn biến bất thường (thiên tai, thảm hoạ, chiến tranh, dịch bệnh...), thì việc thiếu thuốc điều trị là không tránh khỏi. Bệnh viện cần tăng nguồn kinh phí cho mua thuốc, đảm bảo duy trì lượng tồn kho theo đúng quy định của BYT.
* Giám sát sử dụng thuốc
Theo nghiên cứu cho thấy các thuốc được chỉ định sử dụng ở BV là các thuốc nằm trong danh mục thuốc của BV. Công tác giám sát sử dụng thuốc của BV được tiến hành thường xuyên với các hoạt động kiểm tra của các phòng ban chức năng và ban giám đốc bệnh viện, đã tác động tích cực đến việc cung ứng thuốc. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thuốc, giám sát sử dụng thuốc và thông tin thuốc của Bệnh viện Nhi Hải Dương còn một số hạn chế sau:
- Trong sử dụng thuốc chỉ sử dụng tập trung trên một số nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau
- Lạm dụng kháng sinh, corticoid.
Những thiếu sót này của Bệnh viện Nhi Hải Dương theo tôi là do BV còn tồn tại một số vấn đề về nhân lực và chưa làm tốt một số công tác sau: Công tác thư viện của BV chưa được chú trọng (thư viện không có nhiều tài liệu chuyên ngành và rất ít các tài liệu chuyên ngành xuất bản những năm 2010 trở lại đây. Nên việc cập nhật thông tin y tế nói chung, phương pháp điều trị và thông tin thuốc mới nói riêng thực hiện sẽ không có hệ thống và bị động.
Do vậy, để hoạt động sử dụng, giám sát sử dụng thuốc và thông tin thuốc của Bệnh viện Nhi Hải Dương được tốt hơn theo chúng tôi bệnh viện cần làm tốt các công tác sau: Cần đầu tư tủ sách bệnh viện với nhiều tại liệu chuyên ngành mới, đó là điều kiện thuận lợi để các cán bộ, nhân viên trong
bệnh viện tiện tra cứu và cập nhật các phác đồ điều trị mới, thông tin thuốc mới...ứng dụng trong công tác hàng ngày tại bệnh viện. Đồng thời đây cũng sẽ tạo nguồn động lực cho các cán bộ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Bệnh viện cần quan tâm nghiên cứu đánh giá toàn diện quá trình sử dụng thuốc của bệnh viện trên cơ sở đánh giá này bệnh viện sẽ lựa chọn được các thuốc có hiệu lực điều trị, an toàn và kinh tế cho người bệnh.