Chuyển biến xã hội

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 86)

Xã hội Việt Nam – một xã hội phương Đông theo quan niệm Nho gia truyền thống - đã có những phản ứng khá nhạy cảm với sự xuất hiện của một nền văn minh Tây Âu. Về mặt này, có thể chắc chắn rằng tơ lụa chính là cầu nối văn minh của Đàng Ngoài và phương Tây. Những sản phẩm kĩ thuật, các luồng tư tưởng mới tràn vào Đàng Ngoài theo các nhà buôn, các giáo sĩ, các thủy thủ tàu… tạo nên những biến chuyển khá mới mẻ và sâu sắc trong thế kỷ XVII: “những đợt sóng văn hóa mới, lối sống mới ra đời, mang nhiều tính khai mở và nhân văn hơn, làm suy yếu, ăn mòn những giáo điều xơ cứng của hệ tư tưởng Nho giáo chính thống bảo thủ” [35; tr. 38]

Theo tư liệu của công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh, các quan niệm xã hội truyền thống của người Việt, nhất là quan niệm về quan hệ giới, đã có thay đổi nhất định bởi sự lưu trú của các thương nhân ngoại quốc. Rất nhiều nhân viên thương điếm có vợ Đàng Ngoài. Những bà vợ này đã giúp họ rất nhiều trong công việc kinh doanh “Nhiều thương nhân ngoại quốc đã kiếm được bộn tiền bằng cách giao cho những bà vợ Đàng Ngoài tiền và hàng hóa. Ở một xứ nghèo như Đàng Ngoài việc có tiền để chạy chợ quả thật là một lợi thế và các bà vợ này khi có vốn trong tay sẽ tìm cách để sinh lời. Họ mua tơ sống vào mùa nhàn rỗi trong năm và thuê đám thợ nghèo làm trong lúc nông nhàn. Theo cách này mà họ có được những thứ vải dệt tốt hơn trong khi chi phí lại thấp hơn nhiều so với thời điểm tàu cập bến” [119, tr. 70]. Trong khi đó các thủy thủ và thương nhân đến theo mùa mậu dịch có thể dễ dàng kiếm được gái điếm ở khu vực neo đỗ tàu quanh Domea – tương tự như đồng

nghiệp của họ ở Nhật Bản có thể tìm được vợ Nhật và keisei (hầu gái). Ngay trong

bản thân tư duy truyền thống của một số người Đàng Ngoài cũng đã thay đổi, tạo điều kiện cho tình hình đó nảy nở. Theo ghi chép của W. Dampier thì “Tục lệ bán vợ và cho thuê nhân tình một cách tự do cho những người ngoại quốc với nhiều mức giá khác nhau từ 5 đến 100 đô la. Những cô gái hết thời sẽ được đám thủy thủ nghèo túng chăm bẵm” [119, tr. 70]. Không chỉ có những người nghèo mới bán mình cho các thương nhân nước ngoài mà có cả những người giàu có: “Ngay cả những người quyền quý ở Đàng Ngoài cũng đem hiến con gái của họ cho các thương nhân và đám sĩ quan dù rằng chúng chẳng lưu lại xứ này dài hơn 5 hay 6 tháng. Đàn bà không lấy gì làm e ngại nếu có mang với một người da trắng vì con cái họ nhờ thế sẽ đẹp hơn mẹ chúng và đến khi lớn sẽ được quý chuộng hơn, đặc biệt nếu đó là con gái” [119, tr. 70]. Vì vậy, một vài thế hệ con lai Việt – Âu đã ra đời. Tiêu biểu là trường hợp của thương nhân Samuel Baron. Ông là kết quả của thời gian sống chung của giám đốc thương điếm Đàng Ngoài Hendrick Baron và vợ Đàng Ngoài.

Cuối thế kỷ XVII, tình hình gái điếm ở vùng cửa sông Thái Bình còn ở mức báo động, lan tràn đến mức theo báo cáo của viên giám đốc thương điếm Anh tại Đàng Ngoài đa phần thủy thủ của họ bị ốm yếu vì “hoang dâm vô độ”. Tình trạng gái điếm lan tràn có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triều đình Lê –

Trịnh ban hành các sắc lệnh (như năm 1663) nghiêm cấm các “quan hệ dâm đãng giữa nam và nữ”. Quan niệm dân gian còn cho rằng vua Lê Thần Tông có vợ/thiếp là người Hà Lan, mặc dù chưa có nguồn tư liệu nào chứng minh sự kiện này [41, tr. 54]. Nhà du hành Wiliam Dampier cũng đã ghi lại trong hành trình của mình rằng, ngay khi tàu của công ty Đông Ấn Anh đậu ở cảng Domea (Tiên Lãng, Hải Phòng) thì đã có một thị trấn nhỏ mọc lên “cư dân nghèo trong xứ lợi dụng dịp này để kiếm chác thêm bất kỳ những gì có thể từ đám thủy thủ nước ngoài bằng cách trao đổi, cho thuê phòng, xin xỏ và thậm chí là đem phụ nữ ra cho thuê” [119, tr. 75].

Các giáo sĩ Thiên chúa cũng đặt chân đến Đại Việt từ rất sớm để thực hiện việc truyền đạo, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của đạo Thiên chúa. Trong một giới hạn nào đó, các giáo sĩ thiên chúa giáo đã có ảnh hưởng nhất định đến cư dân bản địa, đặc biệt là những người nghèo “đã có khoảng 14.000 người đã được cải đạo, nhiều người nữa đang được cải hóa hàng ngày… ở đây có 10 linh mục châu Âu và 3 linh mục người bản địa được tấn phong là linh mục của giáo hội La Mã” [119, tr. 116].

Một chuyển biến kinh tế - xã hội đặc biệt thú vị là tình hình di dân nhập cư hành nghề vào thành thị, mà ở đây là kinh đô Thăng Long trong thế kỷ XVII. Những đợt di dân này đã xuất hiện rải rác từ nhiều thời kỳ trước nhưng đặc biệt nổi bật vào thế kỷ XVII và những thế kỷ tiếp theo. Những cuộc di dân này thường mang đậm màu sắc kinh tế “Những dòng người đông đảo nhập cư từ nông thôn tràn về, hành nghề buôn bán. Nhiều người nước ngoài đã lui tới Thăng Long – Hà Nội kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội đô thị” [35; tr. 37] Đó là hệ quả của việc xâm thực của nền kinh tế hàng hóa đang được mở rộng trong thế kỷ XVII, với sự xuất hiện và thông thương của các thương nhân nước ngoài. Những phường sản xuất chuyên nghề được thành lập trong kinh thành và quy tụ tại một địa điểm nhất định, với mục đích là phát triển nhanh chóng công việc sản xuất và kinh doanh. Dân cư trước đây thường là những thợ thủ công lưu động nhưng sau đó trở thành những người buôn bán chuyên nghiệp [35, 36]. Cũng theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ Cũng khoảng từ thế kỉ XVII, trên cơ sở sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa, với tác động của nội thương và ngoại thương, một hệ thống các vi đô thị và đô thị đã xuất hiện trong phạm vi toàn quốc (Đàng Ngoài và Đàng Trong), đặc biệt trong vùng đồng bằng và trung du, miền núi của Bắc Bộ. Nó

bao gồm nhiều điểm tụ cư, các phố chợ, thị trấn, thị tứ trong một cung bậc khác nhau về quy mô, dạng vẻ, các hoạt động buôn bán. Hệ thống đô thị này vừa là sự giao lưu, đối thoại thường trực về kinh tế với nông thôn, cộng đồng các làng xã, vừa là bệ đỡ và đối tác trao đổi nhiều mặt (hàng hóa, nhân công, kinh nghiệm, kỹ thuật) với Thăng Long – Kẻ Chợ , Phố Hiến, Vị Hoàng, Vạn Ninh, Hưng Hóa, đô thị Domea [35, 36; tr. 42]

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)