Nếu ở thị trường Nhật Bản, hiếm có số liệu cụ thể về số lượng gốm sứ Đàng Ngoài được các công ty Đông Ấn chuyển đến thì ở thị trường Đông Nam Á, một số lượng gốm sứ lớn, đã liên tục được vận chuyển đến thị trường nhiều tiềm năng này. Dựa trên cơ sở hiện vật tìm thấy ở các nước tiêu thụ, gốm Việt Nam đã được buôn bán ở quần đảo Đông Nam Á với số lượng đáng kể. Gốm sứ Đàng Ngoài từng chiếm lĩnh được thị trường Đông Nam Á hải đảo. Ngày nay, khảo cổ học đã khai quật được khá nhiều các di tích ở Đông Á có gốm Bắc Việt Nam, trong đó từ thế kỷ XVII, số lượng đồ gốm Đàng Ngoài tìm thấy ở Đông Nam Á tăng lên nhanh chóng, tại 32 địa điểm ở Đông Nam Á đã tìm thấy gốm sứ Đại Việt: Malaysia: 9 địa điểm, Brunei: 2 địa điểm, Philippines: 10 địa điểm, Indonesia: 11 địa điểm. Đồ gốm Đàng Ngoài được phát hiện tại các di tích Pukissutosanion ở Malaysia và một số di tích ở Indonesia như Trowula (Đông Java), Banten Giran và Banten Lama (Tâu Java), Selayar (Nam Sulawesi), Warloka (Flores) và Bengkulu (Sumatra). Những phát hiện ở Banten Girang và Banten Lama đây là những thương cảng nổi tiếng của vương quốc Hồi giáo Banten, hoạt động phồn thịnh trong các thế kỷ XVI – XVII [91; 5]
Tư liệu phương Tây cũng minh chứng cho thời kỳ buôn bán sôi động của gốm sứ Đàng Ngoài đến thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là gốm sứ Đàng Ngoài chỉ là sự lựa chọn thay thế, mang tính tạm thời cho sự thiếu hụt gốm sứ Trung Quốc bởi chính sách Hải cấm của nhà Thanh. Trước đó, gốm sứ Trung Quốc chất lượng vừa phải được sản xuất ở phía nam, các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông giá thành thấp được Hoa thương mang đi tiêu thụ rất nhiều ở thị trường Đông Nam Á. Những bất ổn chính trị ở Trung Quốc đại lục khiến VOC lựa chọn gốm sứ Nhật Bản làm nguồn hàng thay thế, xuất khẩu ra thị trường châu Á và châu Âu với lợi nhuận thu được rất đáng kể. Tuy nhiên, do giá nhập cảng gốm sứ Nhật Bản lên quá cao, gốm sứ Đàng Ngoài được chỉ định trở thành sản phẩm thay thế. Theo ghi chép của VOC ở Batavia, đợt nhập khẩu gốm sứ số lượng lớn đầu tiên
từ Đàng Ngoài về Batavia được thuyền buôn của người Hoa thực hiện vào năm 1663. Từ năm này đến đầu thập kỷ 80, hàng năm gốm sứ Đàng Ngoài đều được chuyên chở ra thị trường khu vực.
Thị trường chủ yếu cho mặt hàng gốm sứ thô Đàng Ngoài là vùng liên đảo Đông Nam Á. Tuy vậy, trước thập niên 1660, gốm sứ Đàng Ngoài đôi khi được xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á nhưng nhìn chung số lượng không đáng kể. Năm 1663 thuyền mành Trung Quốc đưa đến Batavia 10.000 chén gốm thô Đàng Ngoài. Trong 5 năm tiếp theo khoảng 250.000 gốm sứ Đàng Ngoài cũng được Hoa thương chuyển đến Batavia. Nhận thấy khả năng tiêu thụ cao của gốm thô Đàng Ngoài, VOC đã nhanh chóng gửi hàng về tiêu thụ ngay trong năm 1669 với 381.000 chén gốm thô. Bắt đầu từ năm nay, người Hà Lan nhanh chóng trở thành một trong những nhà xuất khẩu gốm sứ Đàng Ngoài ra thị trường khu vực. Không chỉ có thương nhân Hà Lan, và Hoa thương, người Anh cũng nhanh chóng gia nhập vào mạng lưới buôn bán gốm sứ. Tiêu biểu năm 1680 và năm 1681 có 2 tàu Anh là tàu
Advice và tàu Societeyt đã vận chuyển gốm thô Đàng Ngoài đến Bantam và về Anh
[102]. Trong bối cảnh mậu dịch tơ lụa ngày càng trở nên khó khăn do sự nổi lên của tơ lụa Bengal và mối quan hệ giữa VOC với phủ chúa Trịnh ngày càng xấu đi, trong khi đó gốm sứ Đàng Ngoài lại thể hiện được phẩm chất ngày càng tốt. Điều này thúc đẩy VOC tích cực mang hàng về Batavia và sau đó phân phối đi các địa điểm khác nhau.
Loại hình gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu ra Đông Nam Á nửa cuối thế kỷ XVII chủ yếu là chén, bát, chén trà và ngói lợp, trang trí đơn giản, hoa văn không cầu kỳ. Một điều có thể khẳng định là vốn đầu tư và lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh gốm sứ quá nhỏ so với hoạt động kinh doanh tơ lụa. Vì vậy, số lượng vốn đầu tư của các công ty Đông Ấn cũng là rất ít. Cho dù ở thời điểm đỉnh cao của việc xuất khẩu gốm sứ Đàng Ngoài, là 2 năm 1669 và 1670, VOC cũng chỉ vào khoảng 9.650 guilders so với 150.000 guilders vốn đầu tư cho hoạt động buôn bán ở đây. Có thể nói rằng, việc xuất khẩu gốm sứ Đàng Ngoài chủ yếu nhằm duy trì quan hệ thương mại giữa công ty Đông Ấn với chính quyền, để tiếp tục hoạt động thu mua tơ lụa.
Bên cạnh xuất khẩu, thương nhân ngoại quốc cũng nhập khẩu một số lượng tương đối lớn gốm sứ cao cấp của Nhật Bản và Trung Quốc vào Đàng Ngoài để phục vụ cho phủ chúa và tầng lớp quan lại, quý tộc. những sản phẩm này thường được phủ chúa đặt mẫu gỗ rồi gửi sang Nhật Bản, chủ yếu là bát, chén, đĩa, và các loại bình có chức năng trang trí. Nhưng bản thân việc nhập khẩu hàng hóa này của phủ chúa cũng chỉ mang tính tạm thời, thay thế cho sự thiếu hụt mặt hàng gốm sứ cao cấp Trung Quốc trong thời gian đóng cửa của chính quyền phong kiến Trung Hoa. Cũng giống như tơ lụa, đến khi hàng cao cấp Trung Hoa quay trở lại thị trường, quý tộc Đại Việt lại tỏ rõ sự ham thích với mặt hàng của thị trường truyền thống này.
Các nguồn tư liệu phương Tây phản ánh một giai đoạn xuất khẩu tương đối sôi động của gốm sứ Đàng Ngoài ra thị trường Đông Nam Á hải đảo trong các thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XVII. Tuy nhiên, sự nổi lên của thương phẩm này hoàn toàn chỉ mang tính tạm thời, thế chỗ cho nguồn cung cấp gốm thô truyền thống từ các tỉnh miền đông nam Trung Quốc bị gián đoạn. Vì vậy, sau khi gốm thô Trung Quốc trở lại thị trường Đông Nam Á, gốm thô Đàng Ngoài nhanh chóng thất thế, chấm dứt thời kỳ mậu dịch gốm sứ. Đại Việt chuẩn bị bước vào giai đoạn mới trong tiến trình lịch sử.
Tiểu kết
Nhật Bản với nguồn kim loại quý dồi dào trong thế kỷ XVII là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các sản phẩm tơ lụa và gốm sứ. Thương nhân các nước đều mong muốn đem hàng đến trao đổi để thu bạc, phục vụ hoạt động thương mại quốc tế. Hệ thống thương mại “tơ lụa đổi bạc” hình thành rộng khắp trên cơ sở đó. Tuy nhiên, với một thị trường tiêu thụ tương đối khắt khe như Nhật Bản, các sản phẩm của Đàng Ngoài phải chờ đợi đến khi tơ lụa và gốm sứ Trung Hoa thiếu vắng mới có cơ hội tham gia vào thị trường thương mại quốc tế với số lượng lớn và khẳng định vị thế. Sản phẩm thủ công của Đàng Ngoài với sự tham gia của thương nhân châu Âu, đã đến được với thị trường khu vực và ngoài khu vực – dù với số lượng không lớn.
Trong xu thế mở rộng của trao đổi toàn cầu, không chỉ các sản phẩm Đàng Ngoài được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, mà còn có một luồng hàng hóa cao cấp được vận chuyển vào phục vụ nhu cầu sinh hoạt của giai cấp quý tộc, phong kiến. Qua tư liệu nước ngoài, có thể thấy hầu hết các sản phẩm đó đều là những đồ đặc biệt tinh
xảo, được thiết kế riêng cho cung đình, được ký kiểu tại Trung Quốc và Nhật Bản, hoặc những trung tâm sản xuất lớn ở Đông Nam Á. Nói như vậy để thấy một thực tế là, thương mại luôn mang tính hai chiều, và sự ưa chuộng sản phẩm Đàng Ngoài của thị trường Nhật Bản thế kỷ XVII cũng có những nguyên nhân thời đại của nó.
CHƯƠNG 3
VAI TRÒ CỦA TƠ LỤA VÀ GỐM SỨ TRONG GIAO THƯƠNG QUỐC TẾ CỦA ĐÀNG NGOÀI THẾ KỶ XVII