Thị trường Nhật Bản

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 46)

Đầu thế kỷ XVII, hoạt động trao đổi bạc lấy tơ lụa là trọng tâm thương mại của các công ty Đông Ấn châu Âu ở khu vực Viễn Đông. Trước đó, từ cuối thế kỉ XVI, hoạt động xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài chủ yếu do Hoa thương và Nhật thương đảm nhiệm và thị trường tiêu thụ chính là Nhật Bản. Đến thế kỷ XVII, hoạt động buôn bán tơ lụa của Đàng Ngoài, cũng như con đường trao đổi tơ lụa truyền thống với Nhật Bản đã được người Hà Lan thừa hưởng từ tay người Bồ Đào Nha. Để có được bạc của Nhật Bản cho mạng lưới buôn bán Nội Á, VOC rất cần tơ lụa Trung Quốc. Do không thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc lục địa, công ty phải thu mua tơ lụa tại các cảng thị trung chuyển như Hội An (Quảng Nam)... Đó là ý tưởng đầu tiên thôi thúc người Hà Lan thiết lập quan hệ thương mại với vương quốc Đàng Trong của Đại Việt.

Sự tiếp xúc giữa người Việt và người Hà Lan đã diễn ra từ trước ngày thành lập VOC. Năm 1601 thuyền trưởng Jacob Cornelis Vanneck trên đường từ Trung Quốc đi Patani với 6 chiếc tàu đã đậu ở vùng bờ biển phía nam Trung Bộ để tìm kiếm nước ngọt. Tuy nhiên, phải đợi đến sau năm 1609 khi người Hà Lan thiết lập được thương điếm của mình ở Hirado, VOC mới bắt đầu quan tâm đến tơ lụa Trung Quốc và Đại Việt. Vào thời kỳ Châu ấn thuyền, đã có hàng trăm thuyền buôn Nhật Bản đến Đông Nam Á, trong đó có các cảng thị của Việt Nam; tơ sống, da hươu và đồ sứ là những mặt hàng được quan tâm chính. Tơ lụa Đàng Ngoài (200.000 -

300.000 guilders) chiếm khoảng 10% trong tổng số tơ lụa được bán ở Hirado.

Trung bình tơ lụa chiếm 88% trong tổng số mặt hàng người Hà Lan nhập khẩu vào Nhật Bản. Giá trị sản phẩm đạt được từ buôn bán da hươu ở Đài Loan, Xiêm, Campuchia (4%), da cá đuối từ Xiêm, Campuchia (1%), đường, gỗ sapan, hương liệu (2%). Tất cả chiếm 7% các giao dịch của Hà Lan ở Hirado (5% còn lại là sản phẩm châu Âu như vải vóc Hà Lan) [106].

Từ Nhật Bản, VOC tiếp tục có sự kết nối với thị trường tơ lụa Đàng Ngoài. Do có vị trí cận kề với khu vực kinh tế quan trọng miền nam Trung Hoa nên Đàng Ngoài đã sớm trở thành một điểm trọng yếu trong hệ thống thương mại châu Á. Tuy nhiên mãi đến năm 1637, thương thuyền đầu tiên của Hà Lan xuất phát từ Nhật Bản qua thương điếm Đài Loan và Hội An cũng đã đến Đàng Ngoài dưới sự chỉ huy của Carel Hartsinck. Nguyên nhân của sự chậm trễ của người Hà Lan không phải do người Hà Lan không biết đến lợi nhuận của tơ lụa Đàng Ngoài ở Nhật Bản - vốn đã được thương nhân Trung Quốc, Bồ Đào Nha chuyên chở sang Nhật Bản từ lâu, mà bởi tình trạng yếu kém của mạng lưới buôn bán của VOC ở khu vực Viễn Đông trong suốt 3 thập kỷ đầu thế kỷ XVII [127]. Chậm nhất là vào năm 1624, thương điếm Hirado của VOC đã nhận thấy tơ lụa Đàng Ngoài có mặt trong số những thương phẩm được ưa chuộng ở Nhật Bản. Kể từ đó mối quan hệ giữa Đàng Ngoài và VOC đã được thiết lập xung quanh trọng tâm của nền mậu dịch “tơ lụa đổi bạc”.

Để có được bạc Nhật Bản cho mạng lưới thương mại Nội Á, VOC cần tơ lụa Trung Quốc. Do không thể thâm nhập được thị trường Trung Hoa lục địa, VOC đã phải thu mua từ các cảng thị trung chuyển. Mặt khác, trong bối cảnh việc thiết lập quan hệ với Đàng Trong của VOC thất bại thì Đàng Ngoài trở nên có ý nghĩa vô

cùng quan trọng nhằm cung cấp tơ lụa, gốm sứ cho thị trường khu vực. Thế kỉ XVII, Đàng Ngoài là một mắt xích hữu cơ trong các luồng hải thương liên hoàn kết nối thế giới Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và châu Âu. Do đó trong giai đoạn này, dưới tác động của VOC, các thương phẩm chính như tơ lụa, gốm sứ mang tính quyết định đưa Đàng Ngoài hội nhập vào kỉ nguyên thương mại châu Á.

Có thể phân chia hoạt động buôn bán tơ lụa của Đàng Ngoài với Nhật Bản thành 3 giai đoạn:7 Giai đoạn thử nghiệm (1637- 1640), giai đoạn lợi nhuận cao (1641 – 1654) và giai đoạn suy thoái (1655 – 1670) . Hoạt động thu mua tơ lụa Đàng Ngoài được đặc biệt chú trọng do nguồn lợi nhuận lớn mang lại không chỉ cho VOC mà đối với cả các thương nhân ngoại quốc khác. Ngay từ rất sớm, người Hà Lan đã nhận thấy lợi nhuận cao của tơ lụa Đàng Ngoài tại thị trường Nhật Bản,

ít nhất 13 năm trước khi thiết lập quan hệ với Kẻ Chợ. Năm 1636, Hoa thương ở

Hirado thu được lợi nhuận lớn từ hoạt động nhập khẩu tơ lụa: giá bán tơ Đàng

Ngoài là 290 tael/picul, tơ Đàng Trong là 233 tael/picul, tơ Trung Quốc là 267,

bongoij (tơ vàng) có giá ở 3 mức khác nhau là 325.288 và 240 tael/picul. Trong thời

kỳ trước đó, tiêu biểu là năm 1624, theo nhật ký thương điếm Hirado, trong số những thương thuyền nhập cảng Nagasaki có một chiếc đến từ Đàng Ngoài mang theo nhiều tơ và các sản phẩm lụa. Năm 1633, thương điếm này gửi báo cáo về

Batavia cho biết, phần lớn trong số 2.550 picul tơ sống Hoa thương đưa sang Nhật

là sản phẩm của Đàng Ngoài. Tháng 1 năm 1637, thương điếm Hirado chuẩn bị

188.166 guilders để tàu Grol khởi hành đến Đàng Ngoài buôn bán, mà chủ yếu là

để thu mua tơ lụa. Sự đầu tư mạnh dạn này là do bản báo cáo đầy lạc quan của Couckebacker với nhận định rằng “Đàng Ngoài có thể cung cấp hàng năm 15.000

đến 16.000 picul tơ sống, 5.000 đến 6.000 tấm lụa khổ rộng và một số lượng quế

đáng kể”. Những năm tiếp theo, buôn bán tơ lụa của VOC ở Đàng Ngoài diễn ra suôn sẻ do tơ lụa được mùa, cụ thể là năm 1637, VOC thu lãi ròng 80%. Năm 1638 tơ Đàng Ngoài bán được với giá cao hơn cả năm trước, tại thị trường Nhật Bản, số

hàng hóa trên thuyền thuê Hoa thương chở ước tính lãi 230.000 guilders.8

7

Phần viết này, được dựa chủ yếu vào nghiên cứu của Hoàng Anh Tuấn, “Mậu dịch tơ lụa của Công ty Đông

Ấn Hà Lan với Đàng Ngoài, 1637 – 1670”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 3&4/2006.

8

Về chi tiết giá cả tơ lụa mua vào - bán ra của VOC, xin xem thêm phần Phụ lục 3 của Khóa luận: Bảng 1: Giá tơ mua vào và bán ra (ở Nhật Bản), 1636 - 1668 (florin/catty).

Hoạt động buôn bán của VOC ở Đàng Ngoài gắn liền với các hoạt động ngoại giao, đặc biệt là trong những năm 1639 và 1640, khi đạt được những thỏa thuận với chúa Trịnh về các điều kiện kinh tế và việc thống nhất trong kế hoạch liên minh quân sự với Đàng Ngoài. Những năm 1641 - 1643 là thời kỳ thân thiện nhất trong lịch sử quan hệ giữa VOC và Đàng Ngoài. Hoạt động buôn bán tơ lụa của công ty phụ thuộc chặt chẽ vào mối quan hệ với chúa Trịnh. Trong những năm này, việc buôn bán tơ lụa của công ty diễn ra thuận lợi do quan hệ bang giao thân thiện. Tuy nhiên, lợi nhuận của tơ Đàng Ngoài thu được vẫn khá thất thường, phụ thuộc chặt chẽ vào số lượng tơ Trung Quốc nhập khẩu vào Nhật Bản. Việc khan hiếm hàng hóa từ lục địa Trung Quốc khiến cho thương điếm Đài Loan rơi vào suy

thoái, trong khi mậu dịch tơ lụa với Đàng Ngoài lại rất phát đạt.

Những bất ổn của tình hình chính trị ở Trung Quốc tạo điều kiện cho thương điếm Hà Lan tại Đàng Ngoài lại kinh doanh phát đạt và kéo dài đến giữa thập niên 50 của thế kỷ XVII, mặc dù quan hệ song phương của công ty và phủ Chúa có chiều hướng xấu đi, các nhân viên công ty chịu sự o ép của hoạn quan một cách không khoan nhượng. Bên cạnh thị trường Nhật Bản, tơ lụa, quế, xạ hương Đàng Ngoài cũng được công ty đưa về châu Âu nhằm giải quyết sự sa sút trong khả năng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Nhằm thúc đẩy nền mậu dịch tơ lụa với Đàng Ngoài, Batavia quyết định sẽ cử một phó thương nhân lưu trú ở Kẻ Chợ cùng một số vốn cố định nhằm thu mua sẵn tơ lụa vụ đông để các tàu đến chở đi vào đầu mùa hè.

Trong hai năm 1644 và 1645, tơ lụa của Đàng Ngoài thu được lãi ròng lên tới 104% tại thị trường Nhật Bản. Đến năm 1646, giá tơ Đàng Ngoài bán ra với giá 322

tael/picul cao hơn hẳn tơ Bengal có giá 262 và 254 tael/picul và tơ Trung Quốc với

giá 320 tael và 280 tael cho tơ loại nhất và loại nhì. Cũng trong năm này, vài trăm (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

picul tơ Đàng Ngoài cũng được đưa về Hà Lan bởi thương điếm Đài Loan không

cung cấp đủ tơ lụa Trung Quốc. Trong những năm tiếp theo, lợi nhuận mà công ty thu được bắt đầu giảm nhẹ do gặp phải nhiều khó khăn trong buôn bán. Mưa lớn năm

1645 tàn phá vụ dâu, hai tàu Swarte Beer và Hillegaersbergh từ Đàng Ngoài sang

Nhật Bản gặp bão ngoài khơi, phần lớn hàng hóa trên tàu bị ướt. Năm 1647, hoạn quan Kẻ Chợ lại thuyết phục chúa Trịnh thông qua kế hoạch độc quyền cung cấp tơ

lụa cho công ty, ép công ty thu mua tơ lụa từ một số hoạn quan với giá cao. Sự cạnh tranh của người Hoa cũng trở nên gay gắt, bằng cách trả giá thu mua tơ cao hơn làm cho buôn bán của công ty ở Kẻ Chợ hoàn toàn bị tê liệt. May mắn là năm đó, người

Hà Lan vẫn thu được lợi nhuận 100% từ việc bán 634 picul tơ ở Nagasaki.

Tình hình buôn bán ngày càng trở nên tồi tệ, sự khan hiếm hàng hóa khiến cho giá trị hàng hóa thương điếm Đàng Ngoài đưa sang Nagasaki năm 1653 chưa

đến 174.531 guilders và chỉ thu lãi 70%, mức lợi nhuận rất nhỏ sao với những chi

phí đắt đỏ và rủi ro trong buôn bán với Đàng Ngoài mang lại. Trong bối cảnh đó, tơ lụa Bengal lại vươn lên chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, mang lại lợi nhuận 120% vào năm 1654 trong khi tơ lụa Đàng Ngoài chỉ đạt mức 34%. Năm 1655, công ty quyết định ngừng nhập khẩu tơ lụa Đàng Ngoài vào Nhật Bản. Sự kiện này đã chấm dứt thời kỳ thịnh vượng của sản phẩm tơ lụa Đàng Ngoài ở thị trường Viễn Đông.

Dấu hiệu suy thoái của nền mậu dịch tơ lụa VOC với Đàng Ngoài bắt đầu xuất hiện từ đầu thập niên 1650, trước khi công ty quyết định tạm đình chỉ hoạt động xuất khẩu tơ lụa Đàng Ngoài sang thị trường Viễn Đông vào năm 1655. Sự suy thoái biểu hiện trước hết ở khối lượng tơ lụa Đàng Ngoài đưa vào Nhật Bản ngày càng nhỏ, cũng như lợi nhuận thấp dần đi. Trong khi đó, sản phẩm tơ lụa Bengal lại chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, lợi nhuận thu được từ buôn bán tơ lụa Bengal cũng tăng lên. Năm 1653, lãi ròng của sản phẩm Ấn Độ đứng cao nhất trong số các loại tơ lụa công ty nhập khẩu vào Nhật, lần lượt là

174%, 135% và 121% đối với lụa tấm, tơ bariga và tơ pee. Thậm chí tơ Mongo -

loại tơ bán thành phẩm của Bengal mà công ty gửi sang chào hàng còn thu được mức lãi 200%.

Thêm vào đó là sự quan ngại về việc hệ thống quản lí đấu giá tơ lụa ở Nhật

có sự thay đổi quan trọng. Việc thay đổi hệ thống pancado ở Nhật Bản dấy lên sự

quan ngại ở Batavia bởi nếu việc áp giá trên bị bãi bỏ, tơ lụa Trung Quốc nhất định sẽ được bán với giá cao tại thị trường Viễn Đông. Sự quan tâm kể trên của công ty xuất phát từ khả năng nhập khẩu tơ lụa Trung Quốc của công ty rất yếu do sự sa sút của thương điếm Đài Loan. Hơn nữa, cuộc nội chiến của Trung Quốc không chỉ ngăn chặn việc xuất khẩu hàng hóa từ lục địa sang Đài Loan mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thế lực Trịnh Thành Công độc quyền hoạt động hải thương ở vùng

duyên hải đông nam Trung Quốc và chi phối hoàn toàn cầu buôn bán trực tiếp từ đại lục sang Nhật. Vì vậy, thế lực được hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động xuất khẩu

tơ lụa Trung Quốc sang viễn Đông sau khi chế độ pancado bị bãi bỏ là thế lực họ

Trịnh ở Trung Quốc chứ không phải VOC. Thời điểm đó mức lợi nhuận của tơ lụa Đàng Ngoài tại Nhật Bản lại giảm mạnh. Trong hoàn cảnh khó khăn trên, tơ lụa Bengal trở thành đáp án để công ty giải bài toán tơ lụa ở thị trường Viễn Đông.

Thành công của tơ lụa Nam Á ở thị trường Viễn Đông đồng nghĩa với việc tơ lụa Đàng Ngoài bị mất dần vị trí ở đó và cơ bản bị lật đổ hoàn toàn sau năm 1670. Việc tơ lụa Bengal chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản cộng với những bất ổn kinh tế và chính trị của Đàng Ngoài tạo thành hợp lực khiến nền mậu dịch tơ lụa VOC với Đàng Ngoài nhanh chóng tàn lụi. Trong năm 1659 mức lợi nhuận của tơ lụa Đàng Ngoài chỉ đạt 25% trong khi sản phẩm vùng Bengal thu được mức lãi trung bình 110% trong năm 1658 và thậm chí đạt 192% trong năm 1671. Không còn nghi ngờ gì nữa, sự chiếm lĩnh thị trường Viễn Đông của tơ lụa Bengal từ giữa thập niên 1650 là đòn quyết định đánh bật tơ lụa Đàng Ngoài ra khỏi thị trường Nhật Bản và chấm dứt một thập kỷ rưỡi buôn bán tơ lụa hưng thịnh của VOC với Đàng Ngoài. Hoạt động mậu dịch tơ lụa của Đàng Ngoài – Nhật Bản chính thức chấm dứt vào năm 1680.

Đến năm 1700, VOC chấm dứt quan hệ với Kẻ Chợ, chấm dứt thời kỳ thương mại hoàng kim của Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII với người Hà Lan. Cũng trong giai đoạn người Hà Lan thành công rực rỡ trong mậu dịch tơ lụa ở Đàng Ngoài, các công ty Đông Ấn Anh và Pháp cũng cố gắng thiết lập quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài nhưng không thu được thành công. Thời kỳ hoàng kim của tơ lụa đã gần như chấm dứt và với tư cách người đến sau, các quốc gia này không thu được những kết quả tốt đẹp trong quan hệ buôn bán với châu Á.

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 46)