Tình hình sản xuất gốm sứ

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 33)

Cùng với sản xuất tơ lụa, gốm sứ cũng là một trong những nghề thủ công nghiệp có truyền thống lâu đời ở nước ta, với nhiều trung tâm sản xuất lớn như Bát

Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Phù Lãng, Hương Canh, Hợp Lễ,… Đặc biệt trong xu thế hội nhập cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, các trung tâm sản xuất gốm được phát triển và mở rộng nhanh chóng

Ngay trong thời kỳ Việt Nam xây dựng nền độc lập tự chủ, những lò gốm trong các làng gốm Việt Nam nhanh chóng tăng số lượng sản xuất các sản phẩm cao cấp và có được vị trí trên thị trường quốc tế với vai trò trung gian của các thương nhân Trung Quốc, Ả rập. Đồ gốm có màu xanh lam của Việt Nam thế kỷ XI đã xâm nhập vào nhiều thị trường quốc tế và khẳng định được chất lượng. Cuối thời Lý, đầu thời Trần đã xuất hiện gốm nen nâu trên nền trắng ngà, một sản phẩm đặc biệt, tuyệt mĩ và tinh xảo. Đến giữa thế kỷ XIV, gốm Việt Nam khởi sắc với diện mạo mới: gốm men tiền cobalt (pre- cobalt), một loại men lam nhẹ có phủ men trắng mờ. Gốm men Việt Nam đã trở thành vật phẩm cao cấp dành cho việc triều cống và theo các tàu buôn đi các nước Nhật Bản, Ả rập và nhiều vùng thuộc Biển Đỏ. Chính vì vậy, khi chính quyền phong kiến nhà Minh thi hành chính sách “Hải cấm” đã tạo cơ hội đưa gốm sứ Việt Nam và khu vực đến với một bước ngoặt quan trọng, với nhiều thời cơ và thách thức. Đồ gốm Việt Nam có thể bắt đầu gia nhập mạng lưới thương mại quốc tế để thay thế nguồn đồ gốm từ Trung Hoa bị thiếu hụt. Tuy nhiên, vai trò vận chuyển đồ gốm Việt có thể vẫn nằm trong tay thương nhân châu Á, bởi dưới con mắt của thương nhân phương Tây, tơ lụa Trung Quốc và hương liệu của khu vực quần đảo Đông Nam Á là những mặt hàng có nhu cầu cao và mang lại lợi nhuận lớn. Gốm sứ phương Đông, bao gồm cả gốm sứ Trung Quốc vẫn chưa đến được với thị trường châu Âu. Tuy nhiên, việc một số lượng lớn đồ gốm phương Đông do người Hà Lan bắt giữ con tàu “San Jago” của Bồ Đào Nha đã đưa mặt hàng đến với đông đảo công chúng châu Âu. Hệ quả là đến đầu thế kỷ XVII, nhu cầu gốm sứ phương Đông, chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc lên cao, bao gồm cả hàng sản xuất với số lượng lớn và hàng hóa ký kiểu. Hoạt động nhập khẩu gốm sứ Trung Quốc của VOC cho thị trường châu Âu đang phát triển mạnh trong các năm 1639 thì bị tạm ngừng vào năm 1647 do những bất ổn chính trị ở Trung Quốc. Lúc này, gốm sứ các nước châu Á khác mới có cơ hội tham gia vào thị trường khu vực và quốc tế, thay thế cho đồ gốm Trung Quốc đang bị thiếu hụt. Thị trường Đông Nam Á và châu Á nói chung có nhu cầu cao về sản phẩm gốm sứ chất lượng vừa phải của

Trung Quốc, được gọi chung là gốm thô, nhưng sau sự kiện Trịnh Thành Công chiếm Đài Loan từ tay VOC đã cắt đứt nguồn cung cấp gốm thô Trung Quốc cho thị trường khu vực. Trong bối cảnh đó, gốm sứ Đàng Ngoài đã được sử dụng làm nguồn hàng thay thế đúng lúc cho thị trường liên đảo Đông Nam Á trong khi gốm tinh xảo của Nhật Bản được đưa về châu Âu thay thế cho gốm chất lượng cao của Trung Quốc [104]

Theo ghi chép của công ty Đông Ấn Hà Lan, từ 1663 đến 1668 đã có khoảng 260.000 tiêu bản gốm sứ Đàng Ngoài được Hoa thương chuyển đến Batavia. Từ thời điểm này gốm sứ Đàng Ngoài đã thay thế đồ gốm Trung Quốc để xuất khẩu rộng rãi ra thị trường Đông Nam Á đến tận đầu thập niên 80 của thế kỷ XVII. Những chuyến hàng gốm sứ Đàng Ngoài quy mô do Hoa thương đưa đến Java trong các năm đó đã gây ấn tượng mạnh, đồng thời thôi thúc Toàn quyền và Hội đồng Đông Ấn của VOC tại Batavia tham gia vào mạng lưới buôn bán gốm sứ [5; tr. 73]. Ngay trong năm 1669 thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ thu mua và gửi về Batavia 381.200 chén gốm thô Đàng Ngoài. Từ năm này đến đầu thập niên 1680, người Hà Lan trở thành một trong số các nhà xuất khẩu gốm sứ Đàng Ngoài ra thị trường khu vực. Trong bối cảnh mới, gốm sứ Đàng Ngoài có cơ hội dự nhập vào mạng lưới thương mại của các công ty Đông Ấn châu Âu gắn liền với sự suy thoái của gốm sứ thô Trung Quốc trên thị trường Đông Nam Á -một sự thay thế tạm thời, tương tự như sự nổi lên của Đại Việt trên thị trường buôn bán gốm sứ quốc tế thế kỷ XV – XVI. Cùng với số lượng gốm sứ xuất khẩu, thế kỷ XVI – XVII chứng kiến sự độc diễn của mậu dịch gốm sứ Bắc Đại Việt, thay vì có sự tham gia tích cực của gốm Chămpa lò Bình Định như ở các thế kỷ XIV, XV trước đó [88; tr. 69]. Theo đó, sự phát triển của gốm Đàng Ngoài thế kỷ XVII lại đặt ưu thế chủ yếu ở các trung tâm gốm xung quanh Thăng Long – Kẻ Chợ. Nguyên nhân có thể thấy là sự dịch chuyển các trung tâm gốm gần với trung tâm trao đổi, buôn bán và thuận tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Thêm vào đó, thế kỷ này gốm thô đã hoàn toàn thay thế vị trí của gốm tinh xảo thế kỷ XIV – XV trước đó. Bước sang thế kỷ XVII, trung tâm gốm Bát Tràng nổi lên thay thế cho gốm Chu Đậu, phần lớn các sản phẩm gốm sứ Đàng Ngoài xuất khẩu ra thị trường Đông Nam Á cuối thế kỷ XVII là các sản phẩm gia dụng được sản xuất chủ yếu tại trung tâm gốm sứ Bát Tràng [95; tr. 32 - 33].

Sự thoái trào của gốm tinh xảo Bắc Đại Việt từ thế kỷ XVI đã tạo bước chuyển quan trọng sang một nền sản xuất và buôn bán gốm thô bình dân cùng với sự hưng thịnh của các trung tâm Hương Canh, Phù Lãng, Thổ Hà, gắn liền với hạ lưu sông Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII. Theo xu hướng chung, nếu ở thế kỷ XV các sản phẩm gốm Bát Tràng có chất lượng cao và phong cách giống như gốm Chu Đậu xuất khẩu, thì sang thế kỷ XVI – XVII, gốm Bát Tràng có nhiều chất lượng, nhiều kiểu, loại, trong đó có những loại hình mà cả kiểu dáng, hoa văn có vẻ giống với gốm Hợp Lễ, Bá Thủy, và Cậy, Láo của Hải Dương [86; tr. 154 - 155]. Tư liệu phương Tây vầ các nghiên cứu khảo cổ đều thống nhất một nhận định chung là mặt hàng gốm xuất khẩu chủ đạo của Đàng Ngoài ra thị trường quốc tế thế kỷ XVII – XVIII là gốm thô (coarse ceramics). Trong chuyến du hành tới Đàng Ngoài, W.Dampier đã nhận thấy “Đồ gốm sứ của Đàng Ngoài thô và có màu xám. Tuy nhiên, họ làm ra một số lượng lớn các loại chén có dung tích độ nửa pint hoặc nhỉnh hơn. Những chén này miệng loe rộng hơn đáy làm cho người ta có thể lồng cái nọ và trong lòng cái kia. Những người châu Âu đã từng bán những chén này ở nhiều nơi trên đất Mã Lai. Vì thế thuyền trưởng Pool đã cho mua tới gần 100.000 chiếc trong chuyến đi đầu tiên của ông đến Đàng Ngoài với hi vọng sẽ bán lại tại Batavia khi ông quay lại đấy. Nhưng do không tiêu thụ được nên ông đã chở sang Bencouli thuộc đảo Sumatra, tại đó ông bán chúng với một giá rất hời cho toàn quyền Bloom. Ông này lại đem phần lớn số hàng trên bán cho dân Mã Lai và đã được lãi rất to. Tuy thế, khi tôi ghé qua đấy vẫn còn vài nghìn chiếc trong pháo đài vì xứ ấy cũng đã đầy ắp những chén. Thuyền trưởng Weldon cũng mua tới 30 hoặc 40 nghìn chiếc để chở đến pháo đài St. George nhưng tôi không biết ông đã bán chúng đi như thế nào. Các sản phẩm sứ Trung Hoa vốn tinh xảo hơn đã gây nên sự ế ẩm của gốm sứ Đàng Ngoài ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, ở Rackan trên vịnh Bengal sản phẩm này vẫn được yêu thích và bán khá chạy” [117; tr. 88]. Gốm hoa lam Việt Nam, thương phẩm chủ chốt của thế kỷ XIV – XVI đến thế kỷ XVII cũng suy thoái, chuyển sang mang nặng phong cách bình dân nội địa, với màu lam gỉ sắt khá phổ biến [89; tr. 90, 93, 102].

Thế kỷ XVII, sự gia tăng nhu cầu gốm thô Bắc Việt của thị trường quốc tế cũng góp phần tạo nên sự hưng khởi đồng loạt của các trung tâm gốm thô phía bắc và tây bắc quanh Thăng Long, là Thổ Hà, Phù Lãng, và Hương Canh. Nghiên cứu

của các nhà khoa học đều cho thấy đến khoảng thế kỷ XVII, cả hai trung tâm gốm của Bắc Bộ là Thổ Hà và Phù Lãng đều tập trung vào sản xuất các đồ gốm sành thô cỡ lớn. Nếu thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII là thời kỳ phát triển đỉnh cao của Thổ Hà, gắn liền với các sản phẩm gốm lớn, thì thế kỷ XVII cũng là mốc đánh dấu thợ gốm Phù Lãng đã chuyển hẳn sang làm các đồ sành thô. Đến thế kỷ XVII – XVIII Thổ Hà đã trở thành một làng chuyên nghề phi nông nghiệp, thậm chi phi đất đai canh tác và thiếu đất thổ cư, nghĩa địa, nhưng sự phồn thịnh của nghiệp gốm đã mang lại cho nơi đây những công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng lớn, được phú thương đóng góp lượng lớn tiền mặt để xây dựng. Tư liệu bi ký Thổ Hà còn khắc họa rõ khung cảnh “Bạn công thương chứa hàng tại chợ chất thành gò đống, tài hóa luôn luôn lưu thông. Nhân dân nhà nào cũng có lò nung thành dụng cụ… Chợ để thông thương, giao dịch (bán các đồ sành gốm) làm cho nhân dân yên ổn, vui vẻ với nghề nghiệp của mình” [51; tr. 77]. Phía Tây bắc Thăng Long, gốm Hương Canh cũng phát triển từ nửa cuối thế kỷ XVII trở đi và trong thế kỷ XVIII. So với Thổ Hà, sành Hương Canh thậm chí còn mỏng và thanh hơn, các dãy phố, ngôi đình lớn của Tam Canh (Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường) đều xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII. Ngay làng gốm Hiển Lễ ở Mê Linh cũng có sự xuất hiện của gốm hoa lam thế kỷ XVI – XVII và phát triển thịnh đạt vào khoảng XVI – XVIII.

Có thể thấy rằng, các trung tâm gốm miền Bắc Đại Việt đã nhanh chóng phát triển phù hợp với yếu tố thị trường quốc tế. Đặc biệt là thị hiếu ưa chuộng gốm sành Việt Nam sử dụng trong nghi lễ trà đạo ở Nhật Bản thế kỷ XVII “Nó (đồ gốm) được ưa chuộng đến mức tất cả những đồ gốm đưa ở Việt Nam sang hoặc làm ở Nhật Bản theo kiểu Việt Nam đã được gọi là “đồ gốm Kôchi” [118; tr. 119]. Trong một vài năm gần đây, tại nhiều nơi ở Nhật Bản như Nagasaki, Sakai, Osaka… đã phát hiện nhiều gốm sành Việt Nam trong các lớp văn hóa có niên đại thế kỷ thứ XVII. Thậm chí, gốm sành Việt Nam còn thực sự tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong giới trà đạo Nhật Bản “Theo một số nhà khoa học Nhật Bản cho biết, vào thời kỳ này, thị trường Nhật Bản đột ngột có nhu cầu cao về sành Việt Nam của các trung tâm nhuộm vải và giới trà đạo. Gốm men Việt Nam không thể thay thế gốm men Trung Quốc trên thị trường thế giới nữa. Chỉ có gốm sành là có chất lượng vượt trội so với

các lò gốm Trung Quốc. Có lẽ vì vậy, chỉ có gốm sành tiếp tục duy trì được chỗ đứng của mình trên thị trường gốm xuất khẩu nên các lò sành đã ồ ạt mang hàng ra Vân Đồn tạo nên “sự bùng nổ của sành” thế kỷ XVI – XVII” [92; tr.67]. “Những đồ gốm quý đặt làm tại Việt Nam chủ yếu được sử dụng trong nghi lễ trà đạo hoặc là đồ dùng trong sinh hoạt của tầng lớp thương gia, quý tộc Nhật Bản… Trong nghi lễ trà đạo, người ta đã sử dụng nhiều loại đồ gốm gọi là trà cụ như các loại bát để

uống trà (bát trà – chawan). Trong số đó, loại bát sâu lòng vẽ chuồn chuồn hay vẽ

hình con tôm của Việt Nam nêu trên được giới nghiên cứu cho rằng đó là những loại gốm được làm theo đơn đặt hàng của người Nhật” [95 ; tr. 670].

Thế kỷ XVII, gốm thô Bắc Đại Việt được xuất khẩu ra nhiều nước thuộc Đông Nam Á hải đảo, tại các thương cảng lớn như Java, Sumatra, Malaysia, Philippines. Điều này góp phần khẳng định tiềm năng và vị thế của gốm sứ trong mậu dịch thương mại không chỉ ở miền Bắc Đại Việt mà cả ở miền Trung “đồ sành miền Trung – xứ Huế được xuất khẩu trong cùng bối cảnh với đồ sứ phía Bắc” [95; tr. 672]. Sự phát triển của mậu dịch gốm sứ đã tạo nên những biến chuyển trong bản thân các lò gốm Đàng Ngoài. Thế chỗ cho vị thế trung tâm của gốm sứ sản xuất tại lò Thăng Long ở thế kỷ XIV – XV, sang thế kỷ XVII, gốm sứ của các làng nghề như Bát Tràng, Kinh Bắc, Hải Dương, cũng như của những địa phương khác kề cận, tập trung nhiều và phổ biến ở Thăng Long – Kẻ Chợ, đặc biệt là từ các lò Hợp Lễ, Cậy, Bá Thủy (Bình Giang, Hải Dương) và lò Kim Lan của Bát Tràng. Thăng Long trở thành trung tâm trong mậu dịch gốm sứ Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII, đầu mối xuất – nhập khẩu không chỉ gốm sứ mà cả các mặt hàng khác với sự bán buôn nhộn nhịp của khách thương ngoại quốc và sự xuất hiện thường trực các thương điếm phương Tây.

Tiểu kết

Trong bối cảnh của kỉ nguyên thương mại châu Á, Đại Việt với tư cách là một mắt xích trong hệ thống các luồng hải thương quốc tế cũng nhanh chóng dự nhập và có được vị trí nhất định. Trước những biến động của tình hình chính trị Trung Quốc, những sản phẩm thu công truyền thống chất lượng cao của nước này thiếu vắng trên thị trường, dẫn đến sự thiếu hụt của một số loại hàng hóa như tơ lụa, gốm sứ. Với những tiềm năng vốn có về sản xuất thủ công nghiệp, tơ lụa và

gốm sứ Đàng Ngoài nhanh chóng được lựa chọn là thương phẩm thay thế. Căn cứ vào tư liệu của các công ty Đông Ấn châu Âu, chúng ta có thể có được cái nhìn tổng quát và những số liệu cụ thể về tình hình sản xuất tơ lụa, cũng như chính sách của triều đình phong kiến đối với hoạt động thu mua, buôn bán thương phẩm này. Thế kỷ XVII, tơ lụa Đàng Ngoài chính là lực hấp dẫn thương nhân các nước châu Âu, mang lại cho họ nguồn lợi nhuận lớn. Nhận rõ được lợi ích từ việc buôn bán tơ lụa, chúa Trịnh đã thi hành chính sách độc quyền thu mua tơ lụa, nhằm kiểm soát số lượng tơ lụa mua bán với thương nhân, không để họ có cơ hội thu mua từ dân chúng. Chính vì vậy, sau này khi mối quan hệ giữa phủ Chúa với thương nhân châu Âu không còn mặn mà như trước, hoạt động thương mại tơ lụa cũng giảm sút và sau đó chấm dứt.

Mặc dù gốm sứ tinh xảo của Bắc Đại Việt đã xuất hiện từ rất sớm trên thị trường và có được vị thế nhất định, tuy nhiên sản phẩm gốm sứ chưa thực sự tạo thành dấu ấn rõ nét trong hoạt động thương mại quốc tế. Qua việc khảo cứu các bộ chính sử cũng như tư liệu nước ngoài, gốm sứ Đàng Ngoài chỉ được nhắc đến như một sản phẩm thay thế cho sự thiếu hụt nguồn gốm sứ chất lượng thấp (gốm thô) từ thị trường Trung Hoa. Cho nên sau này, dưới sự cạnh tranh của gốm sứ Nhật Bản và sự trở lại của gốm sứ Trung Quốc, gốm sứ Đàng Ngoài nhanh chóng thất thế. Trong kế hoạch thương mại của các thương điếm châu Âu, gốm sứ đến từ Đàng Ngoài cũng chưa thực sự là một thương phẩm thiết yếu và quan trọng.

Dù sao mặc lòng, phải thừa nhận rằng, vào thế kỷ XVII, tơ lụa, gốm sứ cùng với hương liệu Đông Nam Á đã tạo nên những điểm nhấn trong mạng lưới thương mại khu vực cũng như quốc tế.

CHƯƠNG 2

XUẤT KHẨU TƠ LỤA VÀ GỐM SỨ ĐÀNG NGOÀI

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 33)