Thị trường tiêu thụ chính của gốm sứ Đàng Ngoài thế kỷ XVII

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 58)

2.3.1. Thị trường Nhật Bản

Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản được bắt nguồn từ sớm. Nhật Bản từ lâu đã là nguồn cung cấp kim loại quý với thị trường phương Đông. Vì vậy, hoạt động tơ lụa đổi bạc diễn ra rất mạnh mẽ. Không chỉ có tơ lụa, gốm sứ Đàng

Ngoài thế kỷ XVII cũng thu hút được sự quan tâm của thị trường đảo quốc này. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy một khối lượng lớn gốm sứ Đàng Ngoài được tìm thấy ở Nhật Bản. Thế kỷ XVII – XVII là thời kỳ thịnh hành của trà đạo Nhật Bản, mở ra một cánh cửa mới cho gốm Bắc Đại Việt xuất khẩu. Tuy nhiên, các tài liệu phương Tây lại không hề đề cập đến hoạt động xuất khẩu gốm sứ Đàng Ngoài sang Nhật Bản dù đây là thị trường tiêu thụ khá ổn định gốm sứ Đàng Ngoài.

Từ những di tích thời trung, cận đại của Nhật Bản, những năm gần đây phát hiện được nhiều đồ gốm sứ sản xuất tại Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar. Trong số đó, có rất nhiều đồ gốm sứ Việt Nam. Gốm sứ cổ nhất là gốm

sứ Việt Nam vẽ hoa văn màu sắt tại di tích Dazaihu với mảnh gổ shobata có ghi

năm 1330. Sau này, số lượng gốm Việt Nam được tìm thấy ở Nhật Bản thông qua những cuộc khai quật và khảo cứu rất lớn. Đồ gốm được tìm thấy trong các di chỉ thành hào và lưu truyền trong bảo tàng và các gia đình có truyền thống lâu đời ở Nhật Bản đã được tập hợp trong các cuộc triển lãm vào các năm 1992, 1996, 1997.

Gốm Việt Nam được biết đến với hai dòng gốm tiêu biểu là Chu Đậu và Bát Tràng. Hiện nay có khoảng 20 bảo tàng ở Nhật Bản có sưu tập đồ gốm Việt Nam nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukoka và Bảo tàng gốm sứ Kyushu. Tại các bảo tàng này các cổ vật thuộc các dòng gốm Việt Nam thời Bắc thuộc, gốm men ngọc, gốm hoa nâu thời Lý – Trần, gốm hoa lam thời Lê, gốm xanh và trắng, gốm màu Chu Đậu, gốm thời Mạc và một số đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh và Nguyễn,…Gốm sứ được khai quật tại Nhật Bản cho phép chúng ta kết luận rằng những mặt hàng này được đưa vào đây từ nửa thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XVII. Tại di tích thành hào Sakai, đã tìm thấy bát men trắng, nồi sành, lọ sành cùng những trà cụ khác xuất phát từ Việt Nam. Những đồ gốm sứ của Việt Nam từ lâu đã được lưu truyền trong giới trà đạo Nhật Bản, rất được giới trà nhân ưa thích. Theo thống kê của Kikuchi Seichi, gốm sứ Việt Nam phát hiện ở Nhật Bản thế kỷ XVII bao gồm chủ yếu là gốm hoa lam, gốm vẽ hoa văn màu sắt và đồ sành [52].

Gốm sứ Việt Nam tìm thấy tại nhiều di chỉ ở Nhật Bản, nhưng được phát hiện phần lớn ở phía Tây Nhật Bản, những đồ sứ được phát hiện đa phần tập trung ở những điểm trung tâm đô thị như thương cảng, các di tích thuộc khu vực đó và di tích các thành cổ Kyoto, Osaka, Edo… [91; tr. 85]. Những hiện vật gốm sứ Việt

Nam khai quật được ở Nagasaki chủ yếu là sản phẩm gốm thô và gốm men màu ghi có hoa màu. Những hiện vật đầu tiên tìm được là bình gốm thô, một loại bình cao mà trong giới trà đạo gọi là bình Kiritame, bình cao nhỏ để cắm hoa có tên là Timaki, và các loại Futaoki (một vật dụng để kê gáo múc nước bằng tre trong nghi lễ trà đạo) [91]. Gốm Việt Nam ở đảo Okinawa có bát men ngọc, bình ngọc hồ xuân vẽ lam, hộp gốm vẽ tam thái, mảnh vò, bình ngọc hồ xuân vẽ lam và hộp gốm tam thái có xuất xứ từ Chu Đậu. Khu vực Hakata tìm thấy các loại gốm độc sắc như trắng, nâu, vàng, xanh hay trong trắng ngoài nâu, đôi khi hoa văn in nổi dưới men. Gốm Việt Nam còn được tìm thấy ở các di chỉ thành hào Kinki, Hokuriku, Kanto, Sanyou, Shikoku, Kyushyu, Okinawa. [91, 96, 95]. Tại Nhật Bản, những loại bát Việt Nam nhỏ, chân đế rộng, trang trí hoa văn bông cúc được tìm thấy trong rất nhiều di tích, nhiều nhất là Nagasaki, sau đó là Osaka, Sakai, Hakata và Edo. Những loại gốm này được nhập vào Nhật Bản từ sau thời kỳ chính phủ bế quan tỏa cảng vào năm 1639 [91; 95; 96]

Trong tư liệu phương Tây không thấy nhắc đến việc chuyên chở gốm sứ Đại Việt sang Nhật Bản hay số liệu chi tiết, nhưng những bằng chứng khảo cổ học cho thấy thế kỷ XVII các sản phẩm gốm sứ được lưu thông khắp Nhật Bản nên phát hiện thấy khắp nơi [95, tr. 86]. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải đặt mua sản phẩm ở một nơi xa xôi như vậy? Thêm vào đó, gốm sứ Việt Nam thời kỳ này hầu hết đều không phải hàng hóa tinh xảo, mà là gốm sứ thô, nhưng lại rất được ưa thích ở thị trường Nhật Bản. Thế kỷ XVII, thời kỳ phát triển của kinh tế hàng hóa và thời kỳ hưng thịnh của các cảng thị ở cả hai miền Bắc và Trung Việt Nam. Những thay đổi của thương mại hàng hải quốc tế tạo cơ hội cho Việt Nam có những thay đổi trong quan hệ với những nước trong khu vực. Phải thừa nhận một thực tế là thị hiếu thưởng thức chè (trà đạo) của thị dân Nhật Bản thịnh hành vào thời gian này, vì vậy người ta cần mua những bộ đồ trà. Đặc biệt là những người theo phái trà đạo (Trà nhân), thường muốn đặt mua các bộ đồ trà có hình dáng đẹp riêng [26, tr. 82]. Tuy vậy, ban đầu những sản phẩm này du nhập vào Nhật Bản không phải ngay lập tức được sử dụng trong nghệ thuật trà đạo “Có thể lúc đầu mục đích sử dụng của đồ gốm sứ Việt Nam là dùng để chứa hoặc đựng, nhưng khi nhập vào Nhật Bản nó lại được dùng trong nghệ thuật trà đạo, sau đó lưu thông khắp nội địa Nhật Bản” [95,

tr. 87]; “đầu tiên chỉ được coi như là một vật đựng trong quá trình chuyên chở, sau đó nó đã trở thành một loại sản phẩm trong số những sản phẩm gốm, thu hút được những người trong giới trà đạo và họ đã đặt mua để làm dụng cụ pha trà” [91; tr. 2].

Vấn đề là tại sao với một thị trường yêu cầu tương đối cao như Nhật Bản, đồ gốm sứ thô Đàng Ngoài lại có thể xâm nhập và có chỗ đứng ở thị trường này. Điều này có thể được lý giải bởi tâm lý lựa chọn theo quan điểm đồ gốm sứ dùng để thưởng thức trà được tuân theo chủ nghĩa đồng nhất cũng như sự kén chọn và cá tính hóa của người dùng. Qua chủng loại, nhóm dụng cụ và số lượng đồ gốm sứ dùng để thưởng thức trà trong thời gian từ nửa cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII đã gia tăng một cách nhanh chóng. Đặc điểm của thời kỳ này là việc giao dịch ngoại thương tại Đông Nam Á phát triển phồn thịnh và đồ gốm sứ Đông Nam Á có mối liên hệ mật thiết với quá trình hình thành hệ thống trà đạo trong thời kỳ cận đại. Nhân tố thúc đẩy quá trình thông thương và sự hình thành của hệ thống trà đạo là dân cư đô thị thuộc tầng lớp trung lưu. Với ý nghĩa đó, có thể khẳng định rằng chính việc tiếp đãi khách thương gia thưởng thưởng thức trà, địa vị và cá tính hóa của các nghệ nhân trà đạo đã tạo nên hệ thống trà đạo và phong cách gốm sứ trong thời cận đại [96; tr. 670]. Những trà nhân thường có xu hướng tìm đến những sản phẩm độc đáo, có phong cách, và thể hiện cá tính của riêng mình. Thế kỷ XVII, những sản phẩm gốm sứ Đại Việt trở nên thịnh hành ở Nhật Bản bởi phong cách phóng khoáng, dân dã, đơn giản nhưng ấn tượng. Các sản phẩm được đặt hàng ở Đại Việt với phong cách Nhật. Đồ gốm phát hiện được đều là sản phẩm của lò Hợp Lễ. Đó là loại bát sâu lòng vẽ hình con tôm, các loại đĩa lòng rộng vẽ hình rồng uốn lượn, đặc sắc nhất là chiếc đĩa vẽ những cánh diều đang bay lượn trên bầu trời với nét vẽ rất sống động. Điều đáng nói ở đây là những cánh diều vẽ trong lòng và thành ngoài chiếc đĩa này có hình dáng gần với con cá đuối, khác hẳn với hình dáng cánh diều truyền thống của Việt Nam là có hình chiếc lá. Sự khác biệt đó đưa đến giả thuyết rằng, phải chăng đây là những cánh diều kiểu Nhật Bản? Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là tư liệu khẳng định rõ vào thế kỷ XVII, người nhật đã đặt làm tại lò gốm Hợp Lễ một số mặt hàng gốm quí và nó được vẽ theo phong cách của người Nhật.

Đáng lưu ý là những đồ gốm quý đặt làm tại Việt Nam nói trên chủ yếu được sử dụng trong nghi lễ trà đạo hoặc là đồ dùng trong sinh hoạt của tầng lớp thương

gia, quý tộc Nhật Bản. Những đồ gốm Việt Nam có thể là những trà cụ như các loại bát để uống trà. Trong số đó loại bát sâu lòng vẽ chuồn chuồn hay vẽ hình con tôm của Việt Nam được cho rằng đó là những loại gốm được làm theo đơn đặt hàng của người Nhật [91; tr. 670 - 671]. Điểm quan trọng và cũng là nét độc đáo nhất của những đồ gốm Việt Nam nói trên là đường nét vẽ hoa văn đều bị chảy nhòe do nhiệt độ nung, tạo nên vẻ đẹp ngẫu nhiên, nhưng lung linh, huyền ảo và lạ lẫm. Chiếc bát trà đạo vẽ chuồn chuồn nói trên cũng thuộc loại có men chảy nhòe. Hiện tượng kỹ thuật này ban đầu có thể là do ngẫu nhiên, nhưng đã làm cho giới quý tộc Nhật ưa thích. Từ đó những đồ gốm có hoa văn chảy đã trở thành món hàng rất có giá trị, được những thợ gốm khéo tay vùng xứ Đông chủ động sản xuất để chuyên bán cho thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh các đồ dùng cho nghệ thuật trà đạo, các loại gốm thông thường khác như bát men trắng, bát in văn bông hoa cúc nhỏ hình mặt trời, đĩa vẽ cành lá cách điệu thì lại có phong cách như những đồ gốm dùng trong nội địa. Những loại bát đĩa này có được sử dụng trong nghi lễ trà đạo hay không. Theo Mori Tsuyoshi thì những sản phẩm đó được dùng như một món đồ bình thường trong bữa ăn [91]

Một số lượng lớn gốm sứ Đại Việt nhập khẩu vào Nhật Bản không chỉ ảnh hưởng đến phong cách trà đạo, thậm chí tạo nên phong cách trà đạo Nhật mà còn ảnh hưởng đến phong cách sản xuất gốm sứ. Những sản phẩm này nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản. Trong đó có các thứ là báu vật của các gia đình có uy quyền như Tướng quân, Daimyo, đang được bảo quản cẩn thận. Đồ sứ Việt Nam được tàu châu ấn đưa vòa Nhật Bản thế kỷ XVII đã có ảnh hưởng lớn đối với những người thợ gốm Nhật Bản. Trong đó nơi chịu ảnh hưởng sớm nhất là lò gốm Seto, nói cụ thể hơn là, trong số đồ gốm sứ được sản xuất theo mệnh lệnh của dòng họ Owari Tokugawa, người đứng đầu địa phương đó, có rất nhiều thứ rất giống với sứ hoa xanh của Việt Nam. Loại sứ này mô phỏng theo đồ sứ Việt Nam, đồ sứ Việt Nam được đưa vào Nhật Bản liên tục có tác dụng kích thích những người thợ gốm Nhật Bản sáng tạo và hình dáng của nó đã thân quen với mọi người [96; tr. 672 - 673].

Gốm sứ Đại Việt được tìm thấy nhiều ở Nhật Bản không chỉ chứng minh sự phát triển sôi động của thương mại châu Á mà còn cho thấy vị trí nhất định của sản phẩm này trong thị trường khu vực, cho dù sự phổ biến không thể so với gốm sứ

Trung Quốc. Dù chỉ mang tính chất là sản phẩm thay thế tạm thời trong một thời gian ngắn, gốm sứ Đại Việt thế kỷ XVII đã tạo được dấu ấn rất riêng với thị trường đảo quốc và cả thị trường Đông Nam Á.

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)