mạo vật chất và kinh tế Đàng Ngoài
Có thể nói rằng, việc mở rộng con đường thông thương Đông – Tây đã tạo nên những chuyển biến mang tính căn bản đối với các nước châu Á. Một hình thái kinh tế mới được manh nha, với những phương thức trao đổi hàng hóa mới, đáng kể nhất là sự xuất hiện của các thương điếm của các công ty Đông Ấn phương Tây ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Những thương nhân châu Âu nhanh chóng thiết lập được mạng lưới buôn bán của mình tại Đông Nam Á thông qua hàng loạt các công ty Đông Ấn, chi phối mọi hoạt động buôn bán tại đây. Trong ý nghĩa đó, nhà nghiên cứu Sakurai đã cho rằng: “công ty Đông Ấn Hà Lan VOC là sự nối dài đầu tiên của hệ thống thương mại châu Âu tại Đông Nam Á và có ảnh hưởng rất nhiều tới lịch sử cận đại của Đông Nam Á. Batavia, trung tâm của mạng lưới VOC, trở thành trung tâm liên thế giới vào thế kỷ XVII. Đặc trưng nổi bật của mạng lưới này là các thương thuyền đồng thời là những hạm đội có vũ trang và có chi nhánh đại diện (thương điếm) ở hầu khắp các vùng ven biển của khu vực Đông Nam Á. Ngay cả ở Đông Á, VOC cũng có thương điếm đại diện ở Hirado, Nagasaki, Formosa… tất cả các thương điếm này đều chịu sự chỉ huy nhất quán từ Amsterdam nhưng lại rất năng động trong những hoạt động theo cơ chế thị trường” [116, tr. 52].
Ở Đại Việt, trong bối cảnh chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài, thương nhân phương Tây cũng nhanh chóng được sự đồng ý của chính quyền phong kiến cho phép lập thương điếm để buôn bán. Năm 1636 chúa Nguyễn cho phép người Hà Lan mở thương điếm ở Hội An. Nhưng phải thừa nhận rằng, từ trước đó Hội An đã “là bến đậu của nhiều tàu thuyền nước ngoài ra vào buôn bán ở đất Quảng” [4; tr. 53]. Với việc nhìn nhận ngoại thương là vấn đề sinh tử của Đàng Trong, các chúa Nguyễn mà tiêu biểu là chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã nhiều lần viết thư kêu gọi
thương nhân nước ngoài đến buôn bán, đặc biệt là thương nhân Nhật Bản. Đối với thương nhân phương Tây “chúa Nguyễn đã quyết định cấp đất cho người Bồ Đào Nha lập một thành phố gần cảng Đà Nẵng để buôn bán và cạnh tranh với người Hà Lan nhưng không rõ vì lí do gì người Bồ đã không thực hiện ý định này” [4; tr. 54]. Đến khi người Hà Lan tới buôn bán, chúa Nguyễn cũng vui vẻ chấp thuận và ban cho giấy phép thông thương để tự do buôn bán trong toàn quốc.
Ở Đàng Ngoài, công ty Đông Ấn Hà Lan thiết lập thương điếm đầu tiên ở Phố Hiến năm 1637 và sau đó được chúa Trịnh cho phép lập thương điếm ở Thăng Long vào năm 1644. Thương điếm được bố trí, xây dựng giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại tách ra khỏi khu phố xá dân cư. Họ có lực lượng lao công phục vụ, có những người khuân vác, vận chuyển hàng hóa riêng mà không cần huy động người địa phương. Thậm chí đến cả những người phiên dịch họ cũng cố gắng sử dụng người Hà Lan để tránh sự lệ thuộc vào người Nhật và người nước ngoài. Thương điếm đầu tiên của người Hà Lan ở Kẻ Chợ được cho là nhà tranh vách đất, tuy nhiên đến năm 1650 trở đi được xây dựng kiên cố bằng gạch, năm 1653 được xây riêng một ngôi nhà bằng đá cho Giám đốc thương điếm [98; tr.146]. Thương điếm của người Hà Lan ở Đàng Ngoài
cũng được W.Dampier miêu tả trong Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài 1688
“Thương điếm của người Hà Lan giáp thương điếm của người Anh ở mạn nam. Tôi chưa bao giờ đi vào đó nên chẳng thể mô tả gì hơn về thương điếm ấy ngoài những điều được người khác kể lại. Khu thương điếm của họ tuy không rộng như của chúng ta tuy rằng họ đã đến đây trước chúng ta nhiều năm” [114, tr. 39]. Sau này, người Anh cũng được chúa Trịnh cho phép lập thương điếm tại Thăng Long sau rất nhiều gian nan, vất vả. Đúng 11 năm sau ngày đặt chân đến Đàng – Ngoài, người Anh mới chính thức được lập trụ sở thương mại tại kinh đô. Ngày 4/6/1683, mọi hàng hóa và đồ dùng sinh hoạt của nhân viên EIC được chuyển từ Phố Hiến lên “khu định cư mới trên Kẻ Chợ”. Thương điếm của người Anh được đặt ở khu vực Đông Bắc kinh đô, nằm gần về phía nam thương điếm Hà Lan, cách khu nhà của VOC qua cửa sông Tô Lịch. W.Dampier đã mô tả về khu nhà này “Ngôi nhà của thương điếm của người Anh không có nhiều người, tọa lạc một cách yên bình ở phía bắc của thành phố và quay mặt ra ngoài sông. Đây là một ngôi nhà xây thấp,
khang trang, đẹp mắt, và là ngôi nhà đẹp nhất mà tôi đã trông thấy trong thành phố. Ở chính giữa có một phòng ăn xinh xắn, ở mỗi đầu có những căn phòng tiện nghi dành cho các thương gia, nhân viên thương điếm và gia nhân thuộc Công ty sinh sống ở đó. Ngôi nhà này được xây song song với con sông, ở mỗi đầu hồi lại có những ngôi nhà nhỏ hơn với những công dụng khác nhau như nhà bếp, nhà kho… tạo thành một dãy chạy từ căn nhà chính ra tận sông, tạo thành hai cánh, cùng một cái sân vuông để trông về phía sông. Ở góc sân phía bờ sông có một cột cờ treo cờ Anh trong các dịp lễ, vì đồng bào Anh chúng ta khi ở nước ngoài có thói quen treo quốc kỳ trong ngày Chủ nhật cũng như những ngày lễ tiết khác” [98; tr.38 – 39].
Tuy vậy, người Anh đã không may mắn khi tiến hành buôn bán ở Đàng Ngoài vào những thập niên cuối thế kỷ XVII bởi tình hình đã có nhiều biến động. Do những khó khăn trong chính sách của chính quyền phong kiến, mối quan hệ giữa phủ chúa với thương nhân VOC và EIC ngày càng xấu đi, năm 1700 công ty Đông Ấn Hà Lan quyết định giải thể trụ sở thương mại tại Đàng Ngoài. Cuối tháng 11 năm 1697 nhân viên thương điếm Anh rời khỏi Đàng Ngoài nhưng EIC vẫn nuôi hi vọng quay trở lại buôn bán. Năm năm sau ngày EIC vĩnh viễn đi khỏi Bắc Đại Việt, khu nhà thương điếm Anh tại Kẻ Chợ chính thức bị chúa Trịnh trưng thu [99, tr.547].
Có thể nói rằng, sự xuất hiện của thương điếm nước ngoài ở Kẻ Chợ đã tạo nên một diện mạo mới mẻ, hay chí ít là một điểm chấm phá trong diện mạo vật chất vốn rất sơ sài, nghèo nàn ở Đàng Ngoài. Giáo sĩ Baldinotti đến Thăng Long đầu thế kỷ XVII đã nhận xét “trừ hoàng cung ra, ở đây người ta lợp ngói và xây bằng những phiến đá lớn được đẽo gọt cẩn thận, còn lại các ngôi nhà trong kinh thành đều được làm bằng những “cây sậy” to như những cây gỗ, gọi là “tre”. Những nhà đó lợp bằng rơm rạ và không có cửa sổ”. Samuel Baron cũng nhận xét “Rất ít những kiến trúc bằng gạch, trừ những thương điếm ngoại quốc. Số còn lại làm bằng tre và những phên liếp đan sơ sài” [37; tr. 584]. Phố xá thì bẩn thỉu và lầy lội “Phần lớn là gắn vá bằng những viên đá nhỏ nhưng rất qua loa. Đến mùa mưa những phố đó rất bẩn và lầy lội và về mùa khô người ta thấy ở kinh thành và chung quanh những ao tù, và một số mương rãnh đầy bùn đên xông lên mùi hôi thối” ; “Đường xá của thành phố ở trong một tình trạng tồi tệ. Những phố thường là rất hẹp, được lát gạch theo kiểu Trung Quốc, nghĩa là chỉ được lát ở mặt lòng đường trên một bề rộng
chừng 1m, và những viên gạch vuông đá phần lớn đã bị vỡ nát hoặc xô lệch. Dọc theo hai bên đường, thực sự là những vũng nước đọng hôi thối hoặc không có lối thoát. Ngoài ra, mái hiên của những ngôi nhà tranh dùng để che mưa, nắng cho những gian bày bán hàng của những người buôn bán thì lại làm cho lối đi thực tế đã bị thu hẹp lại, đến nỗi những khách bộ hành phải khó nhọc lắm mới đi lại được” [38; tr. 58]. Những ngôi nhà ở Kẻ Chợ thường là thấp, tường trát bùn, mái lợp rạ. Tuy vậy cũng có một số nhà được xây bằng gạch, lợp ngói. Phần lớn những ngôi nhà này đều có một cái sân, hoặc một khu đằng sau phụ vào đấy.Cho đến những thế kỷ sau nữa, diện mạo vật chất của Thăng Long – Kẻ Chợ vẫn không có nhiều thay đổi, đến mức Nguyễn Trường Tộ nhận định “Thành phố của ta nhà cửa xây cất lộn xộn, không thứ tự gì hết. Đường mòn, đường hẻm lung tung, lùm bụi um tùm, tám hướng bốn bể ai muốn đi đâu cũng được. Ngoài ra chung quanh thành, trong ngoài tường lớn nhỏ, đầy mương hào gò đống ngổn ngang” [38; tr 6]. Cơ sở buôn bán của các nước phương Tây ở Đàng Ngoài thời kỳ này chính là nét điểm xuyết vào hệ thống nhà cửa với những mái rạ chúc xuống rất thấp, bề mặt của căn nhà trông ra phố thường thường chỉ là một tấm khung cửa bằng liếp tháo dỡ được, buộc ở phía trên và ban ngày người ta chống tấm liếp đó lên; dựng nghiêng trên hai chiếc gậy. Chính dưới các túp lều dựng tạm đó, để vừa tránh mưa, vừa tránh nắng, người lái buôn bày bán hành hóa của mình [35, 36, 38]. Sau này, diện mạo vật chất của đô thị Thăng Long còn nhiều biến đổi, nhưng dù là rất nhỏ, sự hiện diện của một lối kiến trúc mới đã là một nét chấm phá sinh động trong bức tranh kinh đô – làng tương đối nghèo nàn, ảm đạm của đô thị này ở thế kỷ XVII – XVIII.
Quá trình hoạt động thương mại của thương nhân phương Tây đã tạo nên những diện mạo mới ở Đàng Ngoài. Ở khía cạnh kinh tế, trong suốt 64 năm hoạt động buôn bán tại đây, người Hà Lan đã góp phần đáng kể biến khu phố chợ khá sầm uất này thành một đại đô hội đứng hàng thứ hai sau kinh kỳ. Điều quan trọng hơn là cũng tại đây và và từ đây, người Hà Lan đã đã tỏa ra khắp các thành thị, xóm thôn mua hàng và đặt hàng tạo nên một thương trường sôi động. Công ty Đông Ấn Hà Lan với những hoạt động của nó ở Phố Hiến trong 64 năm đã kéo cả vương quốc Tonkin gia nhập vào “cuộc cách mạng thương nghiệp” châu Á [80; tr. 137]. Đặc biệt là sự du nhập những sắc thái kinh tế mới “Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII
có những loại chợ phiên như Nhật Bản, có tổ chức kiểu hội chợ như ở Tây Âu, có tổ chức thương đoàn, thương vụ, thương quán, thương điếm. Có cả khu phố tự trị của thương nhân nước ngoài, dấu hiệu xuất hiện một loại thành thị tự do… Những trung tâm buôn bán này trao đổi trực tiếp với nhau bất chấp mọi cấm đoán của chính quyền phong kiến. Thị trường dân tộc tuy chưa ra đời nhưng mạng lưới thương nghiệp trên toàn quốc đã hình thành và có mối liên kết chặt chẽ” [80; tr. 195]. Không cần phải bàn nhiều, những nguồn tư liệu rõ ràng, đầy đủ đã cho chúng ta thấy sự phát triển và mở rộng của ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII, một thời kỳ thương mại sôi động, với những tăng trưởng mang tính nhảy vọt.
Tiểu kết
Sự du nhập của những kĩ nghệ mới, những hệ tư tưởng mới là hệ quả tất yếu của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa. Theo chân những thuyền buôn phương Tây, các sản phẩm của Đàng Ngoài được xuất khẩu ra nước ngoài, ngược trở lại là những sản phẩm đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh trao đổi mang tính toàn cầu ở thế kỷ XVII, kinh tế - xã hội Đại Việt có những bước chuyển mình rõ rệt. Ở những thế kỷ sau, khi quá trình xâm nhập bằng con đường thương mại được thay thế bằng sự can thiệp bằng vũ trang để biến Đại Việt trở thành một mắt xích trong hệ thống thuộc địa của các nước phương Tây, kinh tế tư bản chủ nghĩa nhanh chóng được mở rộng, mang đặc trưng của một nền sản xuất lớn. Thế kỷ XVII có thể xem như thế kỷ bản lề để Đại Việt nói chung, Đàng Ngoài nói riêng, hội nhập. Đối với Đàng Trong, thương mại đã mang đến cho Đàng Trong một diện mạo hoàn toàn khác với Đàng Ngoài và khác với nhiều mô hình đã tồn tại trước và sau đó trong lịch sử Việt Nam. Những tuyến thương mại trên lãnh thổ của chúa Nguyễn đã kéo xứ Quảng chuyển dịch theo cả hướng Bắc – Nam và Đông – Tây. Nguồn tài chính từ những hoạt động giao thương chính là cơ sở để chúa Nguyễn không ngừng mở rộng lãnh thổ về phía Nam và theo đó, người Việt từng bước di dân và chiếm lĩnh những vùng đất mới.
KẾT LUẬN
1. Thế kỷ XVI – XVII là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Việt Nam. Trước những cuộc đấu tranh chính trị phức tạp trong chính quyền nhà Lê, để bảo toàn sự sinh tồn của mình, Nguyễn Hoàng (1524 – 1613) buộc phải rời Đàng Ngoài vào trấn thủ Thuận Hóa giúp chúa Trịnh ổn định biên giới phía nam của Đại Việt. Trong một thế cuộc chính trị phức tạp, việc ra đi của Nguyễn Hoàng chắc chắn chưa chứa đựng ngay mưu đồ cát cứ, xẻ đôi sơn hà. Nhưng chính những xung lực phát triển của vùng đất mới, cùng những điều kiện thuận lợi cho sự đi lên của kinh tế ngoại thương, Nguyễn Hoàng đã dần thay đổi cái nhìn truyền thống của Nho giáo và thay vào đó là cái nhìn năng động, cởi mở và hướng mạnh mẽ về kinh tế biển. Nếu như ở Đàng Trong, kinh tế thương mại đã mang lại cho họ Nguyễn một sự đứng chân vững chắc và là cơ sở cho việc tiến xuống phía Nam, thì ở Đàng Ngoài kinh tế thương mại đã tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ và để lại những dấu ấn kinh tế - xã hội đậm nét. Sự bùng nổ của kỷ nguyên thương mại Châu Á, việc nhà Minh xóa bỏ chính sách Cấm Hải tạo thuận lợi cho Hoa thương xuất dương buôn bán, sự hiện diện của những đoàn thuyền buôn phương Tây với nhu cầu hương liệu cao…là những nhân tố bên ngoài kích thích hải thương Đông Nam Á nói chung và Đàng Ngoài nói riêng hội nhập và phát triển nhanh chóng. Với vị trí thuận lợi cho việc buôn bán, Đàng Ngoài đã nhanh chóng dự nhập vào mạng lưới buôn bán của thương nhân châu Á, sau đó là châu Âu.
2. Sự tham dự của các thương thuyền phương Tây vào nền kinh tế hàng hóa ở Đàng Ngoài – tương tự như Đàng Trong – là bởi sức hút từ một thị trường hàng hóa xuất khẩu phong phú. Đối với Đàng Ngoài, trong thế kỷ XVII tơ lụa là lực hấp dẫn lớn nhất các thương thuyền châu Âu. Theo ghi nhận của các nhà du hành và truyền giáo châu Âu, Đàng Ngoài là nơi trồng được nhiều dâu và sản xuất ra một lượng lớn tơ lụa mỗi năm, có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh tơ lụa Trung Hoa bị hạn chế xuất khẩu ra bên ngoài, tơ lụa Đàng Ngoài càng có thêm cơ hội xuất dương, theo các thuyền buôn phương Tây đến các thị trường khu vực và quốc tế một cách thường xuyên và với số lượng lớn. Tuy không có được sức hấp dẫn lớn như tơ lụa nhưng gốm sứ cũng trở thành một trong những thương phẩm góp dự vào quá trình đưa Đàng Ngoài hội nhập trong thế kỷ XVII.
3. Tơ lụa và gốm sứ Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII đã thực hiện thành công vai trò thương phẩm quốc tế, góp phần đưa miền bắc Đại Việt dự nhập vào mạng lưới giao thương khu vực. Thông qua con đường tơ lụa đổi bạc Nhật, các công ty Đông Ấn châu Âu đã tiến hành hoạt động giao thương thông suốt và lợi nhuận cao. Ở đó, vai trò của bạc – tiền tệ truyền thống của hầu hết các quốc gia phương Đông - có vị thế hàng đầu. Với nguồn bạc phong phú, Nhật Bản trở thành thị trường mà bất kỳ