Thị trường Manila (Philippines) và Tân Thế giới

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 51)

Manila (Philippines), thương cảng quan trọng hàng đầu của người Tây Ban Nha tại châu Á, đã trở thành cầu nối mà các Công ty Đông Ấn châu Âu đều muốn thiết lập quan hệ buôn bán bởi lượng bạc từ Tân Thế giới đổ về đây hàng năm. Nếu xây dựng được tuyến thương mại Đàng Ngoài – Manila thành công, mỗi năm sẽ có một lượng lớn thương phẩm địa phương của Đàng Ngoài được chuyển về cảng

trung chuyển này để tỏa đi các thị trường khác nhằm đổi lấy bạc Nam Mỹ để thay thế cho lượng bạc Nhật đang ngày càng suy giảm.

Trong suốt 2/3 thế kỷ XVII, người Tây Ban Nha9 và sau đó là người Anh đã cố gắng thiết lập mạng lưới thương mại nối Manila – Đại Việt, bởi nguồn tơ lụa giá rẻ của Đàng Ngoài có thể được tiêu thụ rất tốt ở Manila. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai khu vực này bị gián đoạn và không mấy suôn sẻ do những tác động từ tình hình phát triển của ngoại thương khu vực cuối thế kỷ XVII. Mặc dù mối quan hệ giữa người Tây Ban Nha ở Manila với Đàng Ngoài chưa bao giờ được thiết lập một cách chính thức nhưng thỉnh thoảng vẫn có tàu từ Manila tới Đàng Ngoài thu mua các sản phẩm địa phương, chủ yếu là tơ lụa và xạ hương. Người Tây Ban Nha ở Manila đã nhận ra tiềm năng thương mại của Đàng Ngoài nên đã có tham vọng thiết lập tam giác thương mại Manila – Đàng Ngoài – Campuchia. Vì vậy, những năm 1670, người Tây Ban Nha đã gửi một thuyền mành tới Đàng Ngoài - do một người Brabander mang chức danh Đại sứ của Tây Ban Nha tại Manila. Chiếc thuyền mành này quay trở lại Đàng Ngoài vào năm 1672 để thu mua tơ sống và xạ

hương, với tổng số tiền vốn 30.000 tael. Tại Campuchia, số tơ lụa thu mua được ở

Đàng Ngoài đã mang lại lợi nhuận rất lớn, hứa hẹn một tương lại tốt đẹp trong mối quan hệ thương mại giữa Manila – Đàng Ngoài và làm tăng thêm tham vọng của người Tây Ban Nha về việc xây dựng tam giác thương mại Manila - Đàng Ngoài - Campuchia. Hoạt động của thuyền mành Manila rõ ràng đã làm người Hà Lan lo ngại bởi sự xuất hiện của đối thủ chen chân vào mối giao thương Hà Lan - Đàng Ngoài. Vì thế, người Hà Lan đã tìm mọi cách ngăn chặn sự xâm nhập của thương nhân Manila tại Đàng Ngoài nhưng không có hiệu quả, thậm chí còn làm tăng thêm quyết tâm của người Tây Ban Nha trong việc thiết lập quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài. Quyết tâm của Manila càng được củng cố khi họ cố gắng liên hệ với thương nhân tự do Nhật Bản Resimon - một nhà môi giới rất có thế lực để thực hiện việc xuất nhập và vận chuyển hàng hóa. Resimon lên kế hoạch sử dụng các tàu của Tây Ban Nha để vận chuyển tơ sống mà ông đã thu mua được ở Đàng Ngoài dựa trên

9

Đầu thế kỷ XVI, người Tây Ban Nha Đã đến quần đảo Philippines (1520), nhưng phải mãi tới năm 1570 Manila mới được họ biết đến. Người Tây Ban Nha nhanh chóng nhận ra vị trí đặc biệt thuận lợi của Manila, nằm giữa sông và biển, với nhiều hải cảng lớn, dải đất giữa các cảng lại là các làng, rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán. Manila sau đó được chọn là thủ đô của Philippines dưới sự cai trị của người Tây Ban Nha cho tới khi Hoa Kỳ vào xâm lược vào năm 1898.

mối quan hệ tốt đẹp với quan lại địa phương. Tại Manila, tơ sống sẽ được dệt thành lụa tấm để chuyển tới tiêu thụ ở Tân Thế giới hoặc châu Âu. Bằng thế lực và những mối quan hệ với giới quan chức của Resimon, con đường thương mại từ Đàng Ngoài tới Manila diễn ra khá thuận lợi, cho tới khi Resimon chết. Nhưng việc buôn bán tơ lụa giữa Manila và Kẻ Chợ vẫn được tiến hành trong những năm sau đó, bất chấp mọi cố gắng ngăn chặn của người Hà Lan.

Đối với người Anh, việc dự nhập khá muộn vào hệ thống buôn bán châu Á vào nửa cuối thế kỷ XVII, khi thương mại Đàng Ngoài đã có những dấu hiệu suy giảm, không khiến cho họ giảm đi hi vọng về một tương lại kinh doanh tốt đẹp ở xứ sở này. Ý tưởng thiết lập cầu buôn bán giữa Đàng Ngoài và Mania vốn đã được người Anh ấp ủ từ rất lâu, trước cả khi có tin thất bại trong việc tái lập quan hệ với Nhật Bản năm 1672. Manila có vai trò rất quan trọng với vị trí là địa điểm gắn kết cả hai trung tâm thương mại lớn ở châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, hàng năm lại tiếp nhận một lượng bạc rất lớn cùng với kim loại quý từ Tân thế giới đổ về trên các con tàu từ Tây Ban Nha vượt qua Thái Bình Dương [125, tr. 33 – 46]. Theo hai tác giả Dennis O. Flynn và Arturo Giraldez, năm 1630, khi Macao trở thành thương điếm thường trực, Manila đã chính thức thành một cạnh trong tam giác tơ lụa đổi bạc trong hệ thống buôn bán đổi bạc Nhật. Bạc từ Tân Thế giới được chuyển qua Buenos Aires và Sacramento sau đó chuyển vào Manila. Mỗi năm có khoảng 6 triệu

Pesos bạc (159.000kg) hoặc một nửa sản lượng bạc đó của Peru được chuyển tới

đây để tham gia mạng lưới thương mại với Seville (Tây Ban Nha) [127, tr. 33 – 49]. Chính vì vậy, Manila trở thành thị trường buôn bán rất hấp dẫn đối với người Anh và cả với người Hà Lan. Đề xuất mở tuyến thương mại buôn bán nối Manila - Kẻ Chợ được thương điếm Anh ở Đàng Ngoài gửi về Luân Đôn ngay từ khi người Anh đến phố Hiến năm 1672. Yêu cầu này càng trở nên thiết thực và cấp thiết khi người Anh có trong tay những thông tin về tình hình buôn bán rất phát đạt của người Tây Ban Nha với Đàng Ngoài qua những con tàu từ Manila đến. Giám đốc thương điếm Anh tại Đàng Ngoài William Gyfford đã báo cáo với Luân Đôn rằng Manila như một trung tâm tiêu thụ tơ sống Đàng Ngoài và vải vóc xuất khẩu của Anh. Manila được xem như một nền mậu dịch hứa hẹn nhiều tiềm năng và lợi nhuận giống như thị trường Nhật Bản với người Hà Lan. Niềm tin này được dựa trên hai luận điểm

sau: Thứ nhất, thương mại với Nhật Bản đến nay không còn hy vọng thành công trong khi Manila chứng tỏ sẽ tốt như Nhật Bản, lại tự do cho mọi quốc gia đến buôn bán. Thứ hai, tơ sống mua với giá rẻ ở Đàng Ngoài được tiêu thụ ở Manila với giá rất cao bởi Hoa kiều ở Manila dùng tơ sống Đàng Ngoài để dệt thành lụa tấm và tái xuất sang Tân Thế giới [104, tr. 58]. Những luận điểm và niềm tin chắc chắn vào một cơ hội thương mại mới, cùng với tham vọng về những khoản lợi nhuận khổng lồ giống như người Hà Lan đã làm được trong thời gian giao thương với Đàng Ngoài và Viễn Đông đã khiến giám đốc thương điếm Đàng Ngoài gấp rút đốc thúc tổng hành dinh Bantam suy nghĩ về đề xuất mở cầu thương mại Đàng Ngoài – Manila và cố gắng thuyết phục các vị giám đốc ở Luân Đôn “đi đến một thỏa thuận với vua Tây Ban Nha nhằm mở một thương điếm của người Anh ở đó (Manila)” [104, tr. 58]. Tuy nhiên, nhân viên thương điếm Đàng Ngoài nhanh chóng thất vọng bởi những sự kiện xảy ra đã dập tắt niềm hi vọng cuối cùng về việt thiết lập cầu buôn bán Đàng Ngoài – Manila mà họ đã hi vọng và ấp ủ nhiều năm qua. Nguyên do chính là chuyến đi của thương nhân Nicolas Waite đã bị thất bại do bị người Tây Ban Nha tại Manila bắt giữ vào năm 1674, toàn bộ hàng hóa và tài sản của công ty bị tịch thu. Mục đích chính của chuyến đi của Waite là tránh khỏi nguy cơ bị cô lập trong cuộc chiến với người Hà Lan bởi trong suốt mấy năm liền không có tàu nào từ Luân Đôn sang Đàng Ngoài và thương điếm Kẻ Chợ đang ở trong tình thế nói như Gyfford là “Chúng ta đang ở trong bóng tối và thực sự không biết chúng ta đang tiến hay đang lùi trong công việc.” Vì vậy, một lượng hàng hóa trị giá 626,75 lạng bạc đã được mang tới Macao trên tàu của người Bồ Đào Nha để buôn bán. Đồng thời, thương điếm Kẻ Chợ cũng mong muốn, thông qua chuyến đi này có thể liên hệ với thương nhân Manila ở Macao để ký gửi hàng hóa sang Manila tiêu thụ, với lời hứa rằng người Anh ở Đàng Ngoài sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để giúp đỡ thương nhân Manila. Chuyến đi thất bại của Waite làm tiêu tan toàn bộ hi vọng liên hệ với một thị trường mới đầy tiềm năng và khiến cho tình trạng cô lập của thương điếm Anh tại Kẻ Chợ càng trở nên trầm trọng. Mọi cố gắng, nỗ lực của giám đốc và nhân viên thương điếm Anh ở Đàng Ngoài thậm chí còn bị quy kết thành một vụ áp phe thương mại sai trái, trong đó Giám đốc Gyfford bị kết tội oan là chủ mưu của vụ việc trên.

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 51)