Chuyển biến kinh tế

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 81)

a. Thương nghiệp

Sự tiếp xúc với các thương nhân phương Tây đã đặt ngoại thương Việt Nam vào một hoàn cảnh rất đặc biệt, khác hẳn với các thời kỳ trước đó. Sự xuất hiện của các đoàn thuyền buôn phương Tây ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài khiến cho tình hình buôn bán nhộn nhịp và phồn thịnh hơn.

Các thuyền buôn ngoại quốc tới Đàng Ngoài cùng với các hoạt động thông thương, trao đổi của họ đã làm mở rộng hơn nữa nền kinh tế hàng hóa ở Đàng Ngoài – vốn đã có mầm mống từ những thời kỳ trước. Các thương nhân Đàng Ngoài với số vốn nhỏ bé không thể tiến hành các hoạt động giao thương trên quy mô lớn. Trong khi đó các thuyền buôn phương Tây lại mang tới đây khối lượng tài

sản khổng lồ, với những hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của giới quý tộc phong kiến. Lẽ dĩ nhiên họ đã tạo ra được những cơ hội thuận lợi cho công việc buôn bán. Các thương điếm được thành lập để tiến hành các thương vụ, chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm địa phương và sẵn sàng được chuyển đi khi các tàu buôn đến Đàng Ngoài. Ngược lại, thông qua thương điếm, chính quyền phong kiến cũng có thể đặt các món hàng, giải quyết các vấn đề xung quanh việc trao đổi hàng hóa và quan hệ ngoại giao. Như vậy là, chỉ ở khía cạnh này, các thương điếm của các công ty Đông Ấn châu Âu đã tạo ra một nếp nghĩ mới trong buôn bán, kinh doanh, tăng cường niềm tin của chính quyền và cư dân bản địa. Khi quy mô của các thương điếm càng được mở rộng chứng tỏ quan hệ buôn bán đang mang lại những nguồn lợi lớn, thu hút sự quan tâm đầu tư của các Công ty Đông Ấn châu Âu. Như một tác động thuận chiều, số vốn tăng lên để đầu tư vào hoạt động kinh doanh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các ngành kinh tế trong nước cũng như quy mô giao dịch. Có thể thấy được điều này qua số lượng bạc chảy vào Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII. Trong khoảng thời gian từ 1637 đến 1668, đã có khoảng 2.527.000 lạng bạc chủ yếu là bạc Nhật (tương

đương 7.000.000.000 guilders Hà Lan) được VOC đưa vào Đàng Ngoài. Từ thời

điểm này, do buôn bán sa sút, lợi nhuận giảm nên số bạc mà VOC đưa vào Đàng Ngoài cũng giảm sút. Không chỉ có thương nhân Hà Lan, mà cả Hoa thương và Nhật thương, người Bồ Đào Nha cũng đưa bạc vào Đàng Ngoài để tiến hành các hoạt động giao dịch - mà hoạt động chủ yếu là thu mua tơ lụa Đàng Ngoài xuất khẩu. Số vốn mà các thương nhân này đưa vào xấp xỉ với số vốn mà người Hà Lan mang đến để buôn bán ở Đàng Ngoài [104, tr. 677].

Sự biến động ngoại thương ở đây còn thể hiện ở thái độ của chính quyền phong kiến đối với các hoạt động giao thương với thương nhân nước ngoài. Trong khi đó, giai cấp phong kiến vốn là những thành phần rất kỳ thị việc buôn bán, kinh doanh, luôn cho rằng các thương nhân là những “gian thương”, làm tổn hại đến xã hội. Tuy nhiên, vì thói quen hưởng thụ và quyền lợi ích kỷ của giai cấp, họ lại tạo điều kiện cho thương nhân ngoại quốc, nhất là những người giàu có thường xuyên đến buôn bán. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua nhiều nguồn tư liệu. Trong cuốn sách tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, J.B.Tavernier viết: “vì rằng em tôi nhiều lần đi đến vương quốc Đàng Ngoài, lần nào em tôi trở lại đây

cũng được chào đón, lần sau trọng thị hơn lần trước. Do đó nhà vua và các đại thần nhớ nhất về em tôi là câu ấy và luôn vui vẻ đánh bạc với vua và các đại thần, đôi khi chơi với số tiền lớn. Vì cờ bạc là may rủi nên có chuyến đi đến Đàng Ngoài em tôi bị thua hơn hai vạn đồng écu (tiền vàng). Nhưng nhà vua là bậc rộng lượng nên không muốn để em tôi bị thua thiệt như thế, bèn tặng lại cho em tôi một số tặng phẩm để bù lại” [40, tr. 26]. Thông tin này mặc dù còn nhiều ý kiến tranh luận về tính xác thực nhưng phần nào đó có thể cho chúng ta nhiều ý kiến khác nhau về tư duy kinh tế của chính quyền Lê – Trịnh trong thế kỷ XVII, khi có sự góp mặt của các thương nhân phương Tây vào đời sống kinh tế xã hội Đàng Ngoài.

Những lợi ích kinh tế đã thu hút hầu hết các thành phần xã hội Đàng Ngoài vào các hoạt động giao thương trong nước, quốc tế. Từ đó hình thành các trung tâm kinh tế, đặc biệt là lưu vực sông Hồng. Thăng Long – Phố Hiến – Domea trở thành huyết mạch kinh tế của Đàng Ngoài. Cùng với đó là hệ thống chợ vùng, chợ phiên và sự xuất hiện của các làng buôn đã đem đến sinh lực và diện mạo mới cho xã hội Đàng Ngoài trong suốt 3 thế kỷ. Các mạng lưới chợ và các làng nghề xuất hiện như một hiện tượng kinh tế nổi trội và phổ biến trong thế kỷ XVII, XVIII. Cùng với đó là hệ thống các làng buôn – một thiết chế kinh tế đặc biệt, tiêu biểu như Đa Ngưu (Hưng Yên), Báo Đáp (Nam Định), Đan Loan (Hải Dương)… Một trong những nét nổi bật trong những chuyển biến kinh tế - xã hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận kinh thành Thăng Long – Kẻ Chợ trong những thế kỉ XVII – XVIII là sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa nông thôn. Nó bắt nguồn từ điểm xuất phát là xu thế tư hữu hóa ruộng đất, được tiếp sức và lớn mạnh lên nhờ các hoạt động của các làng chuyên nghề như thủ công, mạng lưới chợ và các làng buôn [73].

Kinh tế thương nghiệp như một phương cách hội nhập phổ biến của nhiều quốc gia nào trên thế giới. Đó là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất cho việc đẩy mạnh sự phát triển và tiềm lực đất nước. Đại Việt trong thế kỷ XVII, trước những chuyển biến của bối cảnh quốc tế, đặc biệt là sự xuất hiện của các thương đoàn

phương Tây đã tự nguyện gia nhập vào thương đoàn quốc tế. Sự dự nhập dù còn

chưa thực sự chủ động đó đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhìn nhận xác đáng và đúng đắn hơn về tiềm năng kinh tế dồi dào của vương quốc và tạo đà cho những bước phát triển về sau

b. Thủ công nghiệp

Số lượng vốn lớn của các thương nhân nước ngoài đầu tư vào Đàng Ngoài, chủ yếu là thu mua tơ lụa, gốm sứ đã có tác động rất lớn đến việc mở rộng những ngành thủ công nghiệp truyền thống này. Thế kỷ XVII, tơ lụa và gốm sứ nhanh chóng được mở rộng sản xuất với sự mở rộng các trung tâm dệt và các lò gốm ở Thăng Long và cả vùng phụ cận. Trong một xã hội nông nghiệp như Đại Việt, nghề dệt chỉ được coi là một nghề phụ, các hộ gia đình thường tranh thủ sản xuất trong lúc nông nhàn, khi công việc đồng áng không nhiều “Thủ công nghiệp ở nước ta chưa hoàn toàn tách rời khỏi nông nghiệp… ngoài những thời gian trồng trọt, cày cấy người nông dân phải làm thêm một số công việc thủ công hoặc để gia đình mình dùng, đỡ phải mua, hoặc để bán, kiếm thêm tiền chi tiêu trong nhà” [1, 136]. Trong bối cảnh đó, người dân dệt lụa chủ yếu để phục vụ nhu cầu may mặc của bản thân và gia đình, chưa có những biểu hiện của mầm mống của kinh tế hàng hóa. Còn để phục vụ cho vua quan phong kiến, đã có các phường thợ, đội thợ giỏi chuyên nghiệp đến từ các địa phương, chuyên phục vụ cho nhu cầu may mặc của giới quý tộc, quan lại. Thậm chí, thợ giỏi còn được trưng tập vào các quan xưởng của nhà nước, và phục vụ suốt đời. Chính vì vậy, bản chất nghề thủ công không thay đổi, nó chỉ có sự biến đổi về quy mô sản xuất và giá trị sản lượng trong một khoảng thời gian nào đó với những tác động từ nhu cầu thương phẩm.

Đến thế kỷ XVII, giáo sĩ Marini đến Kẻ Chợ đã thấy “phố phường đầy ắp những thợ thủ công và thương nhân”[38; tr. 58], còn W. Dampier thì thấy “chúng ta có thể gặp thấy ở đây những người thuộc rất nhiều nghề, tỷ như thợ đóng móng ngựa, thợ làm nhà, thợ cưa xẻ, thợ mộc, thợ tiện, thợ dệt, thợ may, thợ làm đồ gốm, thợ sơn, người đổi bạc, thợ làm giấy, thợ tráng men, thợ đúc chuông và những loại thợ thủ công khác” [38; tr. 58]. Điều đáng lưu ý là trong những thế kỷ này, ngoài việc gia tăng số lượng hàng hóa theo một đà phát triển từ trước, chúng ta đã thấy có có một chuyển biến lớn lao về chất lượng kĩ thuật [35; tr. 44]. Mặt khác, ta thấy có một bước tiến trong trình độ chuyên môn hóa sản xuất theo một khuynh hướng vừa là tách biệt, vừa là kết hợp trong lao động giữa các làng thủ công. Mỗi làng có thể làm riêng từng bộ phận của một loại hàng hóa,… hoặc ngược lại một cụm làng thủ công gần hoặc xa nhau lại có thể có những quan hệ trao đổi về nguyên liệu và kinh

nghiệm sản xuất, như cụm các làng gốm Bát Tràng – Thổ Hà – Phù Lãng, Đinh Xá, cụm các làng đúc và làm đồ đồng Đại Bái – Đề Cầu – Đông Mai, cụm các làng La dệt vải lụa, cụm các làng dệt và làm giấy ở ven hồ Tây và sông Tô Lịch [35; tr. 42]

Nhu cầu tơ lụa Đàng Ngoài vào những năm đầu của thế kỷ XVII đối với các thuyền buôn phương Tây rất lớn, các lái buôn phương Tây có thể bao tiêu và thu mua toàn bộ số tơ lụa được sản xuất trong mùa vụ tơ đó để chuyển sang thị trường Nhật Bản. Nhu cầu tiêu thụ đã kích thích sản xuất phát triển. Những ghi chép của người phương Tây cho thấy sản lượng tơ lụa tăng lên đáng kể trong những năm nửa đầu thế kỷ XVII. Ở kinh thành Thăng Long và vùng ngoại vi của nó đã xuất hiện các trung tâm tơ lụa như Hà Đông, Nam Định, Thái Bình. Đặc biệt là tỉnh Hà Đông với các loại tơ lụa nổi tiếng với vân Vạn Phúc, the La Cả, lụa Quân Hành, đũi Bộ La… Mặc dù tơ lụa không được coi là ngành sản xuất chính, vẫn xếp sau nông nghiệp trồng lúa nhưng sản lượng tơ lụa hàng năm rất lớn, có thể đáp ứng đủ nhu cầu thu mua của người nước ngoài do một số lượng lớn nhân công tham gia sản xuất. Trong truyền thống sản xuất của người Việt, phụ nữ thường là những người tiến hành các hoạt động ươm tơ, chăn tằm, dệt lụa, đàn ông tham gia vào các hoạt động sản xuất khác. Tuy nhiên, có thể nhận định thời điểm tơ lụa trở thành mặt hàng thương phẩm số một thì không chỉ phụ nữ mới tham gia vào sản xuất tơ lụa, mà còn có cả các thợ dệt nam giới và một số lượng lớn cư dân tham gia vào các hoạt động như: nhuộm, chuốt, tẩy, thêu… (ước tính có khoảng 1% dân số Đàng Ngoài đã tham gia vào hoạt động sản xuất tơ lụa trong giai đoạn thương mại tơ lụa thịnh đạt).

Một số lượng lớn dân cư tham gia sản xuất tơ lụa (theo thống kê có khoảng 1% dân số Đàng Ngoài) sản xuất ra một khối lượng lớn tơ (90 tấn mỗi năm) là do tác động của nhu cầu thương phẩm của các lái thương ngoại quốc, với số lượng vốn lớn đầu tư vào hoạt động buôn bán tơ lụa (đã đề cập ở những phần trước). Chính sự mở rộng sản xuất này đã chứng tỏ rằng sự tác động rất tích cực của ngoại thương vào các ngành kinh tế khác, đồng thời cho thấy đóng góp rất to lớn của thủ công nghiệp trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa trong nước. Đây có thể xem là sự tác động hai chiều giữa nhân tố nội tại với các nhân tố ngoại sinh một cách rất rõ nét trong sự phát triển kinh tế. Cụ thể là đến những năm 1660 khi lợi

nhuận của việc kinh doanh tơ lụa Đàng Ngoài tại thị trường Nhật Bản của người Hà Lan bị suy giảm thì dân cư Đàng Ngoài cũng bắt đầu chuyển nhiều bãi trồng dâu sang canh tác lúa và hoa màu. Thương điếm Hà Lan cho biết những năm gần đây thợ dệt thường chỉ tiến hành công việc khi nào thương nhân nước ngoài đã đến giao tiền đặt cọc hàng [104, tr. 680]. Thực tế đã chứng minh sự suy thoái trong buôn bán tơ lụa đã khiến cho không chỉ thợ thủ công mà các giai tầng khác trong xã hội như thương nhân, người môi giới trung gian… chịu tác động hoặc ít hoặc nhiều. Sự rời bỏ việc kinh doanh tơ lụa của thương nhân Hà Lan và thương nhân Anh và cả một bộ phận Hoa thương đã tác động rất lớn đến số lượng nhân công tham gia sản xuất tơ lụa ở Đàng Ngoài.

Không chỉ có tơ lụa, mà các ngành thủ công khác trong thế kỷ XVII cũng đã có sự chuyển biến so với thời kỳ trước. Trong thế kỷ XVII các cụm làng nghề thủ công đã xuất hiện tập trung ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, như các cụm làng La Khê, La Cả, La Nội (Sơn Nam) dệt the lụa, Vạn Phúc (Sơn Nam) dệt the gấm, Phùng Xá (Sơn Tây) dệt lượt, các làng Hương Canh, Thổ Hà, Phù Lãng (Kinh Bắc), và Đinh Xá (Sơn Nam) làm đồ gốm…

Các nguồn sử liệu phương Tây đều cho thấy sự hưng khởi của nền kinh tế Đàng Ngoài và cả Đàng Trong trong thế kỷ XVII. Đó là kết quả của những vận động, chuyển biến kinh tế, xã hội nội tại. Sự thịnh đạt của nền kinh tế luôn gắn liền với các hoạt động ngoại thương. Thế kỷ XVI – XVIII bức tranh kinh tế - xã hội Đại Việt diễn ra nhiều chuyển biến sâu sắc với sự xuất hiện của các thương thuyền châu Âu.

Một phần của tài liệu Thương phẩm xuất khẩu và quá trình hội nhập quốc tế của Đàng ngoài thế kỷ XVII Nghiên cứu trường hợp tơ lụa và gốm sứ (Trang 81)