5. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Biểu tượng cánh buồm
Gắn với những con thuyền trên biển là những cánh buồm. Hình ảnh này từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng quen thuộc trong văn học Đông Tây kim cổ: Cánh buồm đỏ thắm, cánh buồm trắng cô độc
(Lermôntốp), cánh buồm tít cõi trời xa (Lý Bạch), cánh buồm thấp thoáng, xa xa (Nguyễn Du), cánh buồm nâu (Nguyễn Bính), cánh buồm trắng - mảnh hồn làng (Tế Hanh), cánh buồm tươi tốt trong mưa xuân (Huy Cận)... Nó là biểu tượng cho khát vọng đi xa, khát vọng tự do, làm chủ thiên nhiên đất trời của con người để chiếm lĩnh không gian. Cánh buồm ấy lúc nào cũng căng gió, vượt muôn trùng đại dương chở theo bao hoài bão lớn lao của con người để đến với chân trời cao rộng.
Trong Trường ca Tổ quốc Đường chân trời, Nguyễn Trọng Văn đã mượn hình tượng cánh buồm thẳng tiến ra khơi để hình dung về Tổ quốc:
“Tổ quốc căng như một cánh buồm Thẳng hướng ra khơi
Đất nước ta là chuyến đi dài Mấy ngàn năm không nghỉ…”
Đó là một khái quát tuyệt đẹp về Tổ quốc muôn đời tràn ngập cảm xúc yêu quý, tự hào. Đất nước với phần lớn là biển đảo sẽ mãi mãi bền bỉ trong hành trình vượt trùng dương hướng ra biển để khẳng định vị thế của mình - vị thế của một dân tộc có trên 3000 km bờ biển.
Cùng với cảm hứng lãng mạn, Nguyễn Hữu Quý hình dung về biển với những cánh buồm đã trổ trái hoa trên cánh đồng biển cả:
“Những cây buồm khơi xa
đã trổ hoa trên cánh đồng biển cả: Trường Sa, Hoàng Sa
Trong lòng mẹ Việt
những đứa con út ít mặn mòi”.
(Hạ thủy những giấc mơ - Nguyễn Hữu Quý)
Cánh buồm no gió lướt đi trên biển khơi trở thành một biểu tượng hùng tráng trong thơ Tế Hanh. Ông từng tâm sự rằng: “Tuổi nhỏ của tôi đã trôi qua giữa cái mùi mằn mặn của những mẻ cá và trong tiếng ru vừa bát ngát vừa êm đềm của bốn bề sóng vỗ. Trên làng tôi, quay mặt về phương nào cũng thấy những tấm lưới, những mái chèo và nhất là những cánh buồm căng gió…”. Tế Hanh viết bài thơ Quê hương khi mới 18 tuổi:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã Phăng mái chèo, vội vã vượt trường giang Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
(Quê hương -Tế Hanh)
Niềm vui của thiên nhiên miền sông nước và niềm vui của làng ngư dân tụ lại trong hình ảnh con thuyền; còn niềm vui của con thuyền thì tụ lại
trong trong hình ảnh cánh buồm. Cánh buồm là biểu tượng sức sống của dân chài, biểu tượng tâm hồn mở ra cùng nắng gió.
Tế Hanh tả cảnh thuyền về trong nỗi chờ đợi của dân làng trên bến sông, bài thơ tô đậm những món quà của biển không chỉ đằm trong khoang thuyền mà còn lưu dấu trên cơ thể người đi biển và con thuyền của họ:
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe Những con cá tươi ngon thân bạc trắng Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng Cả thân hình nồng thở vị xa xăm Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.
(Quê hương -Tế Hanh)
Cái “vị xa xăm” mà người ngư phủ mang về trong thịt da và hơi thở cũng hấp dẫn như mùi cá tươi và mùi muối biển ngấm vào vỏ thuyền. Tất cả làm nên đời sống và nhịp sống của một làng chài, kết nối cái làng cù lao đó với biển trời Tổ quốc, với chợ búa thị thành.
Trong bài thơ Buồm nâu biển biếc trích từ trường ca Điệp khúc vô danh in năm 1983 của nhà thơ Anh Ngọc, cánh buồm căng gió đã trở thành biểu tượng của tự do. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là cánh buồm nâu. Cánh buồm nâu cứ mỗi ngày tách bến ấy chính là tôi, một công dân Đất Việt, hậu duệ mấy nghìn năm sau của những người con của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra từ trong bọc trứng. Rung động lịch sử ấy lại thêm một lần được nhắc tới ở đây:
“Một nửa nhân dân tôi theo mẹ đã lên rừng Một nửa khác theo cha xuống biển”.
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc)
Thì ra cội nguồn, gốc gác chung của tất thảy mọi người con Đất Việt với tâm thức thiêng liêng bền vững muôn đời - con Rồng cháu Tiên chính là cái bến để cánh buồm nâu xuất phát ra dài rộng biển trời ấy. Gắn liền cánh
buồm nâu như cái gạch nối mong manh nối biển với đất liền là hình ảnh Tổ quốc thân thương với những màu đất, cánh én, cánh dơi, với nắng mai và sóng thân mật vỗ mạn thuyền róc rách. Hình tượng Đất nước và Nhân dân chợt trở nên cao rộng huyền ảo trong hải trình của cánh buồm trên biển lớn:
“Những cánh buồm đi dưới trăng thanh Đi lặng lẽ trong sương mờ cổ tích Buồm như thể chiếc lưỡi cày lật ngược Vạch ngang trời những luống trăng sao”.
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc)
Ngọn buồm trong con mắt nhà thơ là “chiếc lười cày lật ngược” vạch lên cánh đồng vũ trụ “những luống trăng sao”. Sự liên tưởng kỹ vĩ ấy gợi nhắc đến công việc quen thuộc bao đời của nông dân Việt Nam, những người đã dựng nên nền văn minh lúa nước trên dải đất cong cong hình chữ S này với bao thăng trầm vất vả không kể xiết cùng những khao khát ước mơ bay bổng mênh mang.
Không dừng lại ở đó và không bằng lòng với những gì đã có, Đất nước ấy đã, đang và sẽ vươn ra biển lớn với bản lĩnh và ước mơ mang tên Việt Nam:
“Hạnh phúc xa vời ở cuối những tầm tay Tôi là nỗi khát khao không mệt mỏi Tôi biết cách ngược chiều cơn gió thổi Gió nồm nam tôi chỉ một con đường”.
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc)
Ra biển là sẵn sàng chấp nhận những thử thách hiểm nguy mới, nghiệt ngã hơn, to lớn hơn ở đất liền, đòi hỏi dân tộc ta phải biết cách ngược chiều cơn gió thổi để đi đúng con đường đã chọn. Trong hành trình thăm thẳm đi về phía mặt trời lên, Tổ quốc đồng nghĩa, đồng hành với tình yêu và khát vọng của ta:
“Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên”.
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc)
Đó chính là những điều cao cả được nói lên bằng tình yêu Đất nước và trách nhiệm công dân - Một điều giản đơn mà ai cũng thấu hiểu:
“Biển sẽ ra sao nếu thiếu một cánh buồm Mặt trời nào soi thấu lòng biển tối
Những cánh buồm như cánh cò lặn lội Cứ lặng thầm đo hết mọi chiều sâu… Những trận bão cũng không làm tắt được Ngọn lửa bình yên ấm áp tình người Tôi đi qua sóng gió của đời tôi Để đến gặp tấm lòng biển rộng…”
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc)
Hành trình nào thì cũng mong muốn gặt hái được hạnh phúc. Cái hạnh phúc lớn nhất của một dân tộc, một con người, không gì khác chính là tự do. Tự do như từng ngọn gió, tự do như cánh buồm lộng căng giữa biển cả bao la:
“Hạnh phúc lớn lao ở cuối mỗi hành trình Từng ngọn gió cũng ùa lên cập bến
Dân tộc tôi khi tìm về với biển
Gặp cánh buồm căng bát ngát tự do”.
(Điệp khúc vô danh - Anh Ngọc)
Trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông, hình ảnh cánh buồm cũng là một hình ảnh biểu tượng, tượng trưng. Cánh buồm căng gió đưa con thuyền lướt giữa biển khơi được nhà thơ liên tưởng với nhiều ý nghĩa: gợi nỗi nhớ quê hương mênh mông vô định, lẻ loi, đơn chiếc; có khi nhập làm một, hai chiều không gian - thời gian, hai mặt của hoài niệm và tưởng tượng trong trí tưởng của nhân vật trữ tình và người đọc, đưa họ tới những bến bờ xa thẳm của ký ức một thời tới tương lai vời vợi:
“Cha lại dắt con đi trên cát mịn, Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé, Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con ”.
(Những cánh buồm - Hoàng Trung Thông)
Cánh buồm trắng mơ ước của người cha tưởng chừng đã vĩnh viễn mất hút trong không gian mênh mông và thời gian đằng đẵng của cuộc đời nghiệt ngã nay bỗng vụt hiện trở lại cùng với những tiếng nói trong trẻo, ríu tít của đứa con trai đi bên. Quá khứ, hiện tại, tương lai đồng hiện trong tâm tưởng ông với cánh buồm trắng mờ xa ngoài khơi vẫy gọi. Mỗi người chúng ta, ai chẳng từng trải qua một thời ấu thơ với cánh buồm trắng ước mơ đầy ắp thả vào tương lai kỳ diệu tít xa mờ? Nhưng thử hỏi đã mấy người kịp giong cánh buồm của mình mà cập tới bến tương lai? Biết bao nhiêu cánh buồm chỉ mãi là cánh buồm khát vọng, khắc khoải đam mê ám ảnh suốt một thời trai trẻ mà chỉ mong có dịp, có lúc được giữ, được nhập vào những cánh buồm căng phồng sức mạnh của những thế hệ sau để nối dài ước mơ cuộc sống con người không ngừng phát triển và chu chuyển đến vô tận, vô cùng. Cho nên cánh buồm trong bài thơ là biểu tượng ám ảnh về mơ ước của cha, niềm hi vọng về tương lai của con, và cánh buồm đó phải chăng là nơi gặp gỡ, chuyển giao nối tiếp của hai thế hệ cha - con.
Trong thơ viết về biển đảo, biểu tượng cánh buồm xuất hiện trở đi trở lại trở thành một biểu tượng với ý nghĩa phong phú. Nhờ cơ chế liên tưởng, tưởng tượng của các nhà thơ, hình ảnh cánh buồm có khi là biểu tượng cho
khát vọng đi xa, chiếm lĩnh không gian, có khi lại là biểu tượng cho khát vọng tự do, làm chủ thiên nhiên đất trời. Hơn hết, cánh buồm trên biển luôn chở theo những mơ ước, những hoài bão lớn lao của con người về biển khơi.