5. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Biểu tượng thuyền và biển
Thuyền và biển là những biểu tượng xuất hiện nhiều, trở đi trở lại trong các sáng tác thơ viết về biển. Thường các nhà thơ sử dụng hình tượng thuyền và biển là ẩn dụ cho người con trai và người con gái trong tình yêu (Thuyền là cái di chuyển nay đây mai đó - ẩn dụ cho người con trai, biển là cái đứng yên bất biến - ẩn dụ cho người con gái). Tình yêu nhờ thế được biểu đạt tinh tế hơn, sâu sắc hơn.
Trong Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, cặp đôi biểu tượng “thuyền” và “biển” được cô đọng lại trong triết lý yêu mãnh liệt và sâu sắc với mạch chảy xuôi chiều của tư duy hướng biển, khao khát hướng về sự đồng thuận lý tưởng và sự tuyệt đối hoá của chân lý, bằng cách thức phát triển thời gian và không gian nghệ thuật được ước lệ bằng khoảng thời gian (những ngày; những ngày không gặp nhau) và miền không gian phẳng (nỗi nhớ; chỉ có thuyền mới hiểu; chỉ có biển mới biết). Là bài thơ viết về tình yêu nhưng không nói trực tiếp mà thông qua cách biểu đạt kín đáo, tinh tế. Nhà thơ mượn biểu tượng thuyền và biển để diễn tả sự thủy chung, son sắt của người con gái trong tình yêu:
“Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết,
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau - rạn vỡ Nếu từ giã thuyền rồi Biển chỉ còn sóng gió”.
(Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)
Nỗi nhớ thương vì xa cách của thuyền và biển càng da diết bao nhiêu thì nỗi nhớ thương của đôi lứa yêu nhau càng cháy bỏng bấy nhiêu. Biển thiếu vắng thuyền thì nhớ thuyền đến mức “bạc đầu”, còn thuyền nếu xa biển thì mang nỗi đau “rạn vỡ”, biến đổi cả hình hài. Thế mới hay tình yêu nhờ biển cả được bày tỏ sâu sắc chân thành hơn.
Ở bài thơ Biển của Xuân Diệu, cặp đôi biểu tượng “biển” và “bờ” thể hiện triết lý yêu đến tận cùng dâng hiến, hừng hực đam mê, cũng là tư duy hướng biển, nhưng là sự khao khát trải nghiệm của xúc cảm yêu, theo thời gian và không gian nghệ thuật biến ảo diệu kỳ ở mỗi cung bậc tình cảm, một lộ trình phát triển tuần tự của tình cảm lứa đôi, thời gian nghệ thuật được tính bằng chuỗi thời gian ngàn năm, muôn đời (mãi ngàn năm bên sóng; Hôn đến mãi muôn đời), vàchiều sâu không gian (Bờ cát dài phẳng lặng; soi ánh nắng pha lê; Bờ lặng lẽ cát vàng; thoai thoải hàng thông đứng):
“Anh xin làm sóng biếc Hôn mãi cát vàng em Hôn thật nhẹ thật êm Hôn êm đềm mãi mãi Đã hôn rồi hôn lại Cho mãi đến muôn đời Đến tan cả đất trời Anh mới thôi dào dạt”.
Khác với Xuân Diệu - nhà thơ của tình yêu, Huy Cận vốn được xem là nhà thơ của không gian. Ông là một hồn thơ mang linh hồn trời đất và mang nặng tình người, tình đời, tình yêu sự sống không thể không tìm đến với cái rộng xa, dạt dào của biển. Bản thân biển chưa phải là vũ trụ nhưng nó được thi nhân nhìn ngắm, cảm nhận bằng một cảm quan vũ trụ rộng lớn. Vì thế, những hình ảnh về biển trong thơ ông vừa mang ý nghĩa tạo dựng không gian vô cùng lại vừa mang ý nghĩa vĩnh hằng của sự sống, thiên nhiên và vũ trụ. Chúng vừa là những tín hiệu của vũ trụ, vừa là biểu tượng nghệ thuật thể hiện tư duy nghệ thuật độc đáo của nhà thơ. Chính ông tâm niệm rằng: “Con người sống trong vũ trụ và sống trong xã hội, sống với vũ trụ và sống với xã hội. Một thành viên của vũ trụ và một thành viên của loài người. Hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng, hai cực của nghệ thuật, hai cực của thơ” và “Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về xã hội là hai cánh của thơ, không thể bay bằng một cánh”. Thế nên, trên hành trình thơ ca của mình, bên cạnh tấm lòng với cuộc đời thì tấm lòng với vũ trụ luôn là nỗi nhớ, nỗi ám ảnh thường trực trong hồn thơ Huy Cận. Xuân Diệu từng khẳng định: “Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai đâu! Xem suốt tập Lửa thiêng
cái cảm giác trội nhất của ta là một cảm giác không gian” [77, 45]. Và từ cảm giác không gian ấy, Huy Cận mở ra thành cảm quan vũ trụ, một nguồn mạch cảm hứng lớn song song với cảm hứng về cuộc đời trong suốt hành trình sáng tạo thơ ông.
Huy Cận viết nhiều về nhựa, hạt, mầm, nụ, hoa lá, nghĩa là toàn bộ sự sống cỏ cây. Đó là những hình ảnh, tín hiệu của vũ trụ cũng trở thành phương tiện, thành một thứ chất liệu, thành những ẩn dụ nghệ thuật để nhà thơ thể hiện niềm khát vọng chiếm lĩnh không gian và cảm hứng vũ trũ thường trực trong hồn mình. Cái vũ trụ luôn gợi niềm thao thức trong hồn người ấy có khi được thi nhân gọi đích danh: “Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn; “Vui chung vũ trụ nguôi sầu nhân gian”; “Ta gặp hồn ta trong vũ trụ”; “Vũ trụ ơi, nôi ấm của người”… Có khi lại hiện diện qua một hệ thống các hình ảnh: bầu trời,
trăng, sao, gió, biển, mặt trời… Nhà phê bình Vũ Quần Phương cho rằng “Biển là một đại diện tiêu biểu của tạo vật: lớn lao, hỗn mang, dào dạt, bí ẩn, tràn đầy sự sống [77, 155]. Nên nó là hình ảnh - biểu tượng tiêu biểu của vũ trụ trong thơ Huy Cận.
Nếu như với Xuân Diệu và Xuân Quỳnh, sức sống và cái dạt dào không mỏi của biển là hiện thân của tình yêu mãnh liệt, thì với Huy Cận biển là quê hương của sự sống, là hiện thân của sự sống người. Biển sống cuộc sống người và người sống bằng cuộc đời của biển:
“Biển mênh mông hừng đông cuộc đời Biển là võng đẹp, biển là nôi
Ta đi trên biển, hồn trong biển Tinh khiết nghìn năm nở sóng vui Biển là buồm, biển là gió nữa Sao nhổ neo, trăng cũng quay vời”.
(Biển - Huy Cận) Biển với Huy Cận là người anh em song sinh:
“Ta, Biển sinh đôi tự thuở nào? Sóng ngầm bao đợt nhói lòng đau Cái vui đầu sóng, buồn chân sóng Cùng lặn chiều hôm nét đỏ au”.
(Ta viết bài thơ gọi biển về - Huy Cận)
Là tình yêu máu thịt:
“Rồi một ngày kia hết ở đời Cho ta theo biển khỏa chân trời Điều chi chưa nói xin trao sóng Lấp lánh hồn ta mặn gió khơi”.
(Ta viết bài thơ gọi biển về - Huy Cận)
Đúng như Vũ Quần Phương đã nói: “Hình như trong cõi mang mang của hồn người đó có một khoảng rộng sẵn để cộng hưởng với biển, với vô
biên” [77, 155]. Huy Cận cũng tự bộc bạch: “Mỗi lần đi dọc bờ biển, ta lại có một xao động kỳ lạ trong người: nửa thấy đời đang tiếp tục nảy sinh, dạt dào vô tận; nửa lại thấy như sự sống đã cổ, đã vững chãi, yên đằm” [20, 5]. Và chính những “xao động kỳ lạ” ấy đã sống, đã lớn trong hồn nhà thơ để luôn khơi gợi, thức dậy trong ông một nguồn cảm hứng dồi dào và thường trực - cảm hứng vũ trụ.
Hình ảnh thuyền và biển xuất hiện trong các bài thơ viết về biển đảo như một ẩn dụ với những lớp ý nghĩa phong phú. Mượn những biểu tượng này các nhà thơ muốn thể hiện tình yêu lứa đôi một cách tinh tế, kín đáo. Có khi biển trở thành cảm quan về vũ trụ để các thi nhân thể hiện những triết lý sâu sắc về cuộc đời và con người.