0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Hình tượng những con người lao động

Một phần của tài liệu THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VIẾT VỀ BIỂN ĐẢO (KHẢO SÁT QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU) (Trang 84 -84 )

5. Cấu trúc luận văn

3.1.4. Hình tượng những con người lao động

Biển đảo là một phần lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc mang những dấu ấn lịch sử từ thời dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Gắn với hình ảnh của những người lính là hình ảnh những người dân đối mặt với sóng gió nơi biển khơi trập trùng. Họ cũng là nguồn cảm hứng dạt dào vừa quen thuộc vừa mới mẻ của nhiều văn nghệ sĩ.

Trong các bài thơ viết về biển đảo, hình tượng những con người lao động trên biển được dựng lên với cuộc sống lam lũ, vất vả chống chọi với sóng to gió lớn. Họ là những người dân vùng biển hàng ngày hàng giờ sống chết cùng biển:

“Là nước biển hay chính mồ hôi mặn Ướt đẫm mình bạn lái giữa đêm tăm? Sự sống còn, chỉ một cái trông nhầm

Là ván nát, là xương chìm với đá”.

(Một đêm thức trong mưa bão - Huy Cận)

Các nhà thơ chia sẻ về cuộc sống giữa trùng khơi của những người đi biển với niềm thương cảm sâu sắc:

“Về những con người chịu khó chịu thương Về những con người dầm mưa dãi nắng

Đêm ngày giữa trùng khơi kéo chùm lưới nặng Lênh đênh nghề biển hồn treo cột buồm”.

(Vọng Hải Đài - Bùi Công Minh)

Tuy vất vả, gian lao nhưng họ lúc nào cũng tràn ngập niềm lạc quan phấn khởi trong lao động:

“Những người kéo lưới mỗi ban mai Góc độ chênh chênh đối mặt trời Kéo mặt trời lên cùng mẻ cá Sóng là vảy bạc nắng xa phơi”.

(Những người kéo lưới - Huy Cận)

Âm vang của biển khơi hòa với âm vang tiếng hát của những chị công nhân trên cảng:

“Em hát chiều nay giữa gió lên Người em trên cảng mắt đen huyền Chim âu tới tấp trăm nghìn cánh Nhạc biển nghìn năm nâng tiếng em”.

(Tiếng hát trên cảng - Huy Cận)

Với cảm hứng về vũ trụ và con người, nhà thơ Huy Cận đã ghi lại thật sinh động cảnh Đoàn thuyền đánh cá ra khơi:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

Đó là vẻ đẹp của cảnh đánh cá đêm và niềm vui phơi phới tràn ngập biển cả, sao trời của những ngư dân. Đoàn thuyền hăm hở lên đường lướt trên biển cả và biển cả, vũ trụ bao la trở nên thân thiết với con người. Ở đây những con người lao động trở thành người chủ của biển khơi, bạn của trăng sao:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng Lướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng” .

(Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

Nếu đoàn thuyền đánh cá ra đi trong cảnh đêm nhẹ nhàng phơi phới thì khi trở về trong cảnh nắng mai cũng thật hăm hở, say sưa và sảng khoái vì thành quả tốt đẹp của một đêm làm việc cật lực. Dù ra đi hay trở về con người và biển cả đều hoà làm một trong sự tin tưởng, yêu thương và nói như nhà phê bình Bế Kiến Quốc “sức sống đầy ứ tràn dâng của thiên nhiên được phản ánh nơi cánh buồm của con thuyền đánh cá” [77, 433]:

“Câu hát căng buồm với gió khơi, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Mặt trời đội biển nhô màu mới, Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

(Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)

Còn đây nữa cảnh ra khơi tuyệt đẹp của Những bạn chài hạ thuyền xuống nước. Vẻ đẹp của con người đã hoà nhập với thiên nhiên đất trời. Cánh buồm thong thả đi trong gió trời hay chính là sự chủ động của con người để chống lại bão tố phong ba:

“Thuyền đóng xong rồi, lưới nhuộm xong Sáng khơi tối lộng cánh buồm dong. Mai thuyền hạ nước ta đi sớm

Kịp gió mùa sang cá đổi luồng”.

Những con người lao động trên biển đảo thế hệ này nối tiếp thế hệ khác tìm sự sống trên biển. Neo mình vào biển cả để tồn tại nhưng cũng chính họ đang mỗi ngày làm giàu cho Tổ quốc chúng ta.

3.2. Những biểu tƣợng nghệ thuật

3.2.1. Biểu tượng nghệ thuật

Theo George thì biểu tượng (Symbol) là cái “tiết lộ mà che dấu, và che dấu mà tiết lộ” nên khó có thể đưa ra một khái niệm thống nhất về nó. Dựa trên nhiều ý kiến chúng ta có thể đưa ra một cái nhìn thống nhất về biểu tượng như sau: Biểu tượng là một loại tín hiệu mà mối quan hệ giữa mặt hình thức cảm tính và mặt ý nghĩa mang tính tất yếu, có lí do. Mặt hình thức cảm tính: Cái biểu trưng, tồn tại trong hiện thực khách quan hoặc trong sức tưởng tượng của con người. Mặt ý nghĩa: Cái được biểu trưng. Mà cái được biểu trưng bao giờ cũng rộng hơn, “dồi dào” hơn. Cụ thể, biểu tượng theo một cách khái quát trước hết là hình ảnh của thế giới khách quan bên ngoài con người (màu sắc, vật thể, cơ thể,…). Với phương pháp biểu trưng hóa của hoạt động ý thức, con người đã phản ánh sự vật khách quan vào trí óc của mình, cấp cho nó một ý nghĩa, một thông tin. Từ đó, tạo nên một thế giới bên trong thế giới ý niệm, đó là thế giới vô hình, vô hạn và vô khả tri. Nó vừa phản ánh thực tại, vừa từ thực tại mà tưởng tượng, suy luận đem lại cho con người một khả năng vô tận: Khả năng trí tuệ, khả năng tâm linh để con người có thể tư duy, thông báo với nhau. Như vậy, bằng cách mô phỏng tự nhiên, con người đã tự sáng tạo một thế giới biểu tượng đa dạng, phong phú và vô cùng sống động. Biểu tượng không chỉ tồn tại trong một ngành khoa học riêng mà còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học: triết học, phân tâm học, mỹ học, thần học, ngôn ngữ học,…

Biểu tượng văn học là một biến thể loại hình của biểu tượng văn hóa. Nói đến biểu tượng người ta chú ý đến hai dấu hiệu nhận biết. Thứ nhất, biểu tượng là hình ảnh cảm tính về hiện thực khách quan. Thứ hai, biểu tượng không chỉ mang ý nghĩa biểu vật mà nói đến nó còn là nói đến hiện tượng

chuyển nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa biểu cảm. Nó là “một phương thức chuyển nghĩa của lời nói” [19, 24]. Tuy nhiên, biểu tượng có những đặc điểm ý nghĩa khác với những hình ảnh khác có nội hàm gần gũi là ẩn dụ và hình tượng.

Việc xác định ranh giới giữa biểu tượng và ẩn dụ chỉ có thể là tương đối. Dựa trên hai dấu hiệu nhận biết của biểu tượng như trên thì biểu tượng có vẻ không khác gì ẩn dụ. Nên để phân biệt rõ biểu tượng và ẩn dụ thì trước tiên phải xác định đối tượng. Theo nhà văn Nga V.I.Eremina thì: “Ẩn dụ thơ ca được sinh ta nhất thời và mất đi khá nhanh. Biểu tượng được hình thành trong quá trình dài và sau đó sống hàng trăm năm, ẩn dụ là yếu tố biến đổi còn biểu tượng thì không đổi, bền vững. Ẩn dụ là phạm trù thẩm mỹ và phần lớn tự do tách khỏi phong cách ước lệ. Biểu tượng thì ngược lại, được giới hạn nghiêm túc bởi hệ thống thi ca xác định” [Dẫn theo 104, 85]. Như vậy, tính biến đổi và bền vững, tự do và ước lệ là những cơ sở để nhà văn Nga V.I. Eremina đã phân biệt ranh giới ẩn dụ và biểu tượng. Tác giả Phạm Thu Yến khi nghiên cứu biểu tượng trong văn học dân gian cũng khẳng định: “Biểu tượng mang tính kí hiệu quy ước, nghĩa là chỉ cần nêu hình ảnh biểu tượng là người đọc đã hiểu được cái mà nó biểu trưng, không cần yếu tố giải mã vì nó đã in sâu vào tư tưởng thẩm mỹ dân gian. Còn ẩn dụ tự do hơn, không chỉ được tạo bằng một hai hình ảnh mà bằng vài ba hình ảnh. Vì thế các yếu tố cần dựa vào nhau để giải mã ẩn dụ, ẩn dụ linh hoạt, trường liên tưởng rộng rãi hơn biểu tượng, số lượng nhiều hơn nhưng không bền vững bằng … Biểu tượng là hình ảnh ẩn dụ được sử dụng ở mật độ cao mang tính quy ước”[104, 87].

Biểu tượng và hình tượng cùng có giá trị nhận thức cảm tính và chủ quan trong việc phản ánh thực tại, có phương tiện biểu đạt là ngôn ngữ. Nhưng giữa biểu tượng và hình tượng lại có những điểm khác nhau rõ rệt. Sự tồn tại của hình tượng nghệ thuật không bao giờ vượt quá giới hạn của hình thức biểu đạt cụ thể (luôn có phương tiện biểu hiện trọn vẹn nghĩa của hình tượng), còn sự tồn tại của biểu tượng thì lại vượt quá giới hạn của một sự biểu đạt, biểu nghĩa (nghĩa là không một phương tiện nào có thể biểu đạt trọn vẹn

ý nghĩa của biểu tượng). Hình tượng bao giờ cũng tách riêng hoặc có xu hướng tách riêng ra khỏi một hệ thống nào đó để phù hợp với yêu cầu: tự do, hoàn thiện, độc đáo và khác biệt. Trong khi đó biểu tượng bao giờ cũng nằm trong một hệ thống nhất định, không thể tách ra đứng độc lập trong nhận thức của con người. Điểm khác nhau rõ nét nhất là biểu tượng có phạm vi lớn hơn hình tượng rất nhiều. Với tư cách là khách thể tính thể chứ không phải khách thể thực tại, hình tượng có một số đặc tính của biểu tượng. Chính yếu tố này khiến cho biểu tượng trong văn học có khi chỉ là một nhưng lại có thể được diễn tả được nhiều hình tượng. Từ một biểu tượng là biển chúng ta có thể thấy được một số hình tượng gửi gắm vào đó (người con gái trong tình yêu, cảm thức về vũ trụ,…). Những hình tượng ấy đều có một số nét liên hệ và phụ thuộc vào biểu tượng. Chính mối liên hệ khiến cho những hình tượng đưa ra có sức sống lâu bền và cũng góp phần làm biểu tượng hấp dẫn và có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.

Mặc dù giữa ẩn dụ, hình tượng và biểu tượng có những nét phân biệt song những thuật ngữ này lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta không thể tách rời biểu tượng ra một cách độc lập. Vì vậy, khi nhắc đến ẩn dụ nghệ thuật người ta cũng nhắc đến ẩn dụ và hình tượng, hình ảnh.

Các biểu tượng ngôn từ nghệ thuật được cấu tạo lại thông qua tín hiệu ngôn ngữ trong văn học. Trong phạm vi ngôn từ nghệ thuật, các biểu tượng triết học, phân tâm, văn hóa, văn học đều được chuyển thành các từ - biểu tượng. Các hình thức vật chất cụ thể (sự vật, trạng thái, hành động, …) và các ý niệm trừu tượng trong đời sống tinh thần con người tín hiệu hóa thông qua hệ thống ngôn từ. Và hệ thống ngôn từ đó còn mở ra cho các biểu tượng những mối liên hệ mới, hiện thực hóa và phát triển ý nghĩa biểu tượng trong một năng lực biểu hiện to lớn. Từ đó nảy sinh nhiều biến thể khác nhau. Mối quan hệ giữa chủ thể sáng tạo và hoàn cảnh đã tạo nên sự tương tác trong một môi trường văn hóa - ngôn ngữ, từ đó nhận diện được sự biến đổi ý nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa - cái thực thể tinh thần của thế giới trong nhận thức con người

được phản ánh trong ngôn ngữ là vô hạn. Do đó, việc sử dụng ngôn từ như những biểu tượng trong hoạt động sáng tác văn học nói chung và thơ ca nói riêng có thể gọi là một cách định danh mơ hồ, đòi hỏi một tư duy tưởng tượng, một cái nhìn khám phá bản thể bị che khuất. Trong văn học cấu trúc ngôn từ của thơ ca được xem như một tổng thể các tín hiệu thẩm mỹ, trong đó vai trò quan trọng thuộc về các từ - biểu tượng với tư cách là những điểm nhấn trong tổng thể đó.

Thơ ca viết về biển đảo đã xây dựng được nhiều biểu tượng hấp dẫn là những tín hiệu thẩm mỹ biểu đạt những ý nghĩa phong phú: biểu tượng thuyền và biển, biểu tượng cánh buồm, biểu tượng cánh chim hải âu.

3.2.2. Biểu tượng thuyền và biển

Thuyền và biển là những biểu tượng xuất hiện nhiều, trở đi trở lại trong các sáng tác thơ viết về biển. Thường các nhà thơ sử dụng hình tượng thuyền và biển là ẩn dụ cho người con trai và người con gái trong tình yêu (Thuyền là cái di chuyển nay đây mai đó - ẩn dụ cho người con trai, biển là cái đứng yên bất biến - ẩn dụ cho người con gái). Tình yêu nhờ thế được biểu đạt tinh tế hơn, sâu sắc hơn.

Trong Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, cặp đôi biểu tượng “thuyền” và “biển” được cô đọng lại trong triết lý yêu mãnh liệt và sâu sắc với mạch chảy xuôi chiều của tư duy hướng biển, khao khát hướng về sự đồng thuận lý tưởng và sự tuyệt đối hoá của chân lý, bằng cách thức phát triển thời gian và không gian nghệ thuật được ước lệ bằng khoảng thời gian (những ngày; những ngày không gặp nhau) và miền không gian phẳng (nỗi nhớ; chỉ có thuyền mới hiểu; chỉ có biển mới biết). Là bài thơ viết về tình yêu nhưng không nói trực tiếp mà thông qua cách biểu đạt kín đáo, tinh tế. Nhà thơ mượn biểu tượng thuyền và biển để diễn tả sự thủy chung, son sắt của người con gái trong tình yêu:

“Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết,

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau - rạn vỡ Nếu từ giã thuyền rồi Biển chỉ còn sóng gió”.

(Thuyền và biển - Xuân Quỳnh)

Nỗi nhớ thương vì xa cách của thuyền và biển càng da diết bao nhiêu thì nỗi nhớ thương của đôi lứa yêu nhau càng cháy bỏng bấy nhiêu. Biển thiếu vắng thuyền thì nhớ thuyền đến mức “bạc đầu”, còn thuyền nếu xa biển thì mang nỗi đau “rạn vỡ”, biến đổi cả hình hài. Thế mới hay tình yêu nhờ biển cả được bày tỏ sâu sắc chân thành hơn.

Ở bài thơ Biển của Xuân Diệu, cặp đôi biểu tượng “biển” và “bờ” thể hiện triết lý yêu đến tận cùng dâng hiến, hừng hực đam mê, cũng là tư duy hướng biển, nhưng là sự khao khát trải nghiệm của xúc cảm yêu, theo thời gian và không gian nghệ thuật biến ảo diệu kỳ ở mỗi cung bậc tình cảm, một lộ trình phát triển tuần tự của tình cảm lứa đôi, thời gian nghệ thuật được tính bằng chuỗi thời gian ngàn năm, muôn đời (mãi ngàn năm bên sóng; Hôn đến mãi muôn đời), vàchiều sâu không gian (Bờ cát dài phẳng lặng; soi ánh nắng pha lê; Bờ lặng lẽ cát vàng; thoai thoải hàng thông đứng):

“Anh xin làm sóng biếc Hôn mãi cát vàng em Hôn thật nhẹ thật êm Hôn êm đềm mãi mãi Đã hôn rồi hôn lại Cho mãi đến muôn đời Đến tan cả đất trời Anh mới thôi dào dạt”.

Khác với Xuân Diệu - nhà thơ của tình yêu, Huy Cận vốn được xem là nhà thơ của không gian. Ông là một hồn thơ mang linh hồn trời đất và mang nặng tình người, tình đời, tình yêu sự sống không thể không tìm đến với cái rộng xa, dạt dào của biển. Bản thân biển chưa phải là vũ trụ nhưng nó được thi nhân nhìn ngắm, cảm nhận bằng một cảm quan vũ trụ rộng lớn. Vì thế, những hình ảnh về biển trong thơ ông vừa mang ý nghĩa tạo dựng không gian vô cùng lại vừa mang ý nghĩa vĩnh hằng của sự sống, thiên nhiên và vũ trụ. Chúng vừa là những tín hiệu của vũ trụ, vừa là biểu tượng nghệ thuật thể hiện tư duy nghệ thuật độc đáo của nhà thơ. Chính ông tâm niệm rằng: “Con người sống trong vũ trụ và sống trong xã hội, sống với vũ trụ và sống với xã hội. Một thành viên của vũ trụ và một thành viên của loài người. Hai cực của cuộc sống, hai cực của tư tưởng, hai cực của nghệ thuật, hai cực của thơ” và “Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về xã hội là hai cánh của thơ, không thể bay bằng một cánh”. Thế nên, trên hành trình thơ ca của mình, bên cạnh tấm lòng với cuộc đời thì tấm lòng với vũ trụ luôn là nỗi nhớ, nỗi ám ảnh thường trực trong hồn thơ Huy Cận. Xuân Diệu từng khẳng định: “Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai đâu! Xem suốt tập Lửa thiêng

cái cảm giác trội nhất của ta là một cảm giác không gian” [77, 45]. Và từ

Một phần của tài liệu THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI VIẾT VỀ BIỂN ĐẢO (KHẢO SÁT QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU) (Trang 84 -84 )

×