Năm 2011 Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tiến hành áp thầu dựa trên kết quả đấu thầu tại Sở y tế Hải phòng gồm: gói thầu theo Quyết định số168/QĐ- SYT ngày 31/03/2011 giai đoạn 9 tháng cuối năm 2011. Sau khi danh mục thuốc bệnh viện được Giám đốc bệnh viện phê duyệt, khoa Dược căn cứ danh mục thuốc bệnh viện tiến hành dự trù mua, nhận thuốc và thanh toán .
Quy trình mua thuốc của bệnh viện được thực hiện qua các bước: đầu tháng khoa Dược gửi dự trù tới các nhà cung ứng qua email. Các nhà cung ứng sẽ giao hàng tại kho khoa Dược. Hội đồng kiểm nhập thuốc có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và tiếp nhận thuốc theo quy trình thao tác kiểm nhập thuốc. Hóa đơn, phiếu nhập kho và hợp đồng mua bán thuốc giữa bệnh viện và công ty cung ứng thuốc chuyển phòng tài chính kế toán làm thủ tục thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.
Mỗi năm bệnh viện ký hợp đồng mua thuốc với công ty cổ phần dược phẩm Hải phòng và 1 số công ty khác. Thanh toán tiền thuốc bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Quy trình mua thuốc của bệnh viện theo phương thức áp thầu có những thuận lợi và khó khăn như sau:
Thuận lợi:
Bệnh viện giảm được công đoạn xây dựng và tổ chức đấu thầu thuốc tại bệnh viện, quy trình lựa chọn, xây dựng danh mục thuốc bệnh viện dễ dàng, rút ngắn thời gian.
Hình thức cung ứng thuốc đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi cho hoạt động mua thuốc tại khoa dược.
Thời gian cung ứng thuốc nhanh, dễ theo dõi, kiểm soát chất lượng thuốc. Giảm bớt nhân lực khoa dược làm công tác cung ứng, giúp khoa tập trung nhân lực triển khai các nhiệm vụ chuyên môn khác.
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn áp thầu trên cùng một kết quả đấu thầu thuốc nên có sự đồng bộ và thuận lợi hơn khi trao đổi thông tin về thuốc giữa các đơn vị
Khó khăn:
Do đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, thời gian chờ đợi thầu kéo dài, bệnh viện phải mua dự trữ nhiều thuốc ở những tháng gần kề thầu mới, dẫn đến chi phí dự trữ thuốc của bệnh viện cao.
Chất lượng thuốc và khả năng cung ứng thuốc phụ thuộc vào cách thức tổ chức và cách đánh giá của hội đồng đấu thầu thuốc Sở y tế, trong khi các bệnh viện là nơi sử dụng thuốc. Mặt khác, mỗi bệnh viện có mô hình bệnh tật và khả năng khám chữa bệnh khác nhau nên cơ cấu danh mục thuốc bệnh viện sẽ khác nhau. Như vậy kết quả đấu thầu thuốc chung phải thích ứng với tình hình sử dụng thuốc của các bệnh viện. Trường hợp nhu cầu sử dụng thuốc ngoài danh mục kết quả thầu, bệnh viện phải xin ý kiến chỉ đạo của Sở y tế gây khó khăn và mất thời gian trong việc cung ứng thuốc.
Một số thuốc chuyên khoa, thuốc kháng sinh có hiệu quả tốt trong điều trị nhưng không trúng thầu, bệnh nhân phải tự túc gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh.