4. Chƣơng 4: BÀN LUẬN
4.2. Qui trình bào chế
Do đặc tính hút ẩm mạnh của MH nên việc bảo quản nguyên liệu, tránh ẩm cần được chú ý. Trước khi tiến hành bào chế viên cần xay nghiền, rây nguyên liệu để đảm bảo kích thước tiểu phân nguyên liệu là tương đối đồng nhất trước khi trộn bột kép. Quá trình này ảnh hưởng lớn tới độ đồng đều hàm lượng dược chất trong quá trình trộn bột kép.
HPMC K100M là một polyme thân nước cao phân tử có độ đàn hồi cao. Khi kết hợp cùng MH là dược chất có tính chịu nén kém thì khối bột tạo thành rất khó để dập thẳng được. Vì thế phương pháp tạo hạt ướt là phù hợp để khắc phục các nhược điểm này. Tuy nhiên trong quá trình thực nghiệm qua các cách thức tạo hạt khác nhau như tạo hạt qua rây bằng tay (50- 100 viên/mẻ), tạo hạt qua rây bằng máy (500 viên/mẻ), tạo hạt bằng máy cắt tạo hạt cao tốc (4000 viên/lô) chúng tôi nhận thấy thiết bị tạo hạt và thiết bị sấy ảnh hưởng rất lớn tới các đặc tính của hạt như phân bố kích thước tiểu phân, tỷ trọng của hạt và khả năng chịu nén của hạt.
Khi sử dụng thiết bị cắt tạo hạt cao tốc kết hợp với máy sấy tầng sôi thu được kích thước tiểu phân của hạt nhỏ hơn so với phương pháp rây bằng tay hay bằng máy kết hợp quá trình sấy tĩnh nhưng tỷ trọng biểu kiến của hạt lại tăng (gấp khoảng 1,5 lần). Điều này có thể giải thích với hai lý do: thứ nhất máy cắt tạo hạt cao tốc vận hành với tốc độ lớn (240 vòng/phút) nên khối bột bị nén ép mạnh làm tá dược dính phân bố vào khối hạt tốt hơn, hạt chắc hơn nên tỷ trọng biểu kiến của hạt tăng, thứ hai khi sử dụng thiết bị sấy tầng sôi với áp suất khí nén lớn làm khối hạt khô nhanh hơn, đều hơn nhưng cũng phá vỡ cấu trúc của các hạt lớn do đó phân bố kích thước tiểu phân của hạt giảm.
Với phương pháp xát hạt bằng tay và xát hạt bằng máy qua rây 1000 và sử dụng hệ thống sấy tĩnh mặc dù hạt tạo thành có kích thước lớn hơn nhưng độ xốp lại tăng do đó khi dập viên cần chỉnh vị trí chày dưới xuống gần hết mức để đủ khối lượng viên đồng thời cần một lực lớn để đạt được độ cứng mong muốn. Điều này rất có hại cho máy dập viên khi sản xuất với khối lượng lớn. Kích thước tiểu phân
62
hạt lớn hơn nhưng độ xốp cao hơn đã làm giảm khả năng trơn chảy của khối hạt so với phương pháp tạo hạt bằng máy trộn tạo hạt cao tốc (3,3 g/giây so với 3,7 g/giây) Xét cả quá trình nâng cấp quy mô bào chế từ 500 viên/mẻ lên 4000 viên/lô bằng các thiết bị khác nhau nhận thấy cơ chế tạo hạt ở hai quy trình là khác nhau. Ở quy mô 500 viên/mẻ hạt được tạo ra bằng cách cho qua rây để định hình của hạt, sau quá trình sấy hạt khô lại và giữ nguyên cấu trúc. Ở quy mô 4000 viên hạt được tạo ra bằng lực đẩy của cánh khuấy dưới đáy thiết bị và lực cắt của cánh cắt bên hông thiết bị. Quá trình rây sửa hạt chỉ để phá vỡ các hạt dính vào nhau thành khối lớn còn lại sau quá trình cắt tạo hạt. So sánh hai quá trình tạo hạt nhận thấy hạt được tạo ra bằng máy cắt tạo hạt cao tốc có các đặc tính tốt hơn so với phương pháp xát hạt bằng rây (tỷ trọng biểu kiến lớn hơn, độ trơn chảy của hạt tốt hơn, chỉ số Hausner gần 1 hơn) và tiết kiệm được phần lớn thời gian bào chế (trong 2 giai đoạn xát hạt và sấy hạt).