Cẩm Xuyên là huyện thuộc vùng dải duyên hải Bắc Trung bộ, nằm ở phía đông nam của tỉnh Hà Tĩnh, có tọa độ địa lý 18o02’18” đến 18o20’51” vĩ độ bắc và từ 105o51’17” đến 106o09’13” kinh độ đông. Phía đông giáp biển đông, phía tây giáp huyện Hương Khê – Hà Tĩnh và huyện Tuyên Hóa – Quảng Bình, phía nam giáp huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh, phía Bắc giáp huyện Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh
Toàn huyện có 27 đơn vị hành chính cấp xã với tổng diện tích tự nhiên 63.653,13 ha, tổng dân số 141.924 người với cơ cấu kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với thương mại - du lịch. Những năm gần đây nền kinh tế Cẩm Xuyên có bước phát triển vượt bậc, quốc phòng được cũng cố, an ninh chính trị được giữ vững
Địa hình khá phức tạp và đa dạng: Núi đồi chiếm khoảng 60% diện tích tự nhiên, được phân bố về phía nam huyện thuộc chân Hoành Sơn Tây, bắt đầu từ xã Cẩm Thạch đến Cẩm Minh, cùng với hệ thống đó là hệ thống các sơn khối lẻ, nằm chen giữa đồng bằng và ven bờ biển đó là núi Thành (Cẩm Thạch), núi Nhược Thạch (Cẩm Quang), núi Trôốc (Cẩm Huy), núi Trộn (Cẩm Dương), núi Hội (thị trấn Cẩm Xuyên), núi Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm) và một số núi thuộc xã Cẩm Lĩnh (Ba Côi, Núi Chai…). Sông - Hồ - Bàu chằng chịt và dày đặc, các con sông hầu hết bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn
Tây, chảy từ nam ra bắc, độ dốc khá cao, dòng chảy ngắn và hẹp. Ngoài 3 hệ thống sông chính là sông Ngàn Mọ - sông Quèn – sông Rác chảy theo hai hướng Nam- Bắc và hệ thống các khe suối đổ nước vào các hồ nước lớn như Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, sông Rác; trên vùng đất Cẩm Xuyên còn tồn tại hàng trăm khe, hói quanh co dài ngắn và hàng trăm bàu nước, hồ to, nhỏ, nông sâu. Đó là hệ thống thoát nước cục bộ rất tự nhiên, làm cho làng mạc, ruộng đồng bớt ngập úng khi mưa, là nguồn nước tự nhiên cho sinh hoạt, sản xuất cũng như lợi thế để nuôi trồng thủy sản
Diện tích đất tự nhiên của huyện là 63.653,13 ha, chiếm 10,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó diện tích nông nghiệp 12.976,46 ha chiếm 20,39%, đất lâm nghiệp 33.990,36 ha chiếm 53,41%
Huyện có bờ biển dài hơn 18 km, thoải, nước trong xanh, có khả năng phát triển du lịch, tắm biển và nghỉ dưỡng. Có cửa Nhượng - một vị trí cực kỳ quan trọng, là hợp lưu của hai hệ thống sông Ngàn Mọ và sông Rác, là điều kiện tốt để phát triển kinh tế biển. Huyện có nhiều cảnh quan thuận lợi để phát triển du lịch như: Thiên Cầm, Hòn Bơớc, Hòn Én, Đá Ngang cùng với khu sinh thái Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, Sông Rác và các di tích như khu tưởng niệm Tổng bí thư Hà Huy Tập, chùa Yên Lạc, chùa Cầm Sơn ... là những điểm du lịch lý tưởng, hấp dẫn với du khách [12; 9-12].
Dân số, dân cư, nguồn nhân lực
Theo số liệu điều tra, dân số của huyện tính đến ngày 31/12/2013 là 141.924 người, với 40.531 hộ bao gồm 12.996 người sống ở khu vực đô thị chiếm 9,16% và 128.928 người sống ở khu vực nông thôn chiếm 90,84%. Mật độ trung bình: 245 người/km2, cao hơn trung bình chung toàn vùng Bắc Trung Bộ (203 người/km2) và gần bằng trung bình chung cả nước (246 người/km2). Dân số trong độ tuổi lao động toàn huyện có 88.719 người, chiếm tỷ lệ 62,5%. Lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao.
Cơ cấu lao động so với cơ cấu kinh tế có sự chênh lệch lớn; số lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp có 12.890 người, chiếm 14,53%; lao động làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có 57.271 người, chiếm tỷ lệ 64,55%; lao động làm dịch vụ, thương mại có 18.558 người, chiếm 20.92%. Toàn huyện có 30.417 người trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 34,28%, trong đó: ĐH và trên ĐH có 3.185 người, chiếm tỷ lệ 10,47%, CĐ có 2.695 người, chiếm tỷ lệ 8,86%, Trung cấp có 7.082 người, chiếm tỷ lệ 23,28%, lực lượng này đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống KT - XH, góp phần to lớn vào sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước.