NTM giai đoạn 2010 - 2020 bao gồm 5 nhóm tiêu chí và 19 tiêu chí cụ thể sau: (I) Nhóm tiêu chí về quy hoạch, có tiêu chí 1: quy hoạch và sử dụng quy hoạch; (2) Nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế, xã hội, có 8 tiêu chí từ tiêu chí 2 đến tiêu chí 9 gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện và nhà ở dân cư; (3) Nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, có 4 tiêu chí từ tiêu chí 10 đến tiêu chí 13 gồm: Mức Thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất; (4) Nhóm tiêu chí văn hóa, xã hội và môi trường có 4 tiêu chí từ tiêu chí 14 tiêu chí 17 gồm: Giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường; (5) Nhóm tiêu chí hệ thống chính trị có 2 tiêu chí từ tiêu chí 18 đến tiêu chí 19 gồm: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và An ninh trật tự xã hội [29; 2-4].
1.2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ởcơ sở cơ sở
1.2.2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá - xã hội và trình độ dân trí
Điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện pháp luật nói chung, QCDCCS cũng như dân chủ ở cấp xã nói riêng. Đặc trưng của địa hình, thời tiết, khí hậu, sông ngòi, đất đai thổ nhưỡng… sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư, hình thành nên các địa bàn nơi dân cư sinh sống (vùng núi, vùng cao, vùng đồng bằng, vùng ven biển, thành thị hay vùng sâu, vùng xa...). Những yếu tố này sẽ hình thành nên chất lượng và những đặc điểm của dân cư (trình độ văn hoá, mặt bằng dân trí, ý thức pháp luật, thói quen, phong tục, tập quán và lối sống theo pháp luật... của cộng đồng dân cư) có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện pháp luật. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển một cách mạnh mẽ như hiện nay thì thông tin là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện QCDC ở cơ sở gắn liền với yếu tố thông tin. Thông tin nhanh hay chậm, chất lượng hay không đảm
bảo chất lượng bên cạnh việc phụ thuộc vào công nghệ hiện đại thì một phần nó còn phụ thuộc vào các yếu tố của điều kiện tự nhiên. Sự phát triển của phương tiện thông tin giúp cho dân chúng nhanh chóng nắm bắt thông tin để có thể tham gia bàn luận, đánh giá và lựa chọn những quyết định chính trị đúng đắn; ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong một quốc gia rộng lớn về lãnh thổ, với dân số đông thì sự yếu kém và lạc hậu về hạ tầng thông tin sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của dân chủ.
Bên cạnh đó, kinh tế là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở xã. Dân chủ và kinh tế là hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết với nhau. Kinh tế tạo điều kiện để xây dựng dân chủ, nhưng dân chủ cũng tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Kinh tế càng phát triển, năng suất lao động cao, cơ sở hạ tầng của xã hội ngày càng phát triển hoàn thiện sẽ bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền công dân và quyền con người. Sự phát triển kinh tế bảo đảm cho triển vọng của nền dân chủ, sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra được một tầng lớp trung lưu và sẽ tạo điều kiện cho dân chúng có học thức cao hơn trước và đó là môi trường mới thuận lợi cho dân chủ hoá. Cũng cần thấy rằng dân chủ đã tạo điều kiện phân phối công bằng hơn phúc lợi xã hội, nhờ vậy kích thích sự phát triển kinh tế.
Dân chủ và việc thực hiện dân chủ ở cấp xã không chỉ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế mà còn phụ thuộc vào điều kiện văn hoá, xã hội. Rõ ràng, trong một xã hội đáp ứng được các yêu cầu về giáo dục đào tạo, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, chăm sóc sức khoẻ, công tác dân số, lao động, việc làm, xoá đói giảm nghèo… sẽ phản ánh phần nào về một xã hội giàu có. Một xã hội giàu có sẽ có tác động thuận lợi đến quá trình dân chủ hoá xã hội vì có khả năng, trong phần lớn các trường hợp, xoa dịu được sự bất bình đẳng xã hội. Thực tế chứng minh rằng, sự phân cực do bất bình
đẳng xã hội sẽ làm nảy sinh những mâu thuẫn hoặc xung đột chính trị, mà nhiều khi không thể sử dụng thiết chế và phương pháp dân chủ để giải quyết các xung đột đó. Do vậy, sự phân cực giàu nghèo trong xã hội là rào cản to lớn cho quá trình thực hiện dân chủ, mặc dù dân chủ cũng không dễ có trong một xã hội với chế độ phân phối của cải xã hội theo hình thức cào bằng, bình quân chủ nghĩa.
Trong xã hội, những bộ phận công dân có trình độ dân trí thấp thường đứng ngoài chính trị, họ khó hiểu được quyền dân chủ của mình và không thể tự mình thực hiện quyền dân chủ ấy, họ dễ trở thành đối tượng cho các mánh khoé, thủ đoạn của những lực lượng chính trị cơ hội (những diễn biến của tôn giáo, cuộc biểu tình chống Trung quốc đưa dàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam là ví dụ). Điều này đã được Hồ Chí Minh xác định rõ: "Trình độ văn hoá của nhân dân ta nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"[21; 281- 282 ].
1.2.2.2. Trình độ, năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở
Để thực hiện được những mục tiêu của QCDCCS, cần có sự tham gia tích cực của cả người dân và chính quyền cơ sở. Hiệu quả triển khai thực hiện qui chế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ dân trí, các điều kiện về kinh tế, sự tương tác của các yếu tố văn hóa truyền thống, … đặc biệt là trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý chủ chốt ở cơ sở.
Cán bộ chủ chốt bao gồm các chức danh: Bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch MTTQ, Bí thư đoàn xã, chủ tịch Hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…. ở cơ sở là hết sức quan trọng. Vì họ là những người lãnh đạo ở cơ sở, họ luôn gần dân, va chạm nhiều với dân, mọi hoạt động của
cán bộ cơ sở đều không tránh khỏi sự chú ý và giám sát của dân, thậm chí họ là tấm gương phản chiếu trực tiếp cho nhân dân học và làm theo. Đây chính là những người giác ngộ và trực tiếp tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện QCDC cho người dân, khi họ có nhận thức đúng QCDC thì có hành động đúng, hiệu quả thực hiện mang lại càng cao, ngược lại, họ nhận thức chưa đến nơi sẽ dẫn đến nửa vời trong thực hiện, do đó hiệu quả còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, sức mạnh và ảnh hưởng của người cán bộ lãnh đạo và quản lý nói chung có được không chỉ ở chức vụ và quyền hạn được giao mà cái quan trọng hơn, có tính quyết định hơn chính uy tín của họ đối với nhân dân. Để có uy tín, trước hết người lãnh đạo, quản lý phải là người có trí tuệ, có tư duy khoa học, sâu sắc, có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực được phân công, có lối sống lành mạnh, có bản lĩnh và biết lắng nghe, đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng.
Cơ sở là nơi tiếp xúc trực tiếp nhất với người dân và được người dân quan tâm sát sao nhất. Quần chúng chỉ tin tưởng và quí mến những cán bộ có tư cách, đạo đức, có phẩm chất năng lực, những điều rất gần gũi mà người dân có thể quan sát và cảm nhận được. Vì vậy, bên cạnh những phẩm chất chung của người lãnh đạo, quản lý, những cán bộ ở cơ sở phải có khả năng thuyết phục người dân bằng chính công việc và lối sống của mình, biết lắng nghe và chia sẻ, có khả năng vận động, thuyết phục người dân, gần gũi và hòa đồng với người dân để tạo ra các mối liên hệ hỗ trợ cho việc thực thi dân chủ tốt với người dân. Mặt khác, chúng ta nhận thấy rằng tất cả mọi công việc phục vụ cho dân dù lớn hay nhỏ đều phải có cán bộ trực tiếp xử lý, người cán bộ giỏi thì công việc luôn hoàn thành đảm bảo thời gian, kế hoạch đề ra, cán bộ chưa giỏi thì công việc sẽ chậm trễ, khó hoàn thành theo kế hoạch. Trong khi đó bốn cấp chính quyền của bộ máy nhà nước, chính quyền phường, xã là
cấp cơ sở, là nền tảng của xã hội, là nơi gần dân nhất và có số lượng dân cư tập trung đông nhất, đó là nơi nhân dân thực hiện quyền dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ dân cư, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, kinh doanh lao động và học tập. Đồng thời ở cơ sở cũng là nơi nảy sinh nhiều yêu cầu bức xúc hàng ngày trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nơi đó đã tổ chức và vận động nhân dân thực hiện mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước, tất cả mọi sự chuyển biến của hệ thống chính trị ở cơ sở đều tác động nhanh chóng đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân, lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính trị trước hết là ở cơ sở. Do đó, nếu người cán bộ cơ sở có nhận thức đúng đắn, họ luôn chủ động và linh hoạt trong phục vụ nhân dân thì chất lượng công việc sẽ được nâng lên rõ rệt.
1.2.2.3. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở
Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng luôn có sự thống nhất và bao quát từ Trung Ương đến địa phương, trong đó vai trò lãnh đạo của Đảng bộ ở địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng. Cán bộ, đảng viên hơn ai hết là phải nhận thức sâu sắc về quy chế dân chủ, về các quyền và nghĩa vụ của mình. Với trách nhiệm là hạt nhân chính trị ở cơ sở thì Đảng ủy cấp xã phải lãnh đạo các chi bộ, đảng viên, các tổ chức chính quyền, đoàn thể đưa việc thực hiện pháp luật dân chủ vào cuộc sống, đồng thời tập trung chỉ đạo thể chế hóa pháp luật thành các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để trên cơ sở đó thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào tổ chức Đảng cơ sở quán triệt đầy đủ, sâu sắc, xác định đúng vai trò lãnh đạo toàn diện, chỉ đạo trực tiếp và thực hiện nghiêm túc pháp luật dân chủ ở cơ sở thì ở đó việc triển khai thực hiện pháp luật dân chủ là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, thu được những kết quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, làm
theo. Ở nơi nào cấp ủy Đảng chưa làm tốt vai trò lãnh đạo trực tiếp thì ở đó kết quả chất lượng thấp, gây hoang mang và mất niềm tin.
1.2.2.4. Công tác tổ chức thực hiện của chính quyền và vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể quần chúng ở cơ sở
Chính quyền cấp xã bao gồm HĐND và UBND - nhân tố trung tâm của hệ thống chính trị ở xã, là cơ quan quyền lực ở cơ sở, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đặt dưới sự chỉ đạo của chính quyền cấp trên và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy xã, có quan hệ gắn bó mật thiết với tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương. Cán bộ, chính quyền cấp xã có vai trò quyết định trong việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, lâu nay việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp luật thường vẫn là khâu yếu kém trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Quy chế thực hiện có tốt hay không, khi nào thực hiện, chất lượng hiệu quả ra sao tùy thuộc vào công tác tổ chức, thực hiện của chính quyền cấp xã.
Để QCDC đi vào thực tiễn và nhận được sử hưởng ứng từ nhân dân, chính quyền cơ sở đã không ngừng chỉ đạo sâu sát cho các ban ngành cần chủ động, tích cực hơn nữa trong phục vụ nhân dân. Thông qua nhiều hình thức, chính quyền chủ trương thực hiện nghiêm túc việc công khai các nội dung theo quy định, điều này nhằm để giải quyết một cách kịp thời nhu cầu của nhân dân khi tham gia vào các giao dịch hành chính, dân sự... Do vậy, nhân dân đã kịp thời nắm bắt được chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với chính quyền, nhân dân đã bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực ở cơ sở, cũng như tham gia giám sát các hoạt động chính quyền. Bên cạnh đó, chính quyền còn phát động các phong trào thi đua yêu nước và hương ước khu dân cư đã tác động tích cực đến hoạt động tự quản ở cơ sở; nhất là thực hiện quyền dân chủ của nhân dân về những công việc trong cộng đồng dân cư như: Hỗ trợ giúp nhau về sản xuất, bàn và quyết định
các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, hòa giải mâu thuẫn nội bộ. Mặt khác, chính quyền còn thành lập Ban thanh tra nhân dân để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện QCDC của đơn vị, kịp thời xử lý những cán bộ công chức có biểu hiện xa dân, cửa quyền, sách nhiễu dân
MTTQ và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở. Đó là giáo dục cho nhân dân và các đoàn viên, hội viên hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, quyền và nghĩa vụ thực hiện pháp luật, thực hiện quyền đại diện của tổ chức mình phối hợp với Chính quyền xã, trưởng thôn thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở và giám sát việc thực hiện chính sách ở địa phương, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên với các cấp có thẩm quyền giải quyết, động viên nhân dân, hội viên, đoàn viên tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.