Theo Nguyễn Đức Hùng và cs (2003) [9], cơ quan sinh dục của lợn nái được chia thành 2 bộ phận gồm: bộ phận sinh dục bên trong và bộ phận sinh
dục bên ngoài.
+ Bộ phận sinh dục bên trong gồm: Buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo
+ Bộ phận sinh dục bên ngoài gồm: Âm môn, âm vật, tiền đình. - Bộ phận sinh dục bên trong.
* Buồng trứng (ovarian)
Buồng trứng lợn nằm trong xoang bụng, phát triển thành một cặp, thực hiện cả hai chức năng: ngoại tiết (bài noãn) và nội tiết (sản sinh ra hormone sinh dục cái). Buồng trứng được hình thành trong giai đoạn phôi thai.
Cấu tạo: phía ngoài buồng trứng được bao bọc bởi một lớp màng liên kết sợi, chắc như màng dịch hoàn. Phía trong buồng trứng được chia làm hai miền là miền vỏ và miền tuỷ. Miền tuỷ có nhiều mạch máu, tổ chức liên kết dày đặc đảm bảo nhiệm vụ nuôi dưỡng và bảo vệ. Miền vỏ đảm bảo quá trình phát triển của trứng đến khi trứng chín và rụng. Miền vỏ gồm ba thành phần: Tế bào trứng nguyên thuỷ, thể vàng và tế bào hình hạt. Tế bào trứng nguyên thuỷ hay còn gọi là trứng non (fulliculo oophoriprimari) nằm dưới lớp màng của buồng trứng. Khi noãn bao chín các tế bào nang bao quanh tế bào trứng và phân chia thành nhiều tầng tế bào có hình hạt (stratum glanulosum). Noãn bao ngày càng phát triển thì các tế bào bao nang tiêu tan tạo ra xoang có chứa dịch. Các tầng tế bào còn lại phát triển lồi lên tạo thành một lớp màng bao bọc, ở ngoài có chỗ dày lên để chứa trứng (ovum)
Trần Thị Dân (2004) [3] cho biết, phía ngoài của buồng trứng được bao bọc bởi một lớp màng liên kết sợi, chắc như màng dịch hoàn. Phía trong buồng trứng được chia làm hai miền: Miền vỏ và miền tuỷ. Miền vỏ chứa các noãn nang, thể vàng, thể trắng có tác dụng về sinh dục. Miền tuỷ của buồng trứng nằm ở giữa gồm mạch máu, dây thần kinh mạch bạch huyết và mô liên kết. Trên buồng trứng có từ 70.000-100.000 noãn bào, ở các giai đoạn khác nhau, tầng ngoài cùng là những noãn bào thứ cấp đang sinh trưởng, khi noãn bào chín sẽ nổi lên bề mặt buồng trứng.
* Ống dẫn trứng: (vòi Fallop)
Ống dẫn trứng được treo bởi màng treo ống dẫn trứng, đó là một nếp gấp màng bụng bắt nguồn từ lớp bên của dây chằng rộng. Căn cứ vào chức năng có thể chia ống dẫn trứng thành bốn đoạn:
- Tua diềm: có hình giống như tua diềm.
- Phễu: có hình phễu, miệng phễu nằm gần buồng trứng. - Phồng ống dẫn trứng: đoạn ống giãn rộng xa tâm
- Eo: đoạn ống hẹp gần tâm, nối ống dẫn trứng với xoang tử cung. Ống dẫn trứng có một chức năng duy nhất là vận chuyển trứng và tinh trùng theo hướng ngược chiều nhau, hầu hết là đồng thời.
* Tử cung (Uterus)
Ở lợn, tử cung thuộc loại hình sừng kép, các sừng gấp nếp hoặc quấn lại và có độ dài đến hơn 1m trong khi thân tử cung lại ngắn lại. Độ dài này thích hợp cho việc mang nhiều thai. Cả hai mặt của tử cung được đính vào khung chậu và thành bụng bằng dây chằng rộng.
- Tử cung nằm trong xoang chậu, dưới trực tràng, trên bàng quang và niệu đạo trong xoang chậu. Tử cung lợn thuộc loại tử cung sừng kép, gồm 2 sừng thông với một thân và cổ tử cung. Sừng tử cung dài 40-65cm. Thân tử cung dài 5cm. Cổ tử cung dài 10cm có thành dày, hình trụ, có các cột thịt xếp theo chiều dài răng lược thông với âm đạo.
Chức năng của tử cung: Tử cung có nhiều chức năng. Nội mạc tử cung và các dịch tử cung giữ vai trò chủ chốt trong quá trình sinh sản. Gồm:
- Chuyển vận tinh trùng. - Làm tổ, chửa và đẻ. * Âm đạo (Vagina)
Theo Trần Tiến Dũng và cs (2002) [6], Âm đạo lợn dài 10-12cm, là một ống tròn, trước là cổ tử cung, phía sau là tiền đình có màng trinh. Âm đạo được cấu tạo bởi 3 lớp:
+ Lớp liên kết bên ngoài.
+ Lớp cơ trơn: Bên ngoài là cơ dọc, bên trong là cơ vòng, chúng liên kết với các cơ tử cung.
+ Lớp niêm mạc: Trên bề mặt có nhiều tế bào thượng bì gấp nếp dọc. Ngoài âm đạo ra còn là bộ phận thải thai ra bên ngoài khi sinh ra và là ống thải các chất dịch từ bên trong tử cung.
Bộ phận sinh dục bên ngoài: là những phần ta có thể nhìn thấy, sờ thấy và quan sát được, gồm: âm môn, âm vật và tiền đình.
* Âm môn
Âm môn hay còn gọi là âm hộ (vulvae) nằm dưới hậu môn. Phía ngoài âm môn có hai môi (labia pudendi). Hai môi được nối với nhau bằng hai mép (rima vulvae).
Trên hai môi của âm môn có sắc tố màu đen và có nhiều tuyến tiết (như tuyến tiết chất nhờn trắng và tuyến tiết mồ hôi)
* Âm vật (clitoris)
Âm vật nằm ở góc phía dưới hai mép của âm môn. Âm vật giống như dương vật con đực được thu nhỏ lại. Về cấu tạo, âm vật cũng có các thể hổng như cấu tạo dương vật của con đực. Trên âm vật có nếp da tạo ra mũ âm vật, giữa âm vật bẻ gấp xuống dưới.
* Tiền đình (vestibulum)
Tiền đình là giới hạn giữa âm môn và âm đạo, nghĩa là qua tiền đình mới vào âm đạo. Trong tiền đình có dấu vết màng trinh, phía trước màng trinh là âm đạo, phía sau màng trinh có lỗ niệu đạo. Màng trinh có các sợi cơ đàn hồi giữa và do hai lá niêm mạc gấp thành một nếp. Tiền đình có một số tuyến, các tuyến này xếp theo hàng chéo, hướng quay về âm vật, chúng có chức năng tiết ra dịch nhầy.