Sự cần thiết ban hành luật trưngcầu dân ý

Một phần của tài liệu Pháp luật về trưng cầu dân ý kinh nghiệm thế giới và một số gợi mở cho Việt Nam (Trang 75)

Quyền tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế công dân Việt Nam chưa có điều kiện sử dụng quyền này do chưa có những quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng, nội dung, thủ tục tiến hành, đánh giá kết quả và giá trị của kết quả trưng cầu ý dân. Nghiên cứu các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về trưng cầu ý dân chúng ta thấy Hiến pháp chỉ quy định rất khái quát ở bốn điểm sau đây: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” (Điều 29); Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn: “Quyết định trưng cầu ý dân” (Điều 70); Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn:“tổ chức trưng cầu ý dân theo

quyết định của Quốc hội” (Điều 74); “Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội quyết định tán thành. Việc tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” (Điều 120).

Ngoài ra, trong toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ có một văn bản duy nhất là “Quy chế hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội” năm 2004 có quy định liên quan đến việc tổ chức trưng cầu ý dân. Điều 37 Quy chế quy định như sau: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý

70

dân theo quyết định của Quốc hội; quy định việc phát hành phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu; tổ chức việc bỏ phiếu, tổng hợp, công bố kết quả trưng cầu và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Quy định trên đây trao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quy định một số vấn đề về thủ tục tiến hành và xác định kết quả một cuộc trưng cầu dân ý. Trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có hoạt động cụ thể nào để thực hiện thẩm quyền này. Như vậy là quy định của Quy chế hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa cụ thể, không đủ để có thể đi vào cuộc sống. Có thể nhận thấy, vấn đề trưng cầu dân ý đã được quan tâm, ghi nhận hơn trong Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn nhiều hạn chế như:

- Pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc quy định hết sức chung chung, mang tính hình thức về vấn đề trưng cầu dân ý trong bản Hiến pháp. Nếu như trong Hiến pháp 1946 quy định rõ những vấn đề phải được đưa ra toàn dân phúc quyết bao gồm những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia và sửa đổi Hiến pháp, thì những bản Hiến pháp sau này đã không đề cập tới những quy định này. Nhà nước ra quy định về trưng cầu dân ý, tuy nhiên lại không nếu rõ vấn đề nào sẽ được đưa ra trưng cầu dân ý. Vậy có thể hiểu là tất cả các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội đều có thể trở thành đối tượng đưa ra trưng cầu dân ý hay không? Chính vì không có những quy định cụ thể trong việc xác định đối tượng trưng cầu dân ý dẫn đến việc rất khó xác định vấn đề nào cần thiết, vấn đề nào không cần thiết để đưa ra trưng cầu dân ý. Thực tế cho thấy, đã gần 70 năm kể từ khi chúng ta có quy định về trưng cầu dân ý, trải qua năm bản Hiến pháp nhưng chưa một lần nào chúng ta tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý, đó là do Quốc hội không thấy có một vấn đề nào cần được đưa ra trưng cầu dân ý, điều này đặt ra câu hỏi “phải chăng trưng cầu dân ý chỉ còn mang tính quy định trên hình thức?”. Khi pháp luật không quy định rõ những vấn đề nào cần phải đưa ra trưng cầu dân ý, vấn đề nào không cần thiết thì có thể dẫn đến trường hợp Quốc hội thấy có quá nhiều vấn đề phải đưa ra trưng cầu dân ý thì dẫn đến lạm dụng hình thức trưng cầu dân ý để cơ quan nhà nước thoái

71

thác trách nhiệm, khi đó hình thức trưng cầu dân ý không mang lại hiệu quả mà còn gây tốn kém, lãng phí.

- Thẩm quyền ra quyết định trưng cầu dân ý không được quy định rõ trong pháp luật hiện hành. Pháp luật hiện hành chỉ quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định việc trưng cầu dân ý. Nhưng Quốc hội chỉ có thể xem xét quyết định tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý với quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng với quốc gia; còn những cuộc trưng cầu dân ý quy mô nhỏ ở địa phương nhất là những cuộc trưng cầu dân ý ở cấp đơn vị hành chính cơ sở thì Quốc hội không thể xem xét hết được. Trong khi đó, trong thực tiễn đời sống xã hội thì nhu cầu tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở quy mô nhỏ bao giờ cũng nhiều hơn nhu cầu tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý trên quy mô lớn. Việc quy định về thẩm quyền quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của pháp luật hiện hành sẽ gây khó khăn cho việc tiến hành các cuộc trưng cầu ý dân ở địa phương, nhất là các cuộc trưng cầu ý dân ở cấp đơn vị hành chính cơ sở.

Pháp luật hiện hành giao cho Quốc hội thẩm quyền quyết định việc trưng cầu ý dân nhưng không quy định rõ cách thức Quốc hội quyết định vấn đề này như thế nào.Cần phải đạt tỷ lệ như thê nào mới có thể tiến hành trưng cầu dân ý theo đúng thủ tục. Chỉ cần trên 50% số đại biểu đồng ý hay phải đến một tỷ lệ nhất định thì mới có thể thông qua việc trưng cầu dân ý. Vì thế, cho dù Quốc hội có thực hiện thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân thì cũng không biết được quyết định của mình có hợp lệ hay không, trừ trường hợp đạt được 100% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

- Vấn đề sáng kiến trưng cầu dân ý cũng là một vấn đề mà pháp luật hiện hành của chúng ta còn thiết xót. Để tiến hành được một cuộc trưng cầu dân ý thì trước tiên phải có sáng kiến trưng cầu dân ý, đó là cơ sở để hình thành một cuộc trưng cầu dân ý trong tương lai. Việc không có các quy định cụ thể hướng dẫn việc ai và với điều kiện như thế nào có quyền trình Quốc hội xem xét để quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, mô hình chung giống với việc không có người lên cò súng vậy làm sao có thể nổ súng?

72

- Mặc dù trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội đã giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc phát hành phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu; tổ chức việc bỏ phiếu, tổng hợp, công bố kết quả của cuộc trưng cầu và báo cáo với Quốc hội tại kì họp gần nhất. Tuy nhiên, trên thực tế do Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa quy định cụ thể vấn đề này nên nếu có tổ chức trưng cầu ý dân thì cũng không biết phải tổ chức theo trình tự, thủ tục nào, việc xác định kết quả trưng cầu dân ý như thế nào thì kết quả trưng cầu ý dân được coi là hợp lệ và có hiệu lực... Bên cạnh đó, vấn đề giá trị pháp lý của kết của trưng cầu dân ý cũng như các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo và khiếu kiện liên quan đến trưng cầu dân ý cũng đang bị bỏ ngỏ.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu dân ý hiện nay dựa trên những cơ sở của nhu cầu thực tiễn khách quan. Việc ban hành Luật Trưng cầu dân ý sẽ tạo thêm những cơ sở pháp lý mới để thực hiện hoá chế định dân chủ trực tiếp, là một trong những công cụ để tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự đồng thuận xã hội cần thiết cho quá trình phát triển của đất nước.

Một phần của tài liệu Pháp luật về trưng cầu dân ý kinh nghiệm thế giới và một số gợi mở cho Việt Nam (Trang 75)