Khái niệm về quảng cáo

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Quảng cáo trên các Tạp chí Thời trang Việt Nam (Trang 25)

Ý niệm về quảng cáo xuất hiện và song song tồn tại cùng với loài người. Nó là những tín hiệu đầu tiên có tính chất thông tin giới thiệu trong một cộng đồng nhỏ bé từ thủa sơ khai của con người. Ý niệm này ngày nay còn đọng lại ở các di vật đang được lưu lại trong các bảo tàng và các trung tâm văn hoá nổi tiếng thế giới. Ý niệm này đã cùng đồng hành và phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế và văn hoá ở mỗi cộng đồng trong khu vực cũng như ở mỗi quốc gia trên thế giới.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, quảng cáo là để phục vụ người tiêu dùng. Công dụng của quảng cáo là để báo tin đúng đắn về hàng hoá đã có, về tính năng và phẩm chất của hàng hoá.

Ở Việt Nam khái niệm quảng cáo được định nghĩa là việc giới thiệu hàng hoá với người tiêu dùng, tuyên truyền hàng hoá (việc phục vụ) trong nhân dân do các xí nghiệp và cơ quan sản xuất, thương nghiệp, sinh hoạt - văn hoá v.v…tiến hành. Các phương tiện quảng cáo là những áp phích đặc biệt, đăng báo, phát thanh, vô tuyến truyền hình, điện ảnh, triển lãm chế phẩm, nhãn hiệu sản xuất và dấu hiệu hàng hoá, tủ kính bày hàng ở các cửa hàng và các xí nghiệp khác.

Quảng cáo được dùng để khêu gợi những thị hiếu của người tiêu dùng, tuyên truyền những hàng hoá mới có thể nâng cao trình độ tiêu dùng của nhân dân. (Trích từ điển kinh tế của nhà xuất bản khoa học kỹ thuật).

Ngày nay nước ta trên con đường thực hiện chế độ kinh tế thị trường, những thuật ngữ kinh tế cũng được hiểu khác đi cho phù hợp với tính chất nền kinh tế: “Hoạt động quảng cáo bao gồm việc giới thiệu và thông báo rộng rãi về doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, biểu tượng theo nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ”. (Nghị định 194/ CP ngày 31/12/1994).

Hiệp hội Marketing Mỹ (AMA) định nghĩa : “ Quảng cáo là bất cứ loại hình nào của sự hiện diện không trực tiếp của hàng hoá, dịch vụ hay tư tưởng hành động mà người ta phải trả tiền để nhận biết người quảng cáo”.

Theo đó, quảng cáo là cả một quá trình có chủ thể là người đi quảng cáo, dùng hành động quảng cáo bao gồm phương tiện quảng cáo và nội dung quảng cáo để hướng tới đối tượng quảng cáo. Người quảng cáo là người muốn giới thiệu cho tất cả mọi người biết về sản phẩm hoặc doanh nghiệp mình. Hành động quảng cáo có thể do người quảng cáo trực tiếp làm hoặc người quảng cáo thuê công ty chuyên làm dịch vụ quảng cáo làm. Đối tượng quảng cáo là những người mà người quảng cáo muốn giới thiệu cho họ sản phẩm hoặc công ty họ hay bất cứ một cái gì đó.

1.1.1.2. Khái niệm quảng cáo trên tạp chí

Quảng cáo trên tạp chí là dịch vụ kinh doanh truyền thông mang tính phi cá nhân và sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ hoặc ý tưởng do bên thuê mua thông qua các tạp chí làm phương tiện truyền thông nhằm thuyết phục hay ảnh hưởng đến hành vi của một số đối tượng nào đó.

Quảng cáo trên tạp chí là một loại hình kinh doanh vì bên thuê quảng cáo phải trả tiền để truyền thông về sản phẩm hay ý tưởng của mình cho một số đối tượng nào đó biết đến.

Quảng cáo trên tạp chí mang tính phi cá nhân vì nó nhắm đến một nhóm người chứ không chỉ riêng lẻ bất cứ một cá nhân nào. Không một quảng cáo nào nhắm vào một cá nhân duy nhất.

1.1.2. Phân loại quảng cáo trên tạp chí

1.1.2.1. Phân loại theo khách hàng mục tiêu:

Có hai loại khách hàng mà quảng cáo trên tạp chí nhắm đến:

* Quảng cáo nhắm đến người tiêu dùng: Hầu hết các mẫu quảng cáo xung quanh chúng ta hiện nay là những mẫu quảng cáo nhắm đến người tiêu dùng, nhắm đến các cá nhân và gia đình, thuyết phục họ mua sản phẩm hay dịch vụ tiêu dùng cho nhu cầu cá nhân và gia đình ví dụ như quảng cáo xà bông, dầu gội đầu, ti v, tủ lạnh…

* Quảng cáo nhắm đến cơ quan, xí nghiệp: nhắm đến việc mua sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết các mẫu quảng cáo nhắm đến doanh nghiệp xuất hiện trên các ấn phẩm đặc biệt hoặc được gửi trực tiếp đến doanh nghiệp dưới hình thức bưu phẩm ví dụ: đồ dung văn phòng, dịch vụ phát chuyển thư nhanh…

1.1.2.2. Phân loại theo vùng địa lý.

Quảng cáo có thể chỉ giới hạn tại địa phương hoặc cũng có thể được làm trên toàn thế giới. Khi tổ chức tung quảng cáo ra ngoài biên giới quốc gia thì được xem là quảng cáo quốc tế. Quảng cáo trong một vùng lãnh thổ mà không bao gồm phạm vi toàn quốc thì được gọi là quảng cáo địa phương. Phạm vi tác động của mỗi loại là rất khác nhau khi tiến hành quảng cáo thì cần xem xét đến các yếu tố như: văn hoá, thói quen, khách hàng mục tiêu để quảng cáo.

1.1.2.3. Phân loại theo chuyên ngành, theo đặc điểm của các tạp chí:

Hiện nay, ở Việt Nam có một số chuyên ngành tạp chí như sau: tạp chí chuyên ngành thời trang, tạp chí chuyên ngành điện ảnh, tạp chí chuyên ngành sức khỏe, y tế, tạp chí chuyên ngành văn nghệ, tạp chí chuyên ngành kinh tế, kinh doanh..., tạp chí dành cho phụ nữ, tạp chí dành cho đàn ông, tạp chí dành cho thanh niên, tạp chí dành cho thiếu niên, tạp chí cho người cao tuổi... Với cách phân loại này, doanh nghiệp có thể lựa chọn chuyên ngành và đặc điểm tạp chí phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của mình để thuê đăng quảng cáo.

1.1.2.4. Phân loại theo mục đích quảng cáo

Cách phân loại này tuỳ vào lý do muốn quảng cáo của bên thuê quảng cáo vì có nhiều hình thức doanh nghiệp nên mỗi doanh nghiệp đều có mục đích quảng cáo riêng cho mình trong mỗi giai đoạn nhất định

Mỗi doanh nghiệp thuê quảng cáo đều có mục tiêu riêng của mình nhưng mục đích quảng cáo cũng có thể được phân làm 4 cấp độ sau:

* Quảng cáo sản phẩm và quảng cáo phi sản phẩm: sản phẩm là hàng hoá hoặc dịch vụ mà người mua bỏ tiền ra để có được hàng hoá có thể là sản phẩm hữu hình hay vô hình. Ngược lại với quảng cáo sản phẩm là quảng cáo phi sản phẩm. Loại quảng cáo này lại nhắm vào việc đánh bóng hình ảnh của doanh nghiệp, tổ chức thuê quảng cáo hay nhằm gây ảnh hưởng đén khán giả ở một số khía cạnh nào đó chứ không phải thuyết phục họ mua sản phẩm.

* Quảng cáo thương mại và quảng cáo phi thương mại: Hầu hết các quảng cáo hiện nay đều là quảng cáo thương mại do các doanh nghiệp tung ra nhằm mục đích kiếm lợi nhuận. Quảng cáo phi thương mại thì lại chỉ kêu gọi tài trợ, quyên góp từ thiện, các hoạt động văn hoá,…Loại quảng cáo này không đặt mục tiêu lợi nhuận.

* Quảng cáo nhắm vào nhu cầu cơ bản và nhu cầu cụ thể: Mục tiêu của quảng cáo nhắm vào nhu cầu là kích thích nhu cầu về một nhóm sản phẩm nào đó chứ không chỉ riêng một nhãn hiệu nào. Loại quảng cáo này thường do các hiệp hội, tổ chức đại diện cho nhiều doanh nghiệp thuê quảng cáo để xây dựng định vị nhãn hiệu sản phẩm cho mình.

* Quảng cáo tác động trực tiếp và quảng cáo tác động gián tiếp: Khi quảng cáo tác động đến khán giả, kích thích họ phản hồi ngay gọi là quảng cáo tác động trực tiếp. Loại quảng cáo này thường kèm theo phiếu giảm giá, tặng quà, dùng thử miễn phí,...trong một khoảng thời gian. Khi quảng cáo chỉ nhằm xây dựng nhận thức nhãn hiệu một loại sản phẩm, giới thiệu lợi ích của sản phẩm, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, nơi mua sản phẩm gọi là quảng cáo tác động gián tiếp. Loại quảng cáo này thường kéo dài thành một chiến dịch quảng cáo.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Quảng cáo trên các Tạp chí Thời trang Việt Nam (Trang 25)