Có thể nói thời trang Việt Nam đã hình thành từ rất lâu, thời đại nào cũng có sự tồn tại của thời trang, có chăng chỉ là cách công chúng tiếp cận với thời trang như thế nào, thái độ phản ứng đối với thời trang ra sao. Trang phục là một nhu cầu vật chất quan trọng trong đời sống của mọi người dân. Với tính chất thực dụng, nó là một sản phẩm; dưới góc độ thẩm mỹ, nó lại là một tác phẩm. Chức năng cơ bản trước nhất của nó là bảo vệ con người.
Thông qua cái nhìn lịch đại kết hợp với đồng đại, ta thấy trang phục người Việt, từ dạng kiểu đơn sơ, giản dị, đẹp như tâm hồn người Việt cổ tiếp tục phát triển, hài hòa với môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên nhiệt đới, khỏe khoắn với bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm liên miên. Trang phục người Việt là một trong những gì thân thiết nhất đối với con người Việt Nam. Sự gắn bó có tâm hồn này chính là điều xuất phát từ những trái tim yêu thương quê hương đất
nước. Trước đây, khái niệm về thời trang ở nước ta chưa rõ nét, trước sự khó khăn về kinh tế đa số tầng lớp nhân dân chỉ coi trang phục là sự che đậy của con người. Sau này, khi kinh tế phát triển hơn, nhiều người đã thấy trang phục là đối tượng của thị giác nên đòi hỏi nó phải biểu hiện được những chuẩn mực cho sự nhìn. Để đáp ứng yêu cầu này, trong suốt quá trình lịch sử, trang phục người Việt đã có sự chọn lọc về hình dáng, kiểu thức, màu sắc, hoa văn trang trí, chất liệu. Đôi khi chúng ta còn thấy rõ ngoài việc đáp ứng yêu cầu nhìn, còn có cả nghe, mùi vị và tất nhiên dẫn đến cả xúc cảm nữa.
Đứng ở góc độ văn hóa tinh thần, trang phục còn có ý nghĩa về ý thức chính trị, về đạo đức con người, về quan niệm thẩm mỹ... Sự tự khẳng định mình thông qua trang phục, nhất là đối với thanh niên, là điều cần phải hướng dẫn, giáo dục hơn là phê phán, chỉ trích. Như vậy, trang phục là một nhu cầu vật chất nhưng đồng thời còn là một hiện tượng về văn hóa. Với quan điểm xây dựng nền văn hóa mới và con người mới là điều cần và có thể thực hiện từng bước, từng phần ngay từ hôm nay, và "không phải trình độ văn hóa của xã hội phụ thuộc một cách máy móc vào trình độ phát triển kinh tế", các tạp chí thời trang đã xác định rằng dù xã hội ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không nhất thiết phải chờ đến khi thật giàu có, sung túc, lúc đó mới quan tâm đến vấn đề trang phục. Vì vậy các tạp chí thời trang góp mặt trong làng báo và trong xã hội đã góp phần định hướng, giáo dục thẩm mỹ cho người dân, đặc biệt là thanh niên. Sức ảnh hưởng của các tạp chí thời trang là khá lớn, những mẫu mốt đăng ở đây đều được bạn đọc cập nhật, lấy đó làm thước đo chuẩn mực cho việc định hình phong cách phục trang của mình.
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn không ít những thanh niên có quan niệm sai lệch về thời trang, họ luôn cho rằng mình là những người có cá tính, thích nổi
trội nên thường khoác lên mình những bộ trang phục bị coi là kì dị hay hở hang, đầu tóc cũng được nhuộm, cắt một cách khác thường. Hiện tượng này là kết quả của sự du nhập không có chọn lọc trào lưu thời trang từ nước ngoài. Một lần nữa các tạp chí thời trang lại khẳng định sức ảnh hưởng của mình đến ngành thời trang trong nước bằng cách giới thiệu các hình ảnh thời trang, xu hướng mốt đang được ưa chuộng ở nước ngoài mà vẫn đẹp và phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, các tạp chí cũng mượn lời chuyên gia để phê phán, đưa ra những góp ý, bình luận về cái sai, cái không đẹp trong cách phục trang của một bộ phận thanh niên đó, việc làm này khiến cho những bạn trẻ nhìn nhận, phân biệt một cách chính xác hơn giữa thời trang và sự khác người phi thời trang.
Các tạp chí thời trang cũng thể hiện rõ quan điểm không hẹp hòi, bảo thủ trước sự phát triển, thay đổi các kiểu cách trang phục lành mạnh, nhất là trong thanh niên, nhưng không thể công nhận những hiện tượng may mặc đua đòi, chạy theo "mốt" lố lăng, phô trương, xa hoa, lãng phí... xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời cũng cần phản đối hiện tượng cho rằng nền kinh tế của ta chưa phát triển cao, nên có thể ăn mặc tùy tiện, cẩu thả, thiếu thẩm mỹ. Từ đó làm giảm giá trị cao đẹp của con người và còn có thể nảy sinh những hậu quả xấu về nhiều mặt. Vì trang phục, trong những chừng mực nhất định, còn là phương tiện rất đắc lực của các quan điểm tư tưởng, các ý đồ chính trị, không chỉ thuộc sở thích hay thị hiếu của cá nhân mà đây là cả một vấn đề văn hóa, một vấn đề xã hội, có tác dụng góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, góp phần xây dựng con người mới hoặc ngược lại.
Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc, các tạp chí thời trang còn có ảnh hưởng rất lớn đến giới người mẫu, nhà thiết kế và các chuyên gia trong lĩnh vực thời trang. Bộ sưu tập của các nhà thiết kế có được bạn
đọc yêu thích hay không một phần không nhỏ là do khả năng chụp hình của nhiếp ảnh gia và lời bình luận của phóng viên. Những nhà thiết kế được nhiều người biết đến ngược lại, lại cung cấp những ý kiến chuyên môn cho tạp chí thời trang để làm kim chỉ nam cho những bài viết của mình. Sự tác động qua lại lẫn nhau này khiến cho ngành thời trang ngày càng có xu hướng phát triển hoàn thiện hơn, lành mạnh hơn.