Thị trường lao động tại Việt Nam dồi dào, với lực lượng lao động trẻ và giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, chất lượng lao động không cao, hầu hết chưa qua đào tạo
nghề nói chung và nghề may nói riêng. Tính đến 1/7/2011, cả nước có 51,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,5% tổng dân số, trong đó lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 70,3% và chỉ có gần 7,8 triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,4%.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%. Ngoài thiếu hụt lao động, chất lượng lao động cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Theo Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần May Xuất khẩu Long An, việc đào tạo nhân lực cho ngành may của các trung tâm và các trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nhiều DN hiện nay. Sinh viên sau khi ra trường nếu DN tuyển dụng phải đào tạo lại mới sử dụng được. Điều này đòi hỏi công ty phải tổ chức tốt các hoạt động quản trị nhân lực như tuyển dụng, đào tạo, bố trí và sử dụng nhân lực, để cung cấp cho công ty đội ngũ nhân lực phù hợp. Mặt khác, trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay, lượng lao động chuyên ngành quản trị nhân lực đang dần được quan tâm và đào tạo bài bản, là cơ hội để Công ty tuyển mộ và tuyển chọn để xây dựng và củng cố bộ máy tổ chức quản trị nhân lực hiệu quả.