C. Ghi nhớ
3. Phương pháp cho chim ăn
- Chế độ ăn hàng ngày của chim thịt:
+ Thời gian: 2 lần trong ngày buổi sáng lúc 8 - 9h, buổi chiều lúc 14 - 15h, nên cho ăn vào một thời gian cố định trong ngày.
+ Định lượng: Tuỳ theo từng loại chim mà chúng ta cho ăn với số lượng thức ăn khác nhau, thông thường lượng thức ăn bằng 1/10 khối lượng cơ thể.
- Phương pháp cho ăn đối với chim sữa:
+ Chim sữa hay còn gọi là chim non, chim ra ràng tức là từ lúc nở cho tới một tháng tuổi. Khi mới nở chim non rất yếu, lông tơ rất nhỏ, chưa mở được mắt, chưa đi lại, chưa tự ăn được mà chim mẹ nhả ra một dung dịch như sữa để mớm cho chim sữa. Thời kỳ này chim lớn nhanh, tiêu hóa thức ăn nhanh. Lượng thức ăn tăng dần theo ngày tuổi.
+ Chim mới có con lần đầu thường chưa biết mớm (kể cả những chim có con nhiều lần cung cần chú ý) phải nhẹ nhàng đưa mỏ chim non vào khoang mỏ chim mẹ, làm nhiều lần thì chim mẹ sẽ biết mớm.
+ Thường có 2 chim sữa, chim mẹ có thói quen chỉ mớm một con trước nên con này sẽ lớn nhanh hơn, vậy nên cần chú ý khi chim sữa đứng được thì đổi vị trí chim sữa để chim mẹ mớm cho con kia trước, như vậy chim sẽ lớn đều hơn.
+ Có thể ghép ổ: ví dụ có trường hợp chỉ đẻ 1 trứng hoặc lý do nào đó chỉ có 1 chim sữa thì nên chọn những con cùng ngày, cùng thời gian ghép ngay thành đôi. Làm như vậy sẽ có 2 cái lợi. Chim cái không phải nuôi chim sữa thì sẽ lại đẻ sớm hơn. Chim chỉ nuôi 1 con cũng không tốt.
+ Khi chim sữa ngoài 1 tuần tuổi thì chim mẹ sẽ mớm trực tiếp các hạt thức ăn. Đây là giai đoạn thay đổi rất quan trọng, chim sữa rất khó khăn để qua giai đoạn này. Vậy giai đoạn này nên chuẩn bị các loại hạt kích thước nhỏ, đủ lượng nước để dễ tiêu hóa, giai đoạn này vẫn là chim mẹ mớm.
- Vỗ béo chim: Thông thường chim sữa thịt được khoảng 4 tuần thì cho xuất chuồng. Trước khi xuất chuồng một tuần có thể vỗ béo cho chim sữa thịt bằng phương pháp nhồi thức ăn. Quá trình vỗ béo được thực hiện như sau:
+ Chọn chim để vỗ béo: khi chim sữa được khoảng 3 tuần tuổi, khối lượng khoảng 350g, thì chọn những con khỏe, lông đều, không thương tích, bệnh tật, để nhồi vỗ béo.
+ Nơi dùng để nhồi chim: sạch sẽ, thoàng mát, khô ráo, yên tĩnh. Tránh các ánh sáng chói, không bị các động vật khác làm phiền.
+ Thức ăn và trộn thức ăn để nhồi vỗ béo: thường là ngô, các loại đỗ, cám gạo,... muối ăn, bột vitamin, muối khoáng, thuốc kích thích, bảo vệ tiêu hóa. Khi trộn thức ăn thì ngô hoặc cám gạo chiếm 75 – 80%, còn các loại đỗ là 20 – 25%. Thức ăn cần được nghiền nhỏ, rồi ngâm cho mềm và viên thành viên nhỏ. Tỷ lệ thức ăn và nước là 1:1.
+ Cách nhồi: mỗi chim sữa mỗi ngày nhồi khoảng 50 – 80g thức ăn, mỗi ngày nhồi 2 – 3 lần. Sau khi nhồi xong để chim nghỉ ngơi, tốt nhất là để chim ngủ.
Có hai cách nhồi là nhồi bằng nhân công hoặc nhồi bằng máy, nếu lượng chim ít thì nhân công nhồi.
Nhân công nhồi cũng có hai cách, một là dùng mồm ngậm thức ăn thổi trực tiếp vào miệng chim, hai là dùng tay nhét thức ăn vào miệng chim. Khi trộn xong thức ăn thì ngậm vào miệng, một tay đỡ chim lên, một tay nhẹ nhàng mở miệng chim rồi nhẹ nhàng thổi thức ăn vào miệng chim. Mỗi lần ngậm lượng thức ăn đủ để nhồi cho một con. Nhồi bằng tay là cầm viên thức ăn nhét vào miệng chim hoặc dùng xi lanh bơm thức ăn vào miệng chim, chú ý không được bơm ẩu để thức ăn rơi vào phế quản thì chim sẽ chết.
Nuôi chim ở nông trường với lượng lớn thì nhồi bằng máy như nhồi cho vịt. Loại máy nhồi đạp chân thì tiện lợi hơn, mỗi lần đạp là nhồi cho một con. Thông thường mỗi giờ có thể nhồi cho 300 – 500 con.
Chú ý: Khoáng vẫn được bổ sung tự do, các loại vitamin, thuốc bổ khác được bổ sung trong nước uống.