Thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị

Một phần của tài liệu Pháp luật về quy hoạch đô thị ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Luận văn ThS. Luật (Trang 53)

Pháp luật hiện hành quy định sau khi các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch đô thị phải có trách nhiệm trình cơ quan cấp trên có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt đồ án và nhiệm vụ quy hoạch cụ thể tại Điều 31 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP như sau:

- Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đề án quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của mình và nhiệm vụ, đồ án quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.

- UBND cấp tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền

48

phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ trừ quy hoạch đô thị quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 19 của Luật Quy hoạch đô thị trình cơ quan quản lý quy hoạch cấp tỉnh thẩm định và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh.

- Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh thẩm định và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của UBND cấp tỉnh và đồ án quy hoạch đô thị do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập.

- Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp huyện thẩm định và trình UBND cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc trách nhiệm tổ chức lập của UBND cấp huyện và đồ án quy hoạch đô thị do chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập.

- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trình cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh thẩm định đối với đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh; trình cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp huyện thẩm định đối với đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp huyện.

Việc thẩm định được tiến hành thông qua Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định được thành lập theo quyết định của Bộ xây dựng trong trường hợp quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hay quy hoạch đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ xây dựng tổ chức lập. UBND có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Quy hoạch đô thị. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan.

49

Về nội dung thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị, trước khi Luật quy hoạch đô thị ra đời, theo Luật xây dựng năm 2003 quy định nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị bao gồm:

- Xác định tính chất của đô thị, quy mô dân số đô thị, định hướng phát triển không gian đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn năm năm, mười năm và dự báo hướng phát triển của đô thị cho giai đoạn hai mươi năm.

- Đối với quy hoạch chung xây dựng, cải tại đô thị, ngoài các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Luật xây dựng năm 2003 còn phải xác định những khu vực giải tỏa, những khu vực được giữ lại để chỉnh trang, những khu vực phải được bảo vệ và những yêu cầu cụ thể khác theo đặc điểm của từng đô thị.

Sau khi Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 ra đời, vấn đề nhiệm vụ của quy hoạch đô thị được quy định chặt chẽ, cụ thể hơn, bao gồm:

- Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị phải xác định tính chất, vai trò của đô thị, yêu cầu cơ bản cho việc nghiên cứu để khai thác tiềm năng, động lực phát triển, hướng phát triển, mở rộng đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong nội thị và khu vực ngoại thị; yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược.

- Nhiệm vụ quy hoạch phân khu phải xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu, nguyên tắc cơ bản về phân khu chức năng để bảo đảm phù hợp về không gian kiến trúc, đấu nối hạ tầng kỹ thuật với quy hoạch chung đã được phê duyệt và các khu vực xung quanh; yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược.

- Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải xác định giới hạn về chỉ tiêu sử dụng đất, dân số; yêu cầu, nguyên tắc về tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực lập quy hoạch, bảo đảm phù hợp với

50

quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và khu vực xung quanh; yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược.

- Trường hợp quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang đô thị, nhiệm vụ quy hoạch phải xác định yêu cầu nghiên cứu để bảo đảm đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn được không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân.

- Trường hợp quy hoạch đô thị mới, khu đô thị mới, nhiệm vụ quy hoạch phải xác định yêu cầu nghiên cứu để bảo đảm sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và kết nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài đô thị, có không gian kiến trúc và môi trường sống hiện đại.

Như vậy, bên cạnh việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch đô thị, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định nội dung nhiệm vụ quy hoạch đô thị. Nội dung thẩm định yêu cầu nhiệm vụ quy hoạch đô thị phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch đô thị của cấp trên. Yêu cầu đối với từng loại nhiệm vụ quy hoạch đô thị được quy định tại Điều 23 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Về nội dung thẩm định đồ án quy hoạch đô thị yêu cầu: đáp ứng các điều kiện của tổ chức tư vấn lập quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 10 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; căn cứ lập đồ án quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 24; đồ án quy hoạch đô thị phải phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu quy hoạch đô thị quy định tại Điều 6 và các yêu cầu về nội dung đối với từng loại đồ án quy định tại các mục 3, 4 và 5 Chương II của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định cụ thể về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch đô thị tại Điều 44, theo đó:

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị gồm:quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung

51

thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố trực thuộc trung ương là đô thị loại đặc biệt; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hoá, lịch sử, của quốc gia theo quy định của Chính phủ; các quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng tổ chức lập.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị bao gồm: Quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị mới, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới, trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thành phố trực thuộc trung ương, trừ các quy hoạch quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng; quy hoạch phân khu thuộc đô thị loại đặc biệt và loại I; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của 2 quận, huyện trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực trong đô thị mới, trừ quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 và nhiệm vụ quy hoạch quy định tại khoản 5 Điều này.

- UBND thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, UBND huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1, khoản 2 và nhiệm vụ quy hoạch đô thị quy định tại khoản 5 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh.

52 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- UBND huyện thuộc tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết thị trấn, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1, khoản 2 và nhiệm vụ quy hoạch đô thị quy định tại khoản 5 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh.

- Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết khu vực đã được cấp giấy phép quy hoạch.

- UBND thành phố, thị xã, thị trấn có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp về quy hoạch chung đô thị trước khi quy hoạch này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm phối hợp với UBND thành phố, thị xã, thị trấn trong việc báo cáo HĐND cùng cấp về quy hoạch chung đô thị của thành phố, thị xã, thị trấn.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quy hoạch đô thị ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Luận văn ThS. Luật (Trang 53)