Sự cần thiết phải điều chỉnh quan hệ quy hoạch đô thị bằng pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật về quy hoạch đô thị ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Luận văn ThS. Luật (Trang 35)

1.3.1. Sự cần thiết phải điều chỉnh quan hệ quy hoạch đô thị bằng pháp luật pháp luật

Đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu việc điều chỉnh quan hệ quy hoạch đô thị bằng pháp luật, chúng ta thấy rằng việc ra đời vấn đề này dựa trên những lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ vai trò và đặc điểm của pháp luật. Pháp luật mang những đặc trưng mà các biện pháp quản lý khác không có được; đó là tính quy phạm, tính bắt buộc chung, tính cưỡng chế và tính thích ứng.

- Tính quy phạm của pháp luật: Những quy tắc đạo đức được sử dụng một cách phổ biến trong quan hệ ứng xử hàng ngày của con người được pháp luật “pháp điển” hóa thành các quy định. Điều này có nghĩa là pháp luật xây dựng những quy tắc ứng xử mẫu thông qua nội dung các quy định để con người căn cứ vào đó tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho ngày càng gần với những hành vi ứng xử mẫu này.

30

- Tính bắt buộc chung: Quy định của pháp luật được xây dựng trên cơ sở các quy tắc đạo đức, quy ước chung được xã hội thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên khác với quy tắc đạo đức, quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung đối với mọi người trong xã hội. Điều này có nghĩa là mọi người phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ, chấp hành pháp luật. Thông qua đó, sự công bằng, bình đẳng được thiết lập giữa những chủ thể, những giai tầng khác nhau trong xã hội. Mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau về quyền và nghĩa vụ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội v.v.

- Tính cưỡng chế: Sự tuân thủ quy tắc đạo đức của con người được thực hiện dựa trên ý thức tự giác và sức cảm hóa, sự giác ngộ, lan tỏa của lẽ phải, của hành vi ứng xử mẫu mực. Khác với quy tắc đạo đức, pháp luật là thiết chế mang tính quyền lực nhà nước. Nó do Nhà nước ban hành và đảm bảo sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Điều này có nghĩa là nếu con người tự giác chấp hành việc tuân thủ pháp luật thì họ sẽ được Nhà nước cho hưởng quyền và lợi ích hợp pháp; đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp này được Nhà nước bảo hộ thông qua các biện pháp pháp lý. Ngược lại, nếu con người không tuân thủ pháp luật thì họ sẽ nhận được những chế tài xử lý của Nhà nước. Những chế tài này là sự cưỡng chế bắt buộc và được đảm bảo bởi yếu tố quyền lực nhà nước. Thuộc tính này làm cho pháp luật có tính nghiêm minh và nhờ đó trật tự xã hội nói chung và trật tự trong quy hoạch đô thị nói riêng được thiết lập và duy trì.

- Tính thích ứng: Pháp luật không hoàn toàn là sản phẩm mang tính chủ quan của con người mà nó còn là “tấm gương” phản chiếu thực tế sinh động cũng như yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Khi hoàn cảnh khách quan của đời sống xã hội thay đổi thì pháp luật cũng phải tự thay đổi theo nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Có như vậy, pháp luật mới phù hợp và có thể đi vào cuộc sống.

31

Do có những đặc trưng cơ bản trên đây mà pháp luật trở thành biện pháp quản lý xã hội có hiệu quả nhất “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không phải bằng đạo lý” (Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI). Vì vậy pháp luật phải được sử dụng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương trong việc tuân thủ quy hoạch.

Thứ hai, thông qua cơ chế điều chỉnh của pháp luật mà trật tự quy hoạch đô thị được xác lập và đi vào nề nếp; theo đó: (i) Đối với những hoạt động quản lý và sử dụng đất đô thị, hoạt động xây dựng v.v tuân thủ quy định về quy hoạch đô thị thì pháp luật bảo vệ, khuyến khích, tạo điều kiện để nó ngày càng phát triển. (ii) Đối với những hoạt động cơi nới, xây dựng công trình v.v không theo đúng quy định về quy hoạch đô thị thì pháp luật ngăn chặn, xử lý và loại bỏ dần ra khỏi đời sống xã hội. Thông qua cơ chế điều chỉnh này, pháp luật xác lập một trật tự tuân thủ quy hoạch đô thị không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khác mà còn đối với cư dân sinh sống tại các đô thị.

Thứ ba, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy ở các nước này, vấn đề quản lý quy hoạch đô thị bằng pháp luật rất được coi trọng. Các quy định về quy hoạch đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và tuân thủ quy hoạch đô thị. Điều này góp phần vào việc xây dựng, phát triển các đô thị khang trang, văn minh, hiện đại song vẫn đảm bảo yếu tố hài hoà, thân thiện với môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Thứ tư, một trong những nguyên nhân của thực trạng xây dựng và phát triển đô thị lộn xộn, tự phát, thiếu đồng bộ ở nước ta thời gian vừa qua đó là việc thiếu các quy định về quy hoạch đô thị. Điều này góp phần làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước về đô thị và thiếu cơ sở pháp lý trong việc xử lý các hành vi vi phạm quy hoạch đô thị.

Những lý do cơ bản trên đây lý giải cho việc cần thiết phải điều chỉnh quan hệ quy hoạch đô thị bằng pháp luật ở nước ta.

32

Một phần của tài liệu Pháp luật về quy hoạch đô thị ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Luận văn ThS. Luật (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)