Kiến nghị hoàn thiện quy định về tổ chức lại, giải thể doanh

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 87)

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005 có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp, nhưng những quy định đó vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu về mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi một cách linh hoạt sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp khác của nhà đầu tư. Do đó, pháp luật về doanh nghiệp cần phải bổ sung những quy định như:

Thứ nhất, những quy định pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp hiện nay cần phải được bổ sung mở rộng đối tượng được quyền hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty. Cho phép các công ty có cùng bản chất (có thể khác loại hình thức tổ chức) có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách. Cụ thể là những quy định về việc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành doanh nghiệp tư nhân và ngược lại, hoặc những quy định chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Những quy định về việc chuyển đổi này phải bao gồm quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chuyển đổi và đăng ký lại doanh nghiệp sau khi chuyển đổi, về chế độ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác.

Thứ hai, pháp luật nên có những quy định cụ thể về việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất trong phạm vi các công ty không cùng loại hình. Có thể coi

82

đây là một đòi hỏi của yêu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thực tiễn hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ một công ty trách nhiệm hữu hạn muốn hợp nhất với một công ty cổ phần, việc thiếu vắng các quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng không có cơ sở để thực hiện việc quản lý, giám sát. Điều này dẫn đến một hệ quả là pháp luật không đáp ứng được nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi việc mở rộng quy mô này lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng cũng như đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thứ ba, Nhà nước nên bổ sung thêm một số quy định đối với pháp luật về tổ chức lại doanh nghiệp hiện nay nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển hoạt động mua bán doanh nghiệp. Trên thực tế, trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có một số văn bản pháp luật về mua bán doanh nghiệp nhà nước như Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ về việc giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước; hay Nghị định số 49/2002/NĐ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/1999/NĐ- CP ngày 10/9/1999. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu như chưa có một quy định rõ ràng, cụ thể nào về việc mua bán doanh nghiệp ngoài quốc doanh tồn tại trong hệ thống các văn bản pháp luật. Trên thực tế, việc mua bán doanh nghiệp được tiến hành trên cở sở pháp lý của chế định mua bán tài sản trong Bộ Luật Dân sự. Song bên cạnh những tài sản hữu hình, doanh nghiệp còn có cả những tài sản như thương hiệu, uy tín, tên thương mại - vốn là những tài sản không được điều chỉnh trong luật dân sự. Trong khi đó, trên thực tế những năm gần đây ở Việt Nam, hoạt động này diễn ra rất sôi nổi, đặc biệt là hoạt động mua bán doanh nghiệp qua mạng internet. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 300.000 doanh nghiệp tư nhân trong hàng trăm lĩnh

83

vực ngành nghề đã được mua và bán. Đây là hoạt động hết sức bình thường ở các nước phát triển, song ở Việt Nam còn khá mới và cần một khung pháp lý để đảm bảo hoạt động này diễn ra theo những quy định phù hợp hơn.

Thứ tư, quy định rõ ràng và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trình tự giải thể được quy định theo các bước: (i) quyết định giải thể; (ii) công bố tình trạng doanh nghiệp đang giải thể; (iii) yêu cầu xóa tên doanh nghiệp. Bổ sung quy định hướng dẫn về hồ sơ giải thể doanh nghiệp; hướng dẫn giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 87)