Nội dung pháp luật về doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 27)

Theo nghĩa rộng, đối tượng điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Còn theo nghĩa hẹp, đối tượng điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp là các quan hệ pháp luật về tổ chức doanh nghiệp, đó là các quan hệ phát sinh trong các giai đoạn: gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp và rút khỏi thị trường.

Những quy định về doanh nghiệp được nêu trong hệ thống văn bản pháp luật về doanh nghiệp. Nội dung của pháp luật về doanh nghiệp chủ yếu là những quy phạm ghi nhận và đảm bảo quyền, đồng thời xác định trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc tổ chức, vận hành doanh nghiệp. Các nhóm quy phạm của pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp bao gồm:

22

Thứ nhất, các quy định về bản chất pháp lý của các loại hình doanh nghiệp. Các quy định này đưa ra những dấu hiệu pháp lý để xác định loại hình doanh nghiệp. Mỗi loại hình doanh nghiệp có những đặc điểm pháp lý nhất định và cần được xác định trong luật pháp. Các nhà đầu tư có quyền lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình, song trong quá trình tổ chức vận hành doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định về bản chất của loại hình doanh nghiệp đã lựa chọn.

Thứ hai, các quy định về thành lập và đăng ký doanh nghiệp. Thành lập doanh nghiệp có ý nghĩa xác lập tư cách pháp lý cho doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, với yêu cầu của nguyên tắc tự do kinh doanh, thành lập doanh nghiệp được coi là quyền cơ bản của nhà đầu tư. Tuy nhiên, sự hiện diện của doanh nghiệp trên thương trường luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến những lợi ích của các chủ thể có liên quan, vì vậy việc thành lập doanh nghiệp phải được thực hiện trên khuôn khổ pháp luật. Chế định thành lập doanh nghiệp thường bao gồm những nội dung cơ bản là đối tượng có quyền thành lập doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, thủ tục đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, các quy định về cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp. Với yêu cầu của nguyên tắc tự do kinh doanh, việc tổ chức và quản trị doanh nghiệp trước hết và chủ yếu thuộc quyền quyết định của chủ sở hữu các doanh nghiệp. Pháp luật chỉ quy định ràng buộc những vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc, xác lập khung pháp lý cho việc tổ chức quản trị doanh nghiệp. Nội dung của chế định tổ chức quản trị doanh nghiệp bao gồm các vấn đề: cơ cấu bộ máy tổ chức quản trị, thẩm quyền và thể thức hoạt động của bộ máy quản trị doanh nghiệp, nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát giao dịch tư lợi.

23

Thứ tư, các quy định về cấu trúc vốn của doanh nghiệp. Vốn là cơ sở vật chất không thể thiếu cho sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp. Vốn của doanh nghiệp được quan niệm là vốn kinh doanh, là giá trị của toàn bộ tài sản được đầu tư vào hoạt động của doanh nghiệp nhằm mục đích sinh lời. Việc xác định cấu trúc vốn của doanh nghiệp phải tuân thủ những ràng buộc của pháp luật ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định về cấu trúc vốn của doanh nghiệp bao gồm hai nội dung cơ bản là cơ sở hình thành, mối quan hệ giữa vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng và cơ chế điều chỉnh, huy động vốn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Thứ năm, các quy định về tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Tổ chức lại doanh nghiệp là một nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư, nó có thể xuất hiện trong quá trình tự nhiên của doanh nghiệp. Nội dung của việc tổ chức lại doanh nghiệp chính là sự biến đổi của doanh nghiệp cho phù hợp với môi trường và điều kiện kinh doanh cụ thể, nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn. Các biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp về cơ bản bao gồm: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp và chuyển đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp. Biện pháp tổ chức lại doanh nghiệp cho từng loại hình doanh nghiệp khác nhau thì khác nhau. Giải thể doanh nghiệp là một trong những thủ tục pháp lý dẫn đến chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp. Các quy định pháp luật về giải thể doanh nghiệp bao gồm hai nội dung cơ bản là các trường hợp giải thể và thủ tục giải thể. Về nguyên tắc, việc quyết định giải thể doanh nghiệp thuộc quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không còn thỏa mãn các điều kiện tồn tại theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh vi phạm pháp luật thì doanh nghiệp sẽ bị bắt buộc phải giải thể.

Như vậy, phụ thuộc vào các loại hình doanh nghiệp, hệ thống pháp luật về doanh nghiệp được cấu trúc với những chế định phù hợp với các đặc điểm pháp lý của từng loại doanh nghiệp.

24

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)