Các quy định về tổ chức lại doanh nghiệp trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp đã tạo ra những cơ hội mới cho các nhà đầu tư có thể thay đổi được hình thức tổ chức doanh nghiệp mà họ đang làm chủ sở hữu một cách chủ động và linh hoạt. Các nhà đầu tư sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và tranh thủ được các cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề này được quy định độc lập trong các đạo luật về doanh nghiệp trước đây vừa không đảm bảo được thống nhất về mặt hình thức, vừa có sự mâu thuẫn chồng chéo, phân biệt đối xử về mặt nội dung khi đề cập đến vấn đề tổ chức lại của các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Sự không thống nhất ấy biểu hiện trên các khía cạnh như: hình thức tổ chức lại, điều kiện tổ chức lại của doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định tổ chức lại doanh nghiệp, thủ tục tổ chức lại doanh nghiệp. Cụ thể là:
- Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 quy định các hình thức tổ chức lại công ty nhà nước mà không làm thay đổi sở hữu của công ty bao gồm: sáp nhập vào công ty nhà nước khác; hợp nhất các công ty nhà nước; chia công ty nhà nước; tách công ty nhà nước; chuyển công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên; chuyển tổng công ty do nhà nước quyết định đầu tư và thành lập thành tổng công ty do các công ty tự đầu tư
56
thành lập; khoán, cho thuê công ty nhà nước và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (sửa đổi bổ sung năm
2000) và các nghị định hướng dẫn thi hành quy định về vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tiến hành theo các hình thức: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức đầu tư.
- Luật Doanh nghiệp năm 1999 quy định về vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm các hình thức: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định việc tổ chức lại doanh nghiệp được áp dụng thống nhất cho tất cả các loại hình doanh nghiệp không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế như sau:
Thứ nhất, về hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, quy định các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp bao gồm: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, chuyển đổi công ty cổ phần và chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn. Về nguyên tắc, việc quyết định doanh nghiệp được tổ chức lại dưới hình thức nào nằm trong phạm vi quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Thứ hai, về điều kiện sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp, trên cơ sở kế thừa Luật Doanh nghiệp năm 1999 cũng như để phù hợp với tinh thần của Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định trường hợp hợp nhất và sáp nhập mà theo đó công ty hợp nhất, sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập, trừ trường hợp pháp luật cạnh tranh có quy định khác. Quy định này nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kiểm soát được nguy cơ
57
lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và bảo đảm cho một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục để chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, bằng cách xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Tương tự như chế định về tổ chức lại doanh nghiệp, chế định về giải thể doanh nghiệp trước đây cũng được quy định tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp. Do vậy, pháp luật về giải thể doanh nghiệp đã không thống nhất về lý do giải thể, điều kiện giải thể cũng như trình tự giải thể cho các doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã thống nhất những quy định về giải thể theo những hướng sau:
Một là, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, doanh nghiệp bị giải thể trong những trường hợp giống như những trường hợp đã quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 1999, cụ thể là:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ mà không có quyết định gia hạn.
- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của hội đồng thành viên, chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của luật này trong thời hạn sáu tháng liên tục.
- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hai là, điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận giải thể là doanh nghiệp phải đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Đây là tiêu chí cơ bản để phân biệt giữa chế định giải thể và phá sản doanh nghiệp, vốn trước kia chưa được pháp luật quy định cụ thể.
58
Ba là, về thủ tục giải thể, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có một số quy định mới như sau:
- Quy định về thứ tự thanh toán các khoản nợ khi tiến hành giải thể doanh nghiệp: Đầu tiên là các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; Sau đó là nợ thuế và các khoản nợ khác. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty.
- Quy định về công khai hoá việc giải thể: Theo Luật Doanh nghiệp năm 1999, quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng báo địa phương hoặc báo hằng ngày trung ương ba số liên tiếp. Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định không phải trong mọi trường hợp giải thể doanh nghiệp đều phải đăng báo mà chỉ những trường hợp pháp luật yêu cầu phải đăng báo ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp. Có thể nói, đây là quy định mới thể hiện sự thay đổi trong tư duy quản lý của cơ quan Nhà nước, góp phần cải cách thủ tục hành chính đồng thời góp phần giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết phải thực hiện nghĩa vụ trên.
- Quy định về vấn đề thành lập tổ thanh lý tài sản: Theo Luật Doanh nghiệp năm 1999, việc lập tổ thanh lý tài sản là thủ tục bắt buộc khi tiến hành giải thể doanh nghiệp và là một nội dung chính trong quyết định giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế có những doanh nghiệp khi tiến hành giải thể không nhất thiết phải thành lập tổ thanh lý tài sản. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thời gian tiến hành giải thể doanh nghiệp bị kéo dài, làm tăng chi phí không cần thiết. Để góp phần giải quyết tình trạng này, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định chủ doanh nghiệp tư nhân, hội đồng thành
59
viên hoặc chủ sở hữu công ty, hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác.
- Quy định về vấn đề doanh nghiệp bị buộc phải giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã có những quy định mới phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Theo đó, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn sáu tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Quy định này đã khắc phục tình trạng doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng lại không chịu tiến hành giải thể doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của Nhà nước, chủ nợ và người lao động.
- Quy định các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể: Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp sẽ bị cấm thực hiện một số hoạt động quy định trong Điều 159 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Quy định đó nhằm mục đích bảo toàn tài sản của doanh nghiệp đang tiến hành thủ tục giải thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có liên quan.
Những quy định trên đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất pháp luật về thủ tục giải thể doanh nghiệp. Dù là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước, khi đã thành lập, tổ chức theo các hình thức quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì đều phải tuân thủ một trình tự giống nhau khi tiến hành thủ tục giải thể.
60
Dù có những điểm tiến bộ nêu trên, quy định về tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 vẫn tồn tại có một số hạn chế sau đây:
- Chỉ mới quy định chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần hoặc ngược lại và chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà chưa có những quy định cho việc chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành doanh nghiệp tư nhân và ngược lại hoặc chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đồng thời, quy định việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất chỉ có thể tiến hành trong phạm vi những công ty cùng loại đã chứng tỏ là không còn phù hợp với thực tế, gây hạn chế, cản trở cho các nhà đầu tư khi thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh theo cách thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp và khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết yêu cầu chuyển đổi doanh nghiệp trong những trường hợp kể trên. Trên thực tế, do nhu cầu mở rộng thị phần, rất nhiều doanh nghiệp muốn hợp nhất hoặc sáp nhập lại với nhau nhưng không phải lúc nào những doanh nghiệp đó cũng là cùng loại. Do đó, nhu cầu về một nền tảng pháp lý ổn định và hiệu quả cho hoạt động này là nhu cầu chính đáng và cấp thiết của thực tiễn thi hành Luật Doanh nghiệp.
- Luật Doanh nghiệp năm 2005 mới chỉ quy định chung về hồ sơ, thủ tục khi đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất và sáp nhập; chưa xác định rõ các phương thức sáp nhập, hợp nhất; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đăng ký doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập như thay đổi về vốn điều lệ hay thay đổi thành viên, cổ đông... Bất cập này đã dẫn đến lúng túng và khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục liên quan.
61
- Các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 về giải thể chỉ phù hợp đối với trường hợp giải thể tự nguyện mà khó áp dụng trong trường hợp giải thể bắt buộc do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc theo quyết định của tòa án; chưa quy định cách thức xử lý doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và không làm thủ tục giải thể.