Pháp luật của Việt Nam đã có những thay đổi để thống nhất quy định về các loại hình doanh nghiệp nhưng trên thực tế vẫn có những mâu thuẫn trong chính những quy phạm của pháp luật về doanh nghiệp nói riêng cũng như giữa những quy phạm đó với những quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung. Vì thế, pháp luật về loại hình doanh nghiệp nên được sửa đổi theo hướng sau:
Thứ nhất, pháp luật cần sửa đổi những quy định về công ty hợp danh để thống nhất với quy định của Luật dân sự năm 2005. Theo Khoản 2 Điều 130 Luật Doanh nghiệp năm 2005, pháp luật đã công nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh: “Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Theo đó, công ty hợp danh sẽ được nhận diện bởi những đặc điểm của một pháp nhân là “có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó” (Khoản 3
73
điều 84 Luật Dân sự năm 2005). Tuy nhiên, quy định về bản chất của pháp nhân lại mâu thuẫn với quy định về nghĩa vụ chịu trách nhiệm của thành viên hợp danh: “thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty” (Điểm b Khoản 1 Điều 130 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Như vậy, đối với những nghĩa vụ về tài chính của công ty, nếu áp dụng Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm, còn nếu áp dụng theo quy định Luật Dân sự năm 2005 thì chính công ty hợp danh, với tư cách là một pháp nhân, mới là chủ thể phải chịu trách nhiệm về những nghĩa vụ của mình. Vì vậy, pháp luật nên có những sửa đổi về chế độ chịu trách nhiệm của thành viên hợp danh theo hướng tách bạch tài sản của công ty hợp danh và tài sản của thành viên hợp danh để phù hợp với bản chất pháp nhân của công ty. Theo đó, thành viên hợp danh sẽ chỉ chịu trách nhiệm trong tài sản mình góp vào công ty.
Thứ hai, pháp luật nên thống nhất điều chỉnh việc tổ chức, hoạt động của hình thức hợp tác xã bằng những quy định đang áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, hợp tác xã vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật Hợp tác xã, điều này xuất phát từ quan điểm coi hợp tác xã là chủ thể có những đặc điểm rất riêng: cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể góp sức để trở thành thành viên và hơn nữa, thành viên của hợp tác xã còn rất chú trọng đến việc giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống vật chất cũng như tinh thần - điều mà hầu như không được quan tâm ở các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định như vậy vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Bởi lẽ, trước hết, cũng như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã vẫn phải hoạt động kinh doanh như một chủ thể kinh doanh và phải cạnh tranh với các chủ thể khác để tìm kiếm lợi nhuận. Nếu pháp luật dành quá nhiều ưu đãi cho loại hình tổ chức này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng đối với các hình thức doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp.
74
Hơn nữa, việc pháp luật điều chỉnh loại hình hợp tác xã bằng những quy định riêng còn gây ra những khó khăn nhất định về việc thành lập cũng như quản lý Nhà nước đối với mô hình này. Cụ thể là khi muốn thành lập hợp tác xã, thay vì chỉ đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, các sáng lập viên hợp tác xã trước hết phải lập báo cáo bằng văn bản với uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi định đặt trụ sở chính của hợp tác xã về việc thành lập, địa điểm đóng trụ sở, phương hướng sản xuất, kinh doanh, kế hoạch hoạt động của hợp tác xã sau đó mới đăng ký kinh doanh (Khoản 2 Điều 10 Luật Hợp tác xã). Ngoài ra, trong Luật Hợp tác xã cũng không có quy định về nghĩa vụ định kỳ báo cáo các thông tin, tình hình tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền như ở Luật Doanh nghiệp năm 2005 mà chỉ quy định chung về vấn đề quản lý nhà nước với các hợp tác xã: “Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật của hợp tác xã theo quy định của pháp luật” (Điểm đ Khoản 1 Điều 46 Luật Hợp tác xã). Những quy định này giống như quy định đối với các doanh nghiệp nhà nước trước đây, quá chú trọng khâu thành lập mà không có cơ chế giám sát hoạt động có hiệu quả. Do đó, nếu pháp luật đã áp dụng quy định thống nhất về các loại hình doanh nghiệp để điều chỉnh cho doanh nghiệp nhà nước - vốn là một loại hình thức tổ chức giống như các hợp tác xã, luôn được Nhà nước khuyến khích nhân rộng trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì tất yếu cũng nên thống nhất điều chỉnh cho hợp tác xã được tổ chức và hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. Điều này sẽ không làm mất đi đặc thù của hợp tác xã bởi lẽ trên thực tế, các loại hình doanh nghiệp khi được quy định thống nhất vẫn giữ được nét đặc trưng làm thế mạnh của mình, tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu và sự lựa chọn của các nhà đầu tư.
75