7. Cấu trúc khóa luận
2.1.2. Người Châu thổ
Châu thổ là mảnh đất lành, trên đất ấy con người làm ăn sinh sống, kiến tạo và gìn giữ bao giá trị văn hóa tốt lành. Người Châu thổ, cư dân Châu thổ - họ là ai? Là những người nông dân, người đàn ông, đàn bà, cả những người thân thích ruột thịt…- những mảnh đời, những thân phận khác nhau của kiếp người cứ thế hiện ra.
Nguyễn Quang Thiều dành sự quan tâm đặc biệt cho những người phụ nữ nông thôn. Đó là điều dễ hiểu khi văn hóa Việt Nam từ thưở khởi nguyên là một hệ hình văn hóa thiên về tính nữ. Hình ảnh người đàn bà xuất hiện với tần số khá cao trong thơ ông và trở thành nỗi ám ảnh trong kí ức nhà thơ. Nguyễn Quang Thiều không chọn cho mình một ảnh tượng có tính cố định để tôn thờ, người phụ nữ trong thơ vừa cụ thể (người mẹ, người bà nội của tác giả) vừa mang tính khái quát (những người đàn bà gánh nước sông, những người đàn bà vác dậm…). Họ không có lai lịch nhưng đầy đủ tính cách, số phận.
Chúng ta không hình dung được bất cứ một gương mặt nào trong số rất nhiều gương mặt mà ông đã vẽ mà chỉ mường tượng thông qua dáng dấp. Tảo tần, lam lũ, vất vả, nhếch nhác tựa như một khuôn mẫu bất biến tồn tại muôn đời và còn tiếp tục khai sinh bao thế hệ phụ nữ ở nông thôn. Cuộc sống cũng cứ nối nhau như thế ở một miền sông Đáy như một bản trường ca bất tận về thế phận những người phụ nữ đại diện cho làng. Họ khổ cực ngay từ vóc dáng bẩm sinh: “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái”. Đàn bà Việt khi tận cùng của tần tảo, vất vả thì ở đâu trông cũng giống hệt nhau. Họ nhẫn nại chịu đựng và gánh hết tất cả những nhọc nhằn: “…Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/ Những người đàn bà xuống gánh nước sông/ Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt/ Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi/ Bàn tay kia bấu vào mây trắng…”( Những người đàn bà gánh nước sông). Họ hứng chịu tất cả những thiệt thòi với một sự thầm lặng đáng trân trọng mà cũng thật tội nghiệp:“Những người đàn bà già của làng đồng phục màu nâu/ Những trụ cầu mảnh mai suốt đời bền vững”. Cũng như những chiếc trụ cầu đứng chân trong dòng nước xiết để gánh sức nặng ngàn cân, người phụ nữ dù đứng trong dòng xoáy cuộc đời, tấm thân mảnh mai bị đè nặng bởi hàng ngàn nỗi nhọc nhằn, lam lũ nhưng vẫn nhẫn nại và cam chịu, không một lời than oán.
Hạnh phúc chỉ có duy nhất một khuôn mặt nhưng đau khổ và bất hạnh thì lại có muôn nghìn khuôn mặt khác nhau. Ở một góc khác, những người đàn bà vùng sông Đáy lại hiện ra với những nét khắc lạ lùng, ấn tượng khi những thiệt thòi không nằm ở sự vất vả, cực nhọc về thể xác nữa mà ở những bi kịch tinh thần: “Những người đàn bà góa bụa làng tôi từ sau cỏ trở về. Họ đi trên những con đường phơi đầy rơm rạ tháng mười”. Là vợ của những liệt sĩ, sự góa bụa của họ được cả xã hội hàm ơn. Nhưng ở bình diện bản thể, họ vẫn là những con người với biết bao khát vọng. Họ đã phải chịu thiệt thòi, không còn mơ ước đến những điều lãng mạn và đẹp đẽ trong cuộc sống nữa.
Những khao khát rất đời thường trong con người họ cũng tàn lụi và dần “trở nên nghễnh ngãng”. Họ chỉ còn sống với nỗi cô độc, sự lo âu và ám ảnh về cái chết đang từng đêm vọng đến từ cỗ áo quan đóng sẵn cho mình: “…Chỉ tiếng chuột nhắc cắn thóc trong những chiếc cỗ áo quan gỗ Gạo đóng sẵn làm họ thức giấc. Và họ nằm lo âu trongtiếng mọt cắn gỗ vọng ra từ cỗ áo quan…” ( Những ví dụ). Ở tột cùng của những nỗi bất hạnh, họ còn tự đánh lừa mình bằng những ảo giác của hạnh phúc: “Chị ngồi gỡ sợi len dài ram ráp/ Vợi một bên đau xót áo không người/ Cho một bên đầy lên những sợi len lặng lẽ/ Cứ bồng bềnh âm ấm một niềm vui…” (Những người hàng xóm góa chồng đan áo). Chiếc áo len chị đan giờ đã không còn ai ướm thử, chồng chị đã yên nghỉ ở một miền đất lạnh xa xăm. Dẫu biết thế nhưng để khỏa lấp nỗi đau, chị cứ tháo ra rồi đan lại, mong tìm được những cảm giác ấm áp như lần đầu ngồi đan. Nhưng chính trong nỗi vất vả, thiệt thòi ấy, những người phụ nữ vẫn cố gắng sống, vượt qua bao nhiêu điều nghiệt ngã để giữ được niềm vui, niềm hạnh phúc theo cách riêng của mình: “…Người đàn bà câm mang thai bỗng đẹp lên như một thiên thần, lặng lẽ bước đi/ Hai bàn tay đặt dịu dàng lên cơn đau, và mỉm cười lướt hàm răng sáng/ Người đàn bà câm đi qua những ngôn từ nguyền rủa/ Câm lặng xòe hai bàn tay phủ che lên mênh mông của nỗi đau chờ đợi…” (Bài ca những con chim đêm). Họ vẫn khát khao được hồi sinh: “…Người hàng xóm góa chồng/ Trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình…” (Hồi tưởng tháng giêng). Nguyễn Quang Thiều ước được giải thoát cho họ - đây cũng chính là bức thông điệp đầy trăn trở mà ông muốn cả xã hội tiến bộ phải lưu tâm.
Hình ảnh những người đàn ông cũng xuất hiện, dù không nhiều. Họ để lại cảm giác về những con người đầy dằn vặt, uẩn ức và có nhiều nét hung dữ khó lường. Những người đàn ông ấy trước hết là người cha trong những gia đình. Nếu người mẹ là nguồn sống, sự chở che và yêu thương vô điều kiện thì người cha ngược lại. Đứa trẻ lớn lên có cả nguyên tắc cha và tình thương mẹ
sẽ tạo nên thế quân bình trong đời sống tâm lí, điều hòa cảm xúc, lí tính. Nếu sức ảnh hưởng của người cha không đủ lớn thì đứa trẻ ấy có xu hướng gắn bó chặt chẽ và lâu dài hơn với mẹ. Và hệ quả tất yếu là chúng ngày càng xa lạ, phản kháng quyết liệt lại với người cha. Trong thơ Thiều, hình ảnh người cha hiện lên khá mờ nhạt, ấn tượng có phần cay đắng với tiếng cười gằn, đau buồn, nhức nhối:“…Cha đã mang tuổi hai mươi lên đò không ngoảnh lại/ Bao năm sau cha trở về trắng tóc/ Đêm đêm ngồi hút thuốc lào/ Tiếng điếu rít lên muốn khoan thủng nỗi buồn/ Khoan vào phận con buốt nhức…” (Tiếng cười). Cha là nỗi bất an, đau đớn của tuổi thơ một thời: “…Điếu thuốc cháy từ năm ta mười bốn/ Chiếc roi cha ta quất nát sợ khói mềm/ “Trong kí ức ta có một ngày oán hận/ Hốc mắt ta khô dù chỉ khóc một lần”. Người đàn ông trong vai trò trụ cột gia đình nhưng trước gánh nặng áo cơm, họ cũng hơn một lần quẫn cùng, bế tắc: “…Những người đàn ông mang cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ/ Những con cá thiêng quay mặt khóc/ Những chiếc phao ngô chết nổi/ Những người đàn ông giận dữ, buồn bã và bỏ đi” (Những người đàn bà gánh nước sông).
Vùng quê ấy cũng là nơi những người ruột thịt của Nguyễn Quang Thiều tự bao đời nối tiếp sinh ra. Ông dành tình cảm đặc biệt cho người bà nội của mình - người bà nội như bước ra từ trong cổ tích: nhân từ, hiền hậu nhưng huyền ảo với mái tóc thật dài và giọng nói như từ một thế giới khác vọng về. Trong căn phòng có mái gác bằng tre, cạnh giường có cửa sổ thông qua vườn nhà hàng xóm, cậu bé Nguyễn Quang Thiều trở thành một học trò nhỏ bé. Những câu chuyện được kể bằng trí nhớ người già, mang âm vang đặc biệt của một người khát khao sống trong trạng thái cơ thể bị bại liệt, cách ly hoàn toàn với những hoạt động ngoài đời. Trong không gian có mùi cao con hổ, mùi trầu, khung cảnh làng quê và những người thân quen đã hiện lên. Khi nằm bất động trên giường, người bà mất đi toàn bộ cảm giác về thể xác mình, nhiều lúc không tin mình hiển thị trước mọi người và hoảng sự trước
suy nghĩ mình đã trở thành người vô hình. Người bà còn sợ hãi khi nghĩ
“toàn bộ nhà cửa, đường xá, cánh đồng, dòng sông, trâu bò và những người thân quen - những thứ mà trước đó ngày ngày bà tôi tiếp xúc, trò chuyện và chứng kiến đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn”. Giọng nói của người bà cất lên khi đó không với ý thức để lưu giữ những điều kia mà là sự kêu cứu đầy tuyệt vọng. Vậy nhưng, đối với người cháu: “Qua chính giọng nói ấy của bà tôi, tôi đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của tôi. Một đời sống mà chắng bao giờ mất đi như ta tưởng. Một đời sống làm chúng ta hình dung đầy đủ hơn về vũ trụ”. Giọng kể của người bà lại là cầu nối, trở lại, phục sinh đời sống trong quá khứ: “Khi còn nhỏ, đời sống khác ấy ám ảnh tôi và đôi lúc nó làm tôi sợ hãi…” bởi những câu chuyện thật kinh dị về “con lợn nái và những con lợn con bị chính lợn mẹ ăn thịt sau khi đẻ ra, về bệnh phù thũng của người chị họ gần 80 tuổi dùng da cóc dán vào những chỗ rỉ nước vàng với hi vọng khỏi bệnh, về những con cá trê trắng bệch trong một ngôi mộ ngập nước ven bờ đầm,…”. Nhưng sau sự sợ hãi ấy, người cháu lại khát khao được nhìn thấy, được ở giữa đời sống ấy. Như vậy, người bà đã tác động và làm nảy sinh trong trí óc non tơ của Nguyễn Quang Thiều cả một thế giới của trí tưởng tượng. Và sau này, những kí ức vang lên đẫm màu huyền thoại ấy lại một lần nữa dội vào trong thơ người cháu nội của bà những giấc mộng lớn về nghệ thuật và cuộc đời.
Ngoài bà nội, như một lẽ tất nhiên, Nguyễn Quang Thiều cũng viết về những người thân yêu ruột thịt - những người là điểm tựa, là nơi chốn ông mong tìm về khi phải sống trong một thế giới xô bồ, ngột ngạt:“Trước trái đất đang nóng lên từng độ/ Và trái tim con người cứ lạnh dần đi/ Thì tôi phải cần em cần bạn bè cây lá/ Cần có một quê hương để được trở về mình”.
Kí ức về cha thoắt hiện lên qua lời thú nhận của đứa con trong rưng rưng cảm động. Tình cảm của ông dành cho người cha là sự dằn vặt của một đứa con khi đam mê thơ phú mà chưa làm tròn chữ hiếu với đấng sinh
thành:“Con từng ba dại bảy điên/ Chén trà con rót tràn miền đắng cay/ Phận con nhàu trọn lòng tay/ Một câu thơ bạc một ngày vô ơn…Thưa cha con đã dâng trà/ Sao cha im lặng như là bóng mây/ Để hồn trà khuất đâu đây/ Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con” (Dâng trà). Có cả chút gì đó nghẹn ngào, không khỏi đớn đau trước bóng dáng cha già: “Cha ơi cha/ Bốn anh em con không phải là đích cuối cùng của đời cha/ Chỉ là bốn cột số trong nỗi buồn cha dằng dặc/ Bởi thế cha lại mang tuổi bảy mươi của mình về bến cũ/ Cha lại bước lên đò/ Con đò chao đảo/ Có phải chân cha già yếu” (Tiếng cười).
Rồi kí ức về mẹ - người dứt ruột sinh ra ông cũng thấm đẫm nhọc nhằn:“Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm”, là ở đâu đó, cuối một bến mòn mẹ đứng đợi cha:“Mẹ con đứng vùi chân trong cát/ Nước mắt buồn bay ướt một triền sông”.