7. Cấu trúc khóa luận
3.2.2. Ngôn ngữ mang tính siêu thực lạ hóa
Thơ Thiều tựa những cơn mộng du miên man của trí tưởng tượng. Miêu tả các trạng thái khác nhau của đời sống trong dòng suy tưởng và những giấc mơ bất tận là một kiếm tìm mang tính hiện đại của Nguyễn Quang Thiều.
Hiện thực được tái hiện dường như là những giấc mơ của một người ở vào thời điểm mệt mỏi và kiệt sức cộng với năng lực tưởng tượng vô cùng hoang dại về cái hiện thực tinh thần đang chuyển động không ngừng trong chốn huyền vi của vũ trụ là sở trường hàng đầu của Nguyễn Quang Thiều. Để tái hiện thế giới siêu nhiên ấy, chỉ có thể tìm đến thứ ngôn ngữ vừa siêu thực vừa lạ hóa để mọi thông điệp được tỏ bày.
Trí tưởng tượng ấy tỏ ra nhạy bén và phong phú nhất khi phiêu lưu trong cái kì dị, kinh dị kiểu siêu thực: “Sông gục mặt vào bờ đất lần đi”, “Những ngọn bí đen không lá bò kín vầng trán hói của cơn mê”; “màu đen trong màu trắng kia lục cục tiếng quan tài”. Nguyễn Quang Thiều phải chăng đang tiếp nối chất siêu thực ở Đau thương của Hàn Mặc Tử, ở Về Kinh Bắc
của Hoàng Cầm khi dựng lên một thế giới thương tật hóa những sự vật hết sức quen thuộc: những tòa nhà cao tầng tự chặt xương sống mình, tiếng sằng sặc con tàu mê chết đuối ở biển xa, cầu thang gỗ đến giờ đau răng rên rỉ, chiếc kim giây vừa chém một đường làm đứt buổi chiều này và một giọt máu từ từ đầy tròn như một nụ hoa sắp nở.
Ngôn ngữ lạ hóa, siêu thực vang lên trong những giấc mơ đã đưa đến hàng loạt thi ảnh lạ lẫm. Không hiếm lần trong mơ, thi sĩ thấy mình trong hình hài của cá, mơ giấc mơ của cá và nói giọng nói của cá:“Hai cánh tay tôi – hai vây rách tướp/ Dìu nỗi sợ chửa hoang đi tìm ổ đất buồn” (Dưới trăng và một bậc cửa);“Ta thức giấc khi mặt trời chạm vào mặt biển/ Và ngoi lên mặt nước/ Vây tóc ta bạc trắng/ Ta cất tiếng gọi bến bờ của ta bằng tiếng gọi của cá/ Trong hoàng hôn nước màu huyết dụ” (Xô-nát hoàng hôn biển), hiểu được tiếng nói của sinh vật này: “Tiếng rì rầm của nước đi về chân trời/ Những con cá mê mệt ngủ quên một mùa nước đi qua giờ thức dậy/…Tôi nghe thấy tiếng thì thầm của con cá cái nói với con cá đực:“Nước đã cuốn những tấm lưới vùi tận đáy bùn/ Và ngày của chúng ta đã đến” (Nhân chứng
của một cái chết). Hóa thân vào vật khác, Nguyễn Quang Thiều đã nghe sự chuyển động của thế giới bằng cái nhìn âm bản, ngược sáng.
Hay sự mất ngủ của lửa cũng vậy. Ngọn lửa đời thường thì không thể mất ngủ được rồi, chỉ nấu cơm được thôi. Nhưng Nguyễn Quang Thiều hẳn đã phải rất lao tâm khổ tứ để nghĩ ra một hình ảnh lung linh và có sức gợi như thế. Nói một cách tượng trưng và gợi mở như vậy thôi nhưng trong tâm hồn ta lại hiện lên những liên tưởng nhiều chiều. Ngọn lửa phải chăng chính là ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của lương tri, sự mất ngủ chính là sự thao thức trăn trở về toàn bộ đời sống con người. Và thật thú vị, nếu ta đã đọc và đồng cảm được với thơ ông, ta sẽ nhận ra Sự mất ngủ của lửa chính là tuyên ngôn về thứ thơ mà Nguyễn Quang Thiều đang theo đuổi.
Thơ Nguyễn Quang Thiều có vô số những hình ảnh mang tính chất kì dị huyền hồ. Não trạng của nhà thơ hẳn còn ám ảnh bao điều bí ẩn kì dị của làng quê Việt ngay từ khi còn nhỏ, trong những câu chuyện của bà về con lợn nái ăn thịt con, về những con trê trắng bệch kiếm ăn quanh ngôi mộ ngập nước hay thứ bệnh tật hiểm nghèo của người cô trẻ tuổi. Đem tâm thức ấy phóng chiếu vào thế giới này, những hình ảnh phi thực, huyền ảo ùa vào trong thơ: “Cơn lốc quạt trần từ từ chết/ Xòe ba xương sắt đen xì” (Bầy kiến qua bàn tiệc); “Trên mặt bàn viết của chúng ta/ Lưỡi dao rọc giấy lóe sáng như hàm răng một người lạ đang cười” (Mười một khúc cảm); “Và trên đỉnh bóng ngôi nhà đã mất/ Một đôi mắt mèo bất động nhìn tôi” (Nhân chứng của một cái chết - Khúc tám).
Khi ngôn từ lạ hóa, ý nghĩa văn bản trở nên đa nghĩa bởi tất cả được hiểu chệch khỏi quỹ đạo thông thường. Thơ ông vừa thách thức vừa cuốn hút độc giả bởi nó hình thành thói quen đọc mới cho những người ưa thích tìm tòi : thói quen đồng sáng tạo cùng tác giả. Từ đó, giúp người đọc hiểu hơn nỗi day dứt về thẩm mĩ, trí tuệ, kiếp sống… của tác giả thường trực khôn nguôi qua mỗi bài thơ. Ví dụ như hình ảnh Người Nông Dân Già trong Nhịp điệu
châu thổ mới, xuất hiện ở đầu chương I tự tin, điềm đạm, bình tĩnh đặt tên cho từng hành lí của mình rồi khép cửa ra đi. Câu chuyện ngỡ đến đây là kết thúc nhưng cuối chương VII, ông trở lại trong hình hài cậu bé và mỉm cười. Trật tự biểu hiện từ Người Nông Dân già đến Cậu Bé là trật tự biểu hiện khoảng thời gian đời người của tác phẩm, giúp người đọc hiểu rõ hơn về triết lý sinh tử diệt của con người.