7. Cấu trúc khóa luận
3.1.2. Bóng tối Ánh sáng
Nguyễn Quang Thiều là một trong số ít những nhà thơ đương đại chú tâm trình hiện những chuyển động, những chuyển hóa bên trong. Trong thơ ông, mọi triết lý, chiêm nghiệm phải được toát ra từ những chuyển dịch không ngừng của đời sống, tư tưởng cả ở phía khách thể và bản thể, ngay trong cả những mâu thuẫn và thống nhất. Bóng tối - ánh sáng là một biểu tượng sinh động, tiêu biểu cho những chuyển dịch đầy chiêm nghiệm ấy.
3.1.2.1. Bóng tối
Ấn tượng đầu tiên sau khi đọc tập thơ là “bóng tối”. “Bóng tối” tràn lan, vây phủ. Gam trầm kéo theo nó là giọng điệu buồn, lắng đọng, cô đơn. Chủ âm “bóng tối” và các đồng vị “đêm”, “tối”, “trăng”, “đen”… là “tiêu điểm” nổi trội trong thơ Châu thổ, đã tạo thành một thế giới thơ “thẫm màu”. Ngay tên một số bài trong tập đã sẵn “thẫm màu”: Đêm gần sáng; Bữa tối;
Chuyển dịch màu đen; Đoản ca về buổi tối; Chúng ta có quyền ăn bữa tối;
Tuyết lúc nửa đêm; Bóng tối; Bài ca những con chim đêm; Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ;… nhưng bài cuối cùng lại có tên là Cây Ánh sáng.
Đêm là không gian của thi giới Thiều. Đào Duy Hiệp cất công tính đến một cấu trúc bóng tối trong thơ Thiều (ở Châu thổ), qua so sánh với ánh sáng thì bóng tối xuất hiện 165 lần, ánh sáng xuất hiện 70 lần. Như vậy nhìn chung
hay nhìn riêng, thơ Thiều bóng tối vẫn tràn đầy. Có 2 con đường để dẫn thơ Thiều vào bóng tối: một là nhờ bóng tối mà lửa (ánh sáng) hiện hữu, hai là tối vốn là khoảng không gian âm u bao trùm vây phủ sẵn mà ta không thể xuyên qua. Chức năng của “bóng tối” ở đây vì vậy mang tính chất đối lập với “ánh sáng”, đồng thời vươn tới ánh sáng: “Đường bay của ánh sáng vang tiếng vỗ cánh bóng tối” là sứ mệnh của nhà thơ. Các hình thức “vỗ cánh bóng tối” hay sự “chuyển động” của bầy sên trong “đêm trăng” đều như hướng tới ý thức về một thực tại khác.
Sự tranh chấp giữa “dương” (ánh sáng) và “âm” (bóng tối) không ngang sức, “ánh sáng” bị lép vế càng cho ta nhận rõ hơn chủ âm “bóng tối”. Và nó càng chủ âm hơn khi chính “ánh sáng” cũng bị “chuyển hoá” vào “bóng tối” (ánh sáng đèn, sáng trăng,…). Từ đây, “bút pháp về bóng tối”, tạm gọi thế, của Nguyễn Quang Thiều chìm trong nội tâm của những đối thoại, thức tỉnh và giác ngộ của chủ thể trữ tình. Chính ý thức về sự “đắm chìm” đó, từ lí thuyết phê bình ý thức, hợp tác với ý thức tác giả, tôi nghĩ, đó là hành động trăn trở của nhà thơ để đi tìm “ánh sáng” đích thực cho thơ và cái đẹp, trong đó, hẳn nhiên, con người là trung tâm.
Ở giai đoạn đầu, chẳng hạn, trong Những con thuyền sông Đáy, không có hình vị “bóng tối” và “ánh sáng”. Nhưng “Chiều nay con ngồi ho bên cửa / Bao sợi mưa đứt hết cuối trời” thì “chiều” cũng đã là thời gian đang chuyển dần sang “tối” rồi, ẩn dụ cho nhiều điều đã muộn mằn, đứt gãy, tiếc nuối. Song ở giai đoạn đầu này, “bóng tối” chưa “trầm trọng”, gay gắt lắm, vẫn còn trung tính. Dù đã gượng lại, nhưng trong Cây Ánh sáng, “bóng tối” vẫn 42 lần xuất hiện, gấp rưỡi “ánh sáng” (28 lần) càng khẳng định hơn cái chủ âm trầm, buồn và khó hiểu nói chung trong thơ Châu thổ.
3.1.2.2. Ánh sáng
Ánh sáng trong thơ Thiều hiện lên ở nhiều dạng thức khác nhau. Ánh sáng bình dị nhất là từ ngọn lửa nhỏ bé, le lói một góc bếp nào đó của làng.
Lửa cũng hiện hữu trực tiếp trong lửa, ngọn lửa, mặt trời, đám cháy, bén lửa, đống lửa, tro ấm, tia sáng, lóe sáng, ánh sáng,…. Lửa hiện hữu xa xôi, gián tiếp trong ngọn khói, đất ấm, lóe sáng lưỡi cày, lóe ánh sáng thủy thần thắm đỏ…. Lửa sinh ra không phải để cháy ào ạt, cuồng nhiệt trong dương cực. Lửa Thiều cháy âm thầm như lửa nến, bị bóng tối bủa vây nhưng kiên trinh sáng. Sáng và ấm, bền bỉ và dai dẳng. Lửa được thổi bùng lên bởi không gian của tối, trong đêm. Lửa sinh ra để phủ định đêm tối nhưng phủ định một điều gì thì lập tức bị chính điều đó quay ngược lại quy định. Đêm tối bỗng tìm về quy định ánh sáng lửa.
Nếu ánh sáng trong Sự mất ngủ của lửa là ngọn đuốc, là đèn pha, là lửa đỏ thì trong Cây ánh sáng, ánh sáng ấy hắt lên từ đường chân trời rạng đông trinh nguyên và bất tận: “Và lúc này những cái cây trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả các con đường/ Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy/ và Người đã biến thành chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/ trên cành của tán lá ban mai kì vĩ trong vũ trụ ngập tràn” (Cây ánh sáng), ánh sáng lan tỏa chan hòa, gội rửa những uế trọc tục lụy đưa con người vươn tới thanh khiết: “Chàng quỳ xuống và ngước lên cây ánh sáng vĩ đại nhất đang tỏa mãi tán lá ban mai khổng lồ…” (Cây ánh sáng). Bằng cảm quan nghệ sĩ, Mai Văn Phấn đã có nhận xét khá đúng khi ông thấy “luồng sáng thanh khiết” ban đầu và “ánh sáng lan toả” hồi cuối: “Nếu ở Sự mất ngủ của lửa ta dễ nhận ra luồng sáng thanh khiết chụp lên người nhắm mắt toạ thiền, thì đến Cây ánh sáng tập thơ của Nguyễn Quang Thiều, xuất bản năm 2009, lại thấy ánh sáng lan toả ra mọi nơi, những bước đi trầm tĩnh của người “thiền động”. Cây ánh sáng dễ hiểu hơn những tập thơ trước, nhưng cũng khó đọc hơn, bởi không phải ai cũng dễ nhận ra nguồn năng lượng vô hình từ con người thơ này”.
3.1.2.3. Sự tương tranh giữa ánh sáng và bóng tối
Bao trùm lên toàn bộ tư tưởng thơ Nguyễn Quang Thiều là cái khao khát cháy bỏng một sự vận động biến đổi về phía ánh sáng, về phía tốt đẹp.
Cặp đôi bóng tối và ánh sáng thực chất chính là hành trình suy tư về cái chết và sự sống trong mối quan hệ tương quan giữa chúng. Bóng tối đồng nghĩa với với cái chết, sự hủy diệt, tan rã, phá hủy và nhiều trường hợp còn đồng nghĩa với sự ác độc, dục vọng, tăm tối, bí ẩn của con người. Và phía bên kia là ánh sáng đồng nghĩa với ban mai, buổi sớm, hi vọng, tình yêu và hạnh phúc. Bóng tối dẫu không phải là ác mộng thì ánh ngày vẫn đem đến cho nó sự hồi sinh. Suy nghĩ thấu đáo về cuộc sống này, dẫu đôi lúc cuộc sống có buồn hơn cái chết thì chủ thể hướng thượng vẫn chắt gạn cái đẹp, khát khao tìm đến con đường hướng sáng cứu rỗi cho tâm hồn mình. Chính vì thế, hầu hết các bài thơ của Nguyễn Quang Thiều đều có sự vận động theo hướng này:
Những người dậy sớm, Mỗi sáng tôi mở cửa, Những đám mây vàng, Những ngọn đồi ban mai, ban mai, Cây ánh sáng… chính là bản hòa tấu hoan ca của phục sinh, nơi cái chết và bóng tối quy hàng. Trong cuộc giành giật giữa bóng tối và ánh sáng, lòng thù hận và tình yêu, cái chết và sự sống, nhà thơ cũng đồng thời đưa ra một tuyên ngôn: Phải sống: “Ôi vì ngươi mà ta phải sống dày vò, phải đớn đau và mơ ước hơn tất cả những kẻ sống quanh ta. Nhưng ta phải sống. Kìa hãy nhìn những cái cây vòm lá hát cả khi gục đổ”.