7. Cấu trúc khóa luận
3.3.2. Thơ văn xuôi
Văn xuôi hóa thơ tự do và dùng thơ văn xuôi như một áp đảo thể loại, Nguyễn Quang Thiều dễ dàng diễn tả những chủ đề muôn thuở về nhân sinh và nhân loại. Thế mạnh, độ rộng rãi của thơ văn xuôi cho phép ta tự sự, trữ tình, luân lí, triết lí khi dàn trải các trăn trở nhân tính và nhân tình, những chiêm nghiệm của riêng cá nhân và nỗi niềm chung của cộng đồng trong
khoảng không gian và thời gian bất định. Ta bắt gặp tâm sự của một nông dân làng Chùa thời hiện đại:
“Họ ngồi trên những chiếc ghế có lưng tựa giống lưng tựa ngai vàng. Họ uống trà nóng và hút thuốc. Và khói quanh họ bất động.
Họ cất tiếng và bóng tối rung lên như mảng tường sắp đổ. Ngôn ngữ họ bay lượn khoảng tối trên đầu. Họ nói về đất đai, về những cơn mưa nhiệt đới miên man. Họ nói về những mùa màng sấm chớp và những lưỡi cày nhiệt thành, khát vọng. Họ nói về những thung lũng thẫm cây, những đỉnh núi mù mây. Họ nói về những buổi tối nặng nề như bánh xe trâu, lăn chậm chạp trên dường giống đôi đũa mộc” (Nhân chứng của một cái chết).
Con số trung bình trang/bài của cả tập là: 2.56 vừa là “khủng” đối với mọi nhà thơ, vừa làm nên gương mặt thơ “không giống ai” của Nguyễn Quang Thiều - nghĩa là độc đáo, nhưng lại là một bất cập đối với ông : kết quả là thơ ông khó đến được với người đọc vì quán tính thưởng thức thơ có nhạc điệu, luyến láy, “đa sầu”, véo von, dễ hiểu đã thành truyền thống từ lâu ở độc giả. (Chúng ta hay gọi “thơ” là “thơ ca” chính là vì vậy).
Độ khó trong việc thưởng thức thơ ông ngay từ hình thức, mà theo thời gian, càng thêm “cồng kềnh”, miên man dần qua ngôn từ, qua diễn đạt, văn xuôi hoá thơ. Từ Ngôi nhà mười bảy tuổi sang Sự mất ngủ của lửa, thơ Thiều đã có sự thay đổi lớn về mặt hình thức : thơ có vần rồi ngả hẳn sang thơ văn xuôi . Dù được trình bày theo lối liền hàng hay ngắt hàng, nó vẫn cứ là thơ văn xuôi. Có lẽ chỉ thơ văn xuôi, thể thơ ít vướng bận nhất bởi các thi luật, có vòng tay ôm chứa mở nhất, sức truyền tải khỏe nhất mới xứng với cái lực lưỡng phong nhiêu từ Châu thổ bạt ngàn những cơn mơ này.
Thơ văn xuôi với lợi thế về những dòng thơ có thể nối dài không dứt, trùng điệp những trường cú, đoản cú cũng rất thích hợp để diễn tả dòng cảm xúc của cái tôi trữ tình vừa hoang mang, bi quan trước thực tại vừa lạc quan ở tương lai. Có những sự thật phũ phàng luôn ám ảnh: “Thế giới còn lại từng đó
người/ úp mặt cầu xin, ngửa mặt trăn trối/ Những bài thơ ba mắt bay qua xứ sở bóng tối/ Chúng ta những kẻ giam cầm những kẻ tự do/ Chúng ta những xác chết tươi những thân sống đang tằn tiện thở/ chúng ta giấu phổi mình trong bếp ám khói/ Hay đánh rơi trong lá mục rừng già…”; “Chúng ta sinh ra, khúc rốn thời gian biền biệt/ Chúng ta khóc rống những dòng sông…Chúng ta sinh ra bằng cách sinh lại/ Chúng ta sinh ra bằng cách biến mất”. Lại có những tiên tri về tương lai: “Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự bóc vỏ/ Con trai ơi, con sẽ sinh lại cùng ngày với cha”; “Các con ơi, ngày mai của ta ơi/ Cha đưa các con về cánh đồng của bà nội/ các con sẽ tìm gom hài cốt của những mùa màng bệnh tật mai táng lại trong đường cày mới để oan hồn của cái đói đêm đêm không đòi mạng cánh đồng/ và các con sẽ lấy hạt giống giấu vùi trong cát bát hương gieo bí mật xuống cánh đồng góa bụa”.
Những phát ngôn và phán truyền này không thể gãy rời trong những bó buộc về số chữ, cũng không thể là thứ ngôn từ sắp đặt cho hợp vần, lọt tai. Nó tự nhiên như là hơi thở vậy.
KẾT LUẬN
Nguyễn Quang Thiều đã khắc họa hình ảnh thế hệ mình đang sống trong những câu thơ: “Tôi là con chim thay lông muộn và đang tập giọng bằng cặp mỏ mềm còn ứ đầy máu loãng…/ Đợi bài ca sinh ra từ những hạt cơm vương trong chân cỏ dại/ Từ quả trứng buồn bóc vỏ thời gian”(Bài hát). Tất cả còn đang ở phía trước, tất cả mới chỉ đang bắt đầu. Tuy nhiên, con đường thơ của Nguyễn Quang Thiều là hai làn song song ngay từ khởi thủy: dân tộc và hiện đại. Ngôn ngữ văn xuôi và chất văn xuôi đổ bộ vào thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ anh không phải là thứ thơ nương nhờ nơi “mắt chữ” mà hay ở sự phong nhiêu của ngôn từ, sự đa dạng của kết cấu, sự sâu lắng bay bổng của suy tư, mộng tưởng. Đó là sự thể hiện cái tôi trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Một cái tôi mới với “cách gieo âm tiết của riêng mình” đã trở thành một giọng thơ mới mời gọi nhiều cái tôi mới khác như đã thấy trong văn chương Việt Nam sau đổi mới.
Hành hương vào lãnh địa thơ Nguyễn Quang Thiều luôn là một thách thức lớn. Người đọc ưa thứ thơ thanh thoát với một tiếng Việt tinh giản hẳn sẽ ngại vào cái chốn âm u rậm rạp của Châu thổ. Người đọc có quá nhiều bận
tâm đời thường, vụn vặt cũng dễ cho rằng những lo lắng, bất an này xa vời đâu đâu. Người đọc quen với thơ chưng cất từ trải nghiệm cật lực ở đời cũng khó khăn khi phải đọc thơ bằng sự thăng hoa cùng trí tưởng tượng vô cùng hoang dại. Giữa những chê bai ồn ào ấy, Châu thổ vẫn là mảnh đất đầy vẫy gọi. Ở đó, có ánh xạ của thực tại đương đại qua một cảm quan riêng, có dĩ vãng đã qua về một miền lung linh, ấm áp; có cuộc gọi hồn xứ sở trên chính quê hương mình. Cốt lõi của thi ca chính là những giá trị tinh thần trường cửu. Phục tùng sứ mệnh thiêng liêng ấy, tiếng hát cất lên từ Châu thổ đã làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết như chính ông tâm niệm về hành trình sáng tạo và cách tân thơ mà mình đang theo đuổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Việt Chiến (2007), Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân (1975 -2005), Công ty văn hóa Trí tuệ Việt & Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
2. Nguyễn Đăng Điệp (tuyển chọn và biên soạn) (2012), Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
3. Hà Minh Đức (1974), Thơ và mấy vấn đề thơ Việt Nam hiện đại, Nhà xuất bản Khoa học - xã hội.
4. Hà Minh Đức (1998), Lí luận văn học, Nhà xuất bản Giáo dục.
5. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1999) Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh.
6. Đào Duy Hiệp, “Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều”, Nguồn http://www.phunutoday.vn.
7. Mã Giang Lân (2004), Thơ, hành trình và tiếp nhận, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
8. Nguyễn Bá Thành (1996), Tư duy thơ và tư duy thơ hiện đại Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
9. Đặng Thân, “Người buông lưới dệt ánh sáng từ hố thẳm”, Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, 20-7-2012.
10. Nguyễn Quang Thiều (1992), Sự mất ngủ của lửa, Nhà xuất bản Lao động.
11. Nguyễn Quang Thiều (2010), Châu thổ, thơ tuyển lần thứ nhất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
12. Đỗ Minh Tuấn, “Nguyễn Quang Thiều – kẻ khóc thương những ngôi làng”, Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, (8-2012).