Nuôi dưỡng là việc một người đảm bảo các nhu cầu vật chất cho người khác để người này tồn tại và phát triển. Việc thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng không chỉ đòi hỏi phải có yếu tố vật chất mà còn cần thiết phải có yếu tố không gian, có nghĩa là người có nghĩa vụ nuôi dưỡng và người được nuôi dưỡng phải sống chung với nhau. Nghĩa vụ nuôi dưỡng là nghĩa vụ tài sản chỉ phát sinh giữa các chủ thể có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng với nhau. Nghĩa vụ này mang tính chất tự nhiên, xuất phát từ sự gắn bó thiêng liêng của yếu tố huyết thống nên từ khi sinh con ra, cha mẹ đã dành cho con sự yêu thương chăm sóc và nuôi dưỡng con đến khi con trưởng thành. Khi cha mẹ già yếu, đau ốm không có khả năng lao động thì các con chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Người Việt Nam từ xa xưa đã tồn tại ý thức “trẻ cậy cha, già cậy con” nên cách xử sự trên tồn tại như một tất yếu. Cách xử sự mang tính nhân văn và hợp với lẽ tự nhiên đó được nhà làm luật nâng lên thành nghĩa vụ có tính pháp lý và quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” [22].
Nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con là nghĩa vụ có đi có lại nhưng không mang tính chất đồng thời và tuyệt đối, không mang tính chất đền bù tương đương. Nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa cha, mẹ và con luôn gắn với nhân thân của mỗi chủ thể, không thể chuyển giao cho người khác và cũng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác. Về nguyên tắc, một người chỉ có quyền được nuôi dưỡng khi họ không có khả năng tự đảm bảo cuộc sống của mình. Do vậy, nghĩa vụ của cha mẹ là nuôi dưỡng con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không
39
có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Con đã thành niên có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình thì cha mẹ không có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Con chưa thành niên và con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự được xác định rõ ràng theo quy định tại Bộ luật dân sự. Đối với việc xác định con đã thành niên bị tàn tật thì căn cứ vào Pháp lệnh về Người tàn tật. Theo đó, con đã thành niên bị tàn tật là con bị khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng tham gia vào quá trình lao động. Con đã thành niên không có khả năng lao động là con bị mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo dẫn đến không có sức khỏe để lao động; con đã thành niên nhưng đang phải học tập trong các trường phổ thông, trung học, đại học mà phải dành toàn bộ thời gian cho việc học tập nên không thể tham gia lao động tạo thu nhập...
Cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con thông qua việc quan tâm, chăm sóc, chăm lo đời sống vật chất của con, cung cấp chất dinh dưỡng để con duy trì sự sống và phát triển thể chất. Cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con bằng tất cả khả năng kinh tế mà họ có thể, vừa mang tính chất là đáp ứng nhu cầu cho con nhưng cũng đồng thời còn là sự chia sẻ. Vì vậy, dù cuộc sống của cha mẹ có thiếu thốn thì họ vẫn phải nuôi dưỡng con. Cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc con thông qua việc đảm bảo các điều kiện sống cần thiết để con không bị ốm đau, bệnh tật và phải chịu các chi phí cần thiết trong việc khám chữa bệnh cho con.