Nghĩa vụ và quyền đại diện cho con

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 39)

Cha mẹ là người đại diện đương nhiên (đại diện theo pháp luật), người quản lý tài sản của con chưa thành niên.

Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật dân sự 2005 “Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh vì mục đích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện” [23]. Đại diện có hai hình thức là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Điều 141 Bộ luật dân sự 2005 quy định cha mẹ là người đại diện theo pháp luật với con chưa thành niên.

Nghĩa vụ và quyền đại diện của cha mẹ đối với con được Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cụ thể: “Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật” [22].

Quy định này được hiểu là nếu con chưa thành niên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật một cách đương nhiên (trừ trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đại diện theo pháp luật cho con theo quyết định của Tòa án). Nếu con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự thì không phải cha, mẹ là người đại diện đương nhiên của con mà tùy từng trường hợp cụ thể cha mẹ mới có thể là người đại diện theo pháp cho con luật như: con chưa có vợ, chồng, con hoặc có vợ, chồng, con nhưng họ không đủ điều kiện làm người giám hộ hoăc đại diện thì cha, mẹ có đủ điều kiện sẽ là người đại diện theo

35 pháp luật của con.

Con chưa thành niên là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nhiều giao dịch dân sự còn hạn chế. Do đó theo quy định tại Điều 39 nêu trên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật cho con, có quyền nhân danh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Như vậy, mọi giao dịch dân sự của con dưới 6 tuổi đều phải do cha mẹ xác lập, thực hiện. Con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự thì phải được sự đồng ý của cha mẹ trừ giao dịch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Tương tự, con đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự cũng không được thực hiện các giao dịch dân sự. Do đó, vì quyền lợi của con, pháp luật Hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con là hết sức cần thiết.

Là người đại diện theo pháp luật, cha mẹ không chỉ đại diện cho con trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự mà còn có vai trò quan trọng trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của con cũng như thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ con khi các quyền dân sự của con bị xâm phạm. Những việc cha, mẹ làm khi đại diện cho con đều phải xuất phát từ lợi ích của con. Nếu cha mẹ lạm quyền, phá tán tài sản của con, ép buộc con làm những việc trái pháp luật… thì có thể bị hạn chế quyền của cha, mẹ với con, không được làm đại diện theo pháp luật của con trong một thời gian theo quyết định của Tòa án.

Ngoài ra theo khoản 3 Điều 62 Bộ luật dân sự 2005 cha, mẹ còn là người giám hộ cho con trong trường hợp trường hợp con thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ. Khi làm giám hộ cho con trong trường hợp này, cha, mẹ có các nghĩa vụ như chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho con, đại diện cho con trong các giao dịch dân sự, quản lý tài sản của

36

con, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho con...

Về vấn đề đại diện cho con, Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã điều chỉnh bổ sung thêm một số nội dung cho cụ thể và rõ ràng hơn. Đó là:

Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự[27, Điều 73, khoản 2, 3, 4]

Như vậy, so với Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 74 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định rõ ràng, chi tiết hơn về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ khi đại diện cho con. Đó là: quyền tự mình thực hiện các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Các nhu cầu đó có thể là nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh... Có thể coi đây là những nhu cầu tối thiểu hàng ngày của con, nên khi thực hiện các giao dịch này cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện mà không cần hỏi ý kiến của người còn lại nếu không thật sự cần thiết nhưng về trách nhiệm thì cha và mẹ vẫn có trách nhiệm liên đới khi một người thực hiện các giao dịch này. Có lẽ luật coi người còn lại sẽ mặc

37

nhiên chấp thuận vì giá trị của cũng như tính chất nhỏ nhặt của nó. Tuy nhiên ở nhóm giao dịch có tính chất đặc biệt đối với các tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh Luật quy định khi thực hiện các giao dịch liên quan đến nhóm tài sản này của con chưa thành niên thì cha mẹ phải có sự thỏa thuận. Mục đích của quy định này là thông qua sự thỏa thuận đó giúp cho cha, mẹ biết được các giao dịch liên quan đến những tài sản quan trọng của con chưa thành niên cũng như tình trạng tài sản của con. Mặt khác, sự bàn bạc thống nhất của cha, mẹ nhằm đảm bảo những tài sản đó được sử dụng một cách hiệu quả nhất, vì lợi ích của con, đồng thời gắn trách nhiệm chung của cha mẹ đối với các giao dịch đó. Tuy Luật cũng chưa quy định cụ thể hình thức thỏa thuận của cha mẹ là như thế nào nhưng ta có thể hiểu sự thỏa thuận đó có thể bằng lời nói, bằng văn bản hoặc các hình thức phù hợp khác. Khi thực hiện các giao dịch vì lợi ích của con Luật cũng quy định rõ “Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự” [27, Điều 73, khoản 3]. Đây là quy định rất cần thiết về trách nhiệm của cha mẹ khi đại diện cho con trong việc thực hiện các giao dịch. Do đó cha mẹ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn đối với các giao dịch vì lợi ích của con, nhất là các giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, tài sản đưa vào kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.

Một phần của tài liệu Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)