Từ thực tiễn và kinh nghiệm của một số ngân hàng lớn ở Việt Nam, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng nói chung và hoạt động tín dụng ngắn hạn nói riêng, Ngân hàng Ngoại thương Lào BECL cần phải:
Tăng cường hệ thống thông tin. Mảng thông tin chuyên ngành, phân tích chuyên sâu mang tính chất dự đoán, cảnh báo (Đặc biệt tập trung vào các mặt hàng/ ngành nghề có tỷ trọng dư nợ lớn) nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến cán bộ tín dụng. Mở rộng mạng lưới và phát triển sản phẩm trên nền tảng công nghệ, mở rộng các chi nhánh giao dịch đến các vùng gần với các đối tượng khách hàng tiềm năng, các khu dân cư, khu du lịch, khu công nghiệp; phát triển các chi nhánh cấp hai, các phòng giao dịch. Xây dựng một cơ cấu tổ chức hợp lý, đặc biệt là các phòng ban tín dụng, tránh sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các bộ phận. Cần phải cơ cấu theo hướng đối tượng khách hàng kết hợp với sản phẩm.
Hơn ai hết, Ngân hàng Ngoại thương Lào BECL phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, cải tiến quy trình công nghệ, đẩy mạnh công tác marketing, thông tin tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về vai trò và đặc điểm của các sản phẩm tín dụng ngắn hạn. Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm có tính nguyên tắc chính là phải xây dựng được cơ chế quản lý chặt chẽ, đủ sức kiểm soát được các khoản cho vay ngắn hạn bên cạnh việc mở rộng hoạt động đối với lĩnh vực cho vay đầy tiềm năng này.
Kết luận chương 1
Chương 1 đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về hoạt động tín dụng nói chung và tín dụng ngắn hạn tại NHTM, đưa ra những cơ sở lý luận về hiệu quả tín dụng ngắn hạn, các chỉ tiêu đánh giá và những nhân tố tác động tới việc nâng cao hiệu quả của mảng tín dụng này. Những vấn đề lý luận được đúc kết trên đây và việc nghiên cứu, đúc rút những bài học kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả tín dụng ngắn hạn từ một số ngân hàng lớn ở Việt Nam là cơ sở lý luận để tác giả tiến hành đi sâu nghiên cứu, phân tích thực trạng ở Lào trong chương 2.
CHƯƠNG 2