Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Phá sản năm 2004, Luật đã thể hiện được những ưu điểm, tiến bộ rất nhiều so với Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, khắc phục được nhiều vướng mắc trước đây, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình giải quyết các vụ phá sản.
- Năm 2005, toàn ngành Tòa án đã thụ lý mới 11 vụ. Năm 2004 chuyển qua 3 vụ, tổng cộng 14 vụ. Toà án đã giải quyết được 01 vụ (đạt 7,14%); còn tồn chuyển sang năm 2006 là 13 vụ [19].
- Năm 2006, toàn ngành Toà án đã thụ lý mới 40 vụ; có 13 vụ từ năm 2005 chuyển qua, tổng cộng là 53 vụ. Đã giải quyết được 16 vụ, đạt tỷ lệ 30,2% [20].
- Năm 2007, toàn ngành Toà án đã thụ lý mới 144 vụ phá sản, trong đó, Toà án nhân dân cấp tỉnh thụ lý 120 vụ, Toà án nhân dân cấp huyện thụ lý 24 vụ. Năm 2006 chuyển qua 31 vụ, tổng cộng là 175 vụ việc. Trong số đó, Toà án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản 164 vụ, quyết định không mở thủ tục phá sản 10 vụ, quyết định trả lại đơn 01 vụ. Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết xong tất cả 24 vụ đã thụ lý (đều ra quyết định tuyên bố phá sản), đạt 100%. Còn lại 151 vụ phá sản do Toà án nhân dân cấp tỉnh thụ lý được giải quyết như sau: quyết định trả lại đơn 01 vụ, quyết định không mở thủ tục phá sản 10 vụ, quyết định tuyên bố phá sản theo thủ tục đặc biệt 04 vụ, quyết định đình chỉ thủ tục phá sản 10 vụ, quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản 75
Tỷ lệ trên không phản ánh đúng thực tế, tình trạng hiện nay của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp khu vực quốc doanh và hợp tác xã. Điều này do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp khu vực nhà nước việc phá sản phụ thuộc quá nhiều vào chủ sở hữu. Chủ doanh nghiệp nếu muốn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đều cần có ý kiến của cơ quan chủ quản mới thực hiện được.
Thứ hai, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhiều chủ doanh nghiệp không báo cáo, nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán nợ.
Thứ ba, các văn bản hướng dẫn Luật Phá sản năm 2004 ban hành còn chậm, chưa phù hợp với thực tế.
Trên thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là rất ít nhưng nhiều trường hợp các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất do không nắm được các quy định của Luật Phá sản năm 2004 về việc nộp đơn nên Tòa án đã phải tiến hành trả lại đơn. Đồng thời trong quá trình giải quyết các vụ phá sản hiện nay, sự vắng mặt của các chủ doanh nghiệp đã gây không ít khó khăn cho các cấp Tòa án nhất là trường hợp người lao động hoặc chủ nợ đưa đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo Điều 13 và Điều 14 Luật Phá sản năm 2004.