III. Thực trạng quản lý nguyên vật liệu tại Công ty cổ phần xây dựng du lịch thương mại Hải Nam
2. Xây dựng định mức tiêu dùng nguyên vật liệu
Để xây dựng mức tiêu dùng nguyên vật liệu thì tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp mà có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau.
2.1 Phương pháp thống kê kinh nghiệm
Là phương pháp dựa vào hai căn cứ: Các số liệu thống kê về mức tiêu dùng nguyên vật liệu của kỳ báo cáo và những kinh nghiệm của những công nhân tiên tiến, rồi dùng phương pháp bình quân gia quyền để xác định định mức.
Ưu nhược điểm của phương pháp này:
+Ưu điểm: Đơn giản, dễ vận dụng, có thể tiến hành nhanh chóng, phục vụ kịp thời cho sản xuất.
+Nhược điểm: Tính chính xác và khoa học không cao.
2.2 Phương pháp thực nghiệm
Là dựa vào kết quả của phòng thí nghiệm kết hợp với những điều kiện sản xuất nhất định để kiểm tra sửa đổi các kết quả đã tính toán hoặc tiến hành sản xuất thử nhằm xác định định mức cho kỳ kế hoạch.
+ Ưu điểm: có tính chính xác và khoa học hơn phương pháp thống kê. +Nhược điểm: chưa phân tích toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến định mức và còn phụ thuộc vào phòng thí nghiệm có thể không phù hợp với điều kiện sản xuất. Ngoài ra chi phí cả về mặt vật chất lẫn thời gian đều tương đối cao.
2.3 Phương pháp phân tích
Thực chất của phương pháp này là kết hợp việc tính toán về kinh tế kỹ thuật với việc phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến lượng tiêu hao nguyên vật liệu, chính vì vậy nó phải được tiến hành qua 3 bước sau:
Bước1: Thu thập và nghiên cứu các tài liệu định mức, đặc biệt là các tài liệu về thiết kế sản phẩm, đặc tính nguyên vật liệu, chất lượng máy móc thiết bị, trình độ tay nghề công nhân… và số liệu thống kê về tình hình thực hiện mức của kỳ báo cáo.
Bước 2 : Phân tích từng thành phần trong cơ cấu định mức và các nhân tố ảnh hưởng để tìm giải pháp xóa bỏ mọi lãng phí, tiết kiệm mức tiêu dùng nguyên vật liệu.
Bước3: Tổng hợp các thành phần trong cơ cấu định mức, tính hệ số sử dụng và đề ra biên pháp phấn đấu giảm mức trong kỳ kế hoạch.
+Ưu điểm: Có tính khoa học và tính chính xác cao, đưa ra một mức tiêu dùng hợp lý nhất. Hơn nữa, khi sử dụng phương pháp này định mức tiêu dùng luôn luôn nằm trong trạng thái được cải tiến.
+Nhược điểm: Đòi hỏi một lượng thông tin tương đối lớn, toàn diện và chính xác. Điều này có ý nghĩa là công tác thông tin trong doanh nghiệp phải được tổ chức tốt. Một điều dễ nhận thấy khác đó là với một lượng thông tin như vậy đòi hỏi phải có đội ngũ xử lý thông tin có trình độ năng lực cao, nhưng dù thế nào thì đây vẫn là phương pháp tiên tiến và hiệu quả nhất.