a. Theo nhận định của các cơ quan nhà nước Đối với sản phẩm thép
Dự kiến cung năm 2011: Dự kiến sản lượng sản xuất trong nước đạt khoảng 5,8 triệu tấn. Nhập khẩu thép xây dựng có thể lên tới khoảng gần 1 triệu tấn do tình trạng dư thừa trên thị trường thế giới cũng như việc cắt giảm thuế suất nhập khẩu theo lộ trình cam kết WTO và theo Hiệp định thương mại tự do khu vực mà Việt Nam tham gia; Xuất khẩu khoảng 200 nghìn tấn. Như vậy trong năm 2011, lượng cung thép xây dựng khoảng 6,6 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Theo “Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 sản xuất đến 15-18 triệu tấn thép; trong đó có từ 8-10 triệu tấn thép dẹt, 7-8 triệu tấn thép dài, để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.Điều này có nghĩa rằng với tổng công suất các nhà máy thép của Việt Nam, tính đến hết năm 2009 đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, ngành thép chỉ cần đầu tư đạt công suất tối đa 10 triệu tấn/năm là phù hợp.
Theo Báo xây dựng, việc cấp phép đầu tư thép tràn lan khiến chỉ riêng tổng công suất thiết kế của các dự án ngoài quy hoạch này đã lên tới 60 triệu tấn/năm. Có doanh nghiệp Việt Nam, chỉ trong vòng hai tháng đã ký với hai đối tác nước ngoài để xây dựng hai nhà máy liên hợp với công suất từ 5-10 triệu tấn/năm.
Một số dự án thép tiêu biểu về công suất lớn đang có hiệu lực đầu tư tại Việt Nam: - Dự án Tycoon-E, United tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công suất giai đoạn 1 là
3 triệu tấn/năm.
- Dự án Nhà máy thép Liên hợp Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, công suất 4 triệu tấn/năm, do Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) và Tập đoàn Vinashin liên doanh.
- Dự án Nhà máy thép Liên hợp Hà Tĩnh, công suất 4,5 triệu tấn, do liên danh giữa Tập đoàn TATA (Ấn Độ) với Tổng Công ty Thép Việt Nam và Tổng Công ty Ximăng Việt Nam.
- Dự án Nhà máy thép Liên hợp và Cảng nước sâu Hà Tĩnh, công suất 7,5 triệu tấn, 100% vốn nước ngoài do sáu công ty của Đài Loan góp vốn.
- Dự án Nhà máy thép Liên hợp Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, công suất 14,42 triệu tấn/năm, do Lion Group (Malaysia) và Vinashin liên danh.
- Dự án Nhà máy thép cao cấp, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công suất 10 triệu tấn/năm, 100% vốn của Công ty FERO (Trung Quốc)
- Hai dự án thép cán nóng và cán nguội khu Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, có tổng công suất 5 triệu tấn/năm.
- Dự án Nhà máy Gang thép, Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, công suất 3 triệu tấn/năm. Như vậy chỉ tính riêng tổng công suất của những nhà máy này đã lên tới 51,42 tấn/ năm.
Trong năm năm tới, khi các dự án được hoàn thành thì cung vượt cầu này sẽ tác động mạnh tới giá sản phẩm. Tuy chúng ta có tính đến xuất khẩu song với thị trường còn hạn hẹp. Bên cạnh những thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar… chỉ một số doanh nghiệp Việt mới “chen chân” được vào những thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc… Xuất khẩu thép của chúng ta trong những năm tới cũng khó tăng mạnh do yếu tố giá và chất lượng. Do đó, nguồn cung cho thị trường trong nước vẫn rất dồi dào.
Bên cạnh đó, tình trạng dư cung trên thị trường thế giới cũng là một nguồn cung cấp đáng kể cho thị trường nội địa với giá cả phù hợp ( Trung Quốc, các nước Đông Nam Á).
Đối với sản phẩm Xi măng
Theo Hiệp hội xi măng Việt Nam, đến năm 2011 sẽ có thêm 10 nhà máy xi măng được đưa vào hoạt động, nâng sản lượng sản xuất dự kiến tăng khoảng 15 triệu tấn, ước cả năm 2011 đạt 65,8 triệu tấn. Như vậy, năng lực sản xuất xi măng trong nước sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, đồng thời cũng có một lượng xi măng, clinker được các cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, dự kiến từ 1-1,5 triệu tấn.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng báo cáo trình Chính phủ (tháng 10/2008) về tình hình thực hiện quy hoạch xi măng, tình hình thực tế xây dựng các nhà máy xi măng đến cuối năm 2009 có số liệu như sau:
Như trong phần thực trạng cũng đã đề cập, ngay từ năm 2009 cung xi măng đã vượt cầu, và trong năm 20010 nhiều nhà máy đã buộc phải cắt giảm công suất, ngừng hoạt động một số máy. Hơn nữa, xuất khẩu xi măng không được như kỳ vọng, khi mà chi phí vận tải quá cao. Như vậy, nếu không có sự tác động nhiều từ chính phủ, thì trong 5 năm tới, sản lượng xi măng chúng ta có thể sản xuất được vẫn vượt cầu khá nhiều.
Dự báo về giá
Tuy xi măng và thép có tình trạng cung vượt cầu, song những tác động của tỷ giá hối đoái, nguyên nhiên liệu đầu vào… vẫn đẩy giá 2 mặt hàng này tăng cao. Giá điện của chúng ta khi đã bước vào thị trường thật sự thì sẽ vẫn phải tiếp tục tăng giá. Than cung ứng cho sản xuất gần đây cũng bị thiếu hụt và sắp tới cũng không thể giữ giá như hiện nay được. Bên cạnh đó là những nguyên nhân do tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng và lạm phát cao cũng đẩy giá thành sản xuất lên.
b. Dự báo của nhóm nghiên cứu
Với số lượng dự án các nhà máy được đưa vào hoạt động trong năm 2010 và trong một vài năm tới của nước ta thì lượng cung sẽ vượt cầu. Công suất hoạt động của các nhà máy sẽ đáp ứng được lượng hàng cho các doanh nghiệp bán buôn xi măng và thép của Việt Nam trong những năm tới. Đây là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng của Việt Nam bởi lượng cung tăng cao hơn nhu cầu thì các doanh nghiệp bán buôn sẽ có nhiều lợi thế, có sức ép hơn đối với các nhà sản xuất. Do lượng cung tăng
các doanh nghiệp có thể lựa chọn sản phẩm với chất lượng tốt hơn, các sản phẩm đa dạng hơn để phục vụ đáp ứng nhu cầu xi măng và thép trong nước.
Ngoài ra, do tác động của hội nhập đã được phân tích ở trên, thì doanh nghiệp bán buôn còn có nhiều lựa chọn hơn về nhà cung cấp khi sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài xâm nhập vào thị trường VIệt Nam. Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì các nhà bán buôn lại chính là đối tượng khách hàng. Để có thể cạnh tranh thì các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước buộc các doanh nghiệp sản xuất phải cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm cách hạ giá thành sản phẩm để thu hút các doanh nghiệp bán buôn tới với họ. Đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp bán buôn có sức ép với các nhà sản xuất.
Tuy nhiên cũng có những khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp bán buôn. Chi phí sản xuất và giá các mặt hàng thiết yếu tăng lên và để bù đắp được các chi phí đó buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá sản phẩm. Do đó chi phí đầu vào tăng nên doanh nghiệp bán buôn cũng không tránh khỏi tăng giá bán. Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bán buôn nếu các doanh nghiệp bán buôn không sớm đưa ra các giải pháp cho mình.
Qua các dự đoán về nguồn cung và cầu của doanh nghiệp trong giai đoạn tới ta thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp bán buôn xi măng và thép. Trong đó có cả những thách thức và cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Chính bởi vậy các doanh nghiệp cần có sự nhạy bén với cả thị trường cung và cầu để có thể tận dụng được cơ hội, phát huy thế mạnh của doanh nghiệp, xây dựng vị thế của doanh nghiệp trên thị trường sân nhà và thị trường quốc tế.