ỨNG DỤNG PHẦN MỀM LIBOL6.0 TẠI TRUNG TÂM THÔNG TIN – THƯ VIỆN ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
3.7. Kiến nghị nhà cung cấp hoàn thiện một số chức năng của phần mềm
Sau hơn 4 năm triển khai tại Trung tâm, Libol6.0 đã có những cải tiến thay đổi nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặt ra của Trung tâm. Tuy nhiên để có thể phát huy tối đa hiệu quả của phần mềm, Libol cần được hoàn thiện hơn nữa để có thể hoạt động ổn định hơn.
Libol cần thay đổi vị trí sắp xếp một số tính năng trong các phân hệ cho phù hợp với quy trình xử lý tài liệu của Trung tâm. Cụ thể trong công tác kiểm kê đều do cán bộ ở các phòng phục vụ thực hiện, nhưng chức năng này lại được đặt trong phân hệ Bổ sung, xét về mặt hệ thống thì như vậy là hợp lý, nhưng thực tế lại không như vây, nên đặt chức năng Kiểm kê kho tại phân hệ Lưu thông tài liệu để hỗ trợ tối đa cho công việc của cán bộ thư viện.
Thêm vào đó trong phân hệ Biên mục, cán bộ biên mục có trách nhiệm in nhãn xếp giá và in mã vạch để phục vụ cho quá trình xử lý nghiệp vụ của mình, thì chức năng này lại được đặt trong phân hệ Bổ sung. Nên chăng phần mềm chuyển chức năng này sang phân hệ Biên mục hoặc tại phân hệ Bổ sung thêm chức năng xuất dữ liệu sang các phân hệ khác và trong phân hệ Biên mục có thêm chức năng in nhãn ĐKCB và in mã vạch từ nguồn nào.
Libol cần có chính sách phân quyền cho người sử dụng sâu hơn. Hiện tại chương trình chỉ cho phép phân quyền người sử dụng cho từng phân hệ hoặc một số phân hệ mà không quản lý đến mức từng chức năng của phân hệ. Ví dụ trong công tác biên mục thì Trung tâm có 3 cán bộ được phép sử dụng, thì cả 3 cán bộ này có thể xem, sửa, xoá các dữ liệu biên mục của nhau. Như vậy vô hình chung dữ liệu có thể bị sửa, xoá lúc nào không biết. Chính vì vậy mà phần mềm nên phân quyền mức độ sâu hơn, cán bộ nào biên mục bản ghi nào thì mới có thể sửa, xoá biểu ghi đó.
Thiết kế hệ thống báo cáo, thống kê cho phù hợp với thực tế hoạt động của Trung tâm. Chương trình được thiết kế với một hệ thống báo cáo, thống kê rất phong phú, có thể đưa ra được nhiều loại bảng biểu, so sánh hết sức chi tiết và công phu. Nhưng trên thực tế số lượng báo cáo được sử dụng không nhiều,
nguyên nhân do là các tiêu chí dùng để thống kê tuy nhiều nhưng lại chưa kết hợp được với nhau, do đó tính hữu ích của báo cáo không cao. Vì vậy nên bỏ bớt những tiêu chí thống kê không cần thiết, như chỉ số thống kê bổ sung theo ngày và nên bổ sung thêm chỉ số thống kê theo các chuyên ngành, vì hằng năm cán bộ phòng Bổ sung thường phải làm các báo cáo về số tài liệu bổ sung phục vụ các ngành đào tạo trong năm; Hoàn thiện hơn tiêu chí thống kê những ấn phẩm thiếu trong khoảng một thời gian đối với báo, tạp chí … Như vậy có thể thấy một số chỉ số thống kê mà chương trình đưa ra là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, cần được bổ sung và sửa đổi.
Nên hoàn thiện thêm mẫu in danh mục, để khi in ra những sản phẩm thông tin cho đẹp hơn, khơi lên sự chú ý của bạn đọc.
KẾT LUẬN
Hoạt động thông tin nói chung và hoạt động thông tin thư viện nói riêng, hiện nay đang là vấn đề được nhiều giới quan tâm, từ cấp Trung ương, tới cấp cơ sở. Điều đó thể hiện nhịp sống của xã hội ngày một nhanh, nhu cầu xã hội đòi hỏi những thông tin ngày càng đa dạng và chính xác.
Công tác đào tạo trong khối các trường đại học ngày càng được đổi mới theo xu hướng để sinh viên tự cập nhật thông tin và tự nghiên cứu nhiều hơn. Từ yêu cầu đó, nó đòi hỏi công tác thông tin thư viện phải phát triển nhanh chóng, không những đáp ứng nhu cầu đào tạo hiện tại của Nhà trường, mà còn phải đón trước một bước về thông tin để có thể giới thiệu làm tài liệu học tập, tham khảo, nghiên cứu và giảng dạy cho cán bộ, giáo viên và sinh viên trong trường đại học.
Cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, ngành Thông tin thư viện cũng không ngừng phát triển theo và là một trong những ngành được ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin sớm vào hoạt động của mình. Chính vì vậy mà việc cài đặt và sử dụng các phẩn mềm quản trị thư viện là một trong những yêu cầu bức thiết và tất yếu. Nhận thức rõ điều này, ngay từ khi bắt đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, Trung tâm đã dành sự quan tâm, đầu tư thích đáng đồng thời có những cải tiến tích cực trong quy trình cũng như hình thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Việc áp dụng phần mềm Libol6.0 là một trong những chính sách điển hình mà Trung tâm đã thực hiện nhằm đạt được mục tiêu trên. Những thay đổi về chất trong các khâu công tác và những chuẩn nghiệp vụ tiên tiến mà Trung tâm áp dụng đã khẳng định vị thế của Trung tâm trong cộng đồng thư viện đại học trong cả nước.
Trải qua 55 năm (1956-2011) hình thành và phát triển khoảng thời gian không dài so với lịch sử nhưng đối với Thư viện Trường ĐHKTQD đã vượt qua khó khăn thử thách, không ngừng phấn đấu để hoàn thành mục tiêu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường, góp phần cùng Nhà trường đào tạo đội ngũ cán bộ
quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh có chất lượng cao trong cả nước, cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực lớn được đào tạo bài bản, có kiến thức kinh tế và trình độ chuyên môn cao, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển nền kinh tế nước nhà.
Đồng thời trong thời kỳ giao lưu thông tin nhằm chia sẻ các nguồn lực thông tin với các cơ quan trong nước và quốc tế. Trung tâm đã kết nối với các mạng thông tin, mở rộng việc truy nhập nâng cao kiến thức, trình độ của bạn đọc.
Tuy nhiên để có thể phát huy nhiều hơn nữa trong việc cung cấp thông tin của Trung tâm Thông tin Thư viện trường ĐHKTQD đòi hỏi cần phải có nhiều nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm và quan trọng hơn là sự quan tâm, đầu tư thích đáng của lãnh đạo Nhà trường trong việc xây dựng, phát triển Trung tâm Thông tin Thư viện thành một Thư viện điện tử, xứng đáng là một Trung tâm thông tin Thư viện chuyên ngành trọng điểm trong cả nước.
Qua đây tác giả hy vọng trong tương lai không xa, hoạt động của Thư viện ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việc ứng dụng phần mềm Libol cũng như từng phân hệ được hoàn thiện và nâng cao chất lượng hơn nữa. Các tính năng của phân hệ cần được sử dụng tối đa để đáp ứng mọi yêu cầu tin của bạn đọc góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế cho xã hội.