Các giải pháp hoàn thiện quản lý chi đầu tư phát triển

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước tỉnh Bắc Ninh Luận văn ThS. Kinh doanh và quản lý (Trang 109)

7. Bố cục của đề tài

4.2.3. Các giải pháp hoàn thiện quản lý chi đầu tư phát triển

4.2.3.1. Nhóm giải pháp về quản lý và huy động vốn đầu tư

Để đạt được mục tiêu CNH, HĐH theo kế hoạch đến năm 2020, Bắc Ninh cần huy động nguồn vốn từ nay đến năm 2020 từ Chính phủ (bao gồm vốn ODA)

và doanh nghiệp. Để đảm bảo rằng Bắc Ninh đáp ứng được các mục tiêu đầu tư để phát triển, cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

- Tạo ra một môi trường đầu tư mạnh mẽ như cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện dễ dàng để kinh doanh tại tỉnh và giảm chi phí thành lập cơ sở kinh doanh mới cho doanh nghiệp sẽ là các yếu tố then chốt để thúc đẩy sự hấp dẫn của tỉnh đối với các nhà đầu tư.

- Thực hiện chiến dịch xúc tiến đầu tư để xác định và hướng đến các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước để thu hút một làn sóng đầu tư mới từ các nước và tỉnh khác ở Việt Nam.

- Huy động vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ gia đình để đầu tư trong các lĩnh vực như chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ cho các ngành được đề xuất, phát triển cơ sở hạ tầng cộng đồng và doanh nghiệp quy mô nhỏ khác.

- Thực hiện các chương trình hiện có để giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ chế vay tín dụng thuận lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho phép họ xây dựng và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

- Tăng cường đầu tư, hỗ trợ phát triển các tổ chức, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân. Cũng như tiếp cận đến nguồn vốn, một trong những trở ngại không nhỏ làm cản trở đến sự phát triển các doanh nghiệp tư nhân là thiếu thông tin thị trường và kỹ thuật, thiếu lao động có kỹ năng và những bí quyết công nghệ… Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính từ NSNN nhằm khuyến khích thành lập và phát triển hệ thống các tổ chức, mà có vai trò hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động trên các lĩnh vực như cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tư vấn và triển khai ứng dụng công nghệ, đào tạo lao động…

4.2.3.2. Nhóm giải pháp tăng chi, đầu tư cho các ngành then chốt, cơ sở hạ tầng liên quan

Tăng chi NSNN cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh tốc độ thu hút vốn của xã hội và đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế. Cần xác lập giới hạn tổng mức nguồn lực phân bổ cho các lĩnh vực ưu tiên đầu tư phù hợp với khuôn khổ tài chính trung dài hạn. Trong khuôn khổ này, đòi hỏi Nhà nước phải chấp nhận sự đánh đổi giữa các mục tiêu trong lựa chọn để tập trung nguồn lực cho các mục tiêu ưu tiên. Phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, nguồn lực của NSNN cần ưu tiên phân bổ cho các lĩnh vực sau: Cần gia tăng vốn đầu tư của NSNN để phát triển hệ thống giao thông

ở các vùng nông thôn, miền núi và liên tỉnh, trong đó cần chú trọng hơn nữa nguồn vốn dành cho công tác bảo dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và tiết kiệm chi phí. Đối với hệ thống giao thông ở các vùng đô thị lớn, cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách xã hội hoá để thu hút rộng rãi sự đầu tư của khu vực tư nhân.

4.2.3.3. Cần gắn kết chặt chẽ giữa nhóm chi thường xuyên và chi đầu tư trong phân phối nguồn lực tài chính Nhà nước

Cần tối ưu hoá cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư và thường xuyên phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế phát triển của nền kinh tế. Đảm bảo tốc độ tăng chi thường xuyên nhỏ hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển. Từ nay đến năm 2020, nhất thiết chi đầu tư của ngân sách phải được nâng cao để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho sự thu hút khu vực tư nhân. Thế nhưng, trước mắt khả năng ngân sách để nâng cao mức đầu tư cơ sở hạ tầng có sự giới hạn nhất định, bởi vì khả năng tăng thu NSNN thấp, cũng như do phải gia tăng chi phí tài trợ để tái cấu trúc lại hệ thống DNNN và các NHTM quốc doanh. Cho nên, mức chi đầu tư của NSNN khó mà vượt qua mức 7% GDP trong vòng 6 năm tới. Vì vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, Tỉnh nên giữ mức chi đầu tư ở mức này cho phù hợp với xu thế Nhà nước sẽ ngày càng ít can thiệp vào các hoạt động kinh tế nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu cho cơ sở hạ tầng, khi đó chi thường xuyên có thể mở rộng hơn để nâng cao phúc lợi xã hội.

4.2.3.4. Thực hành triệt để chính sách tiết kiệm chi ngân sách để gia tăng nguồn vốn đầu tư cho Nhà nước

+ Cần thiết lập những mục tiêu ưu tiên và ưu tiên có tính chiến lược trước khi phân bổ nguồn lực. Đồng thời, đòi hỏi hệ thống chi tiêu ngân sách phải có sự linh hoạt, chuyển nhanh sự phân bổ nguồn lực từ ưu tiên thấp sang ưu tiên cao, từ những dự án, chương trình kém hiệu quả sang những chương trình, dự án có hiệu quả cao hơn.

+ Thực hiện chế độ khoán chi nhằm xác lập quy chế trao quyền tự chủ rộng rãi cho người quản lý trong việc tái phân bổ nguồn lực và tính tự chủ trách nhiệm của họ về hoạt động. Đồng thời, bãi bỏ cơ chế xin - cho, đảm bảo tính minh bạch của chi NSNN và giữ kỷ luật tài chính tổng thể.

+ Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính và tái cấu trúc lại khu vực quản lý Nhà nước. Xoá bỏ cơ chế cấp phát kinh phí xây dựng trụ sở, văn phòng làm việc cho các cơ quan HCNN, thay vào đó là cơ chế đi thuê từ khu vực tư nhân cung ứng.

+ Đối với các chi dịch vụ kinh tế cần xem xét lại một cách toàn bộ và chi tiết để có chính sách chuyển dần các khoản chi cho lĩnh vực này từ hình thức cấp phát không hoàn lại vốn sang hoàn lại vốn.

+ Đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại quốc doanh và DNNN để giảm bớt chi phí tài trợ cho những chương trình này, bao gồm chi phí tái cấp vốn (ước tính khoảng 8-10% GDP, kéo dài trong vài năm); xử lý các khoản nợ và chi phí thường xuyên hàng năm (2,5% GDP); trả lãi cho vốn vay tín dụng, trợ cấp người lao động dôi dư hàng năm của DNNN (2%GDP). Nếu tiến trình cải cách trì trệ, không những gây kìm hãm tốc độ tăng trưởng, mà còn kéo dài tính kém hiệu quả của các DNNN và làm tăng thêm các khoản vay không sinh lời, tương ứng các NHTM quốc doanh sẽ có nhiều khoản nợ vay quá hạn. Các yếu tố này sẽ làm cho chi phí tài trợ của Nhà nước ngày càng tăng và làm giảm sút niềm tin của công chúng vào ngân hàng; vì vậy hệ thống ngân hàng khó mà huy động được vốn tiết kiệm.

Một phần của tài liệu Quản lý chi ngân sách nhà nước tỉnh Bắc Ninh Luận văn ThS. Kinh doanh và quản lý (Trang 109)