Sự phân rã của cốt truyện

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 68)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1 Sự phân rã của cốt truyện

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, cốt truyện “là hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm… Cốt truyện vừa để nhà văn bộc lộ tính cách, tâm lý nhân vật cũng là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội” [9, tr.102]. Cũng có thể nói, cốt truyện là toàn bộ những sự kiện được nhà văn kể trong văn bản tự sự (và văn bản kịch) mà người đọc có thể kể lại. Đó là sự sắp xếp thẩm mĩ, không tuân theo trật tự biên niên của sự kiện và quan hệ nhân quả nghiêm ngặt, thống nhất theo ý đồ chủ quan của người kể.

Cốt truyện có một vai trò quan trọng trong truyện kể. Nhiều tác giả cho rằng cốt truyện như “xương sống” của một tác phẩm tự sự. Một câu chuyện được đánh giá đầu tiên phải từ cái “cốt” xong mới đến nhân vật, chi tiết và các yếu tố khác.

Nhưng với những tiểu thuyết của Đỗ Phấn, cốt truyện đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho những dòng chảy bất định của tâm trạng con người. Ở đây, cốt truyện vẫn tồn tại song vai trò của nó đã “yếu đi” so với vai trò cốt truyện truyền thống. Đây là kiểu cốt truyện bị “phân rã”.

69

Trước hết là ở hệ thống sự kiện – cốt lõi của cốt truyện trong tác phẩm tự sự. Không tuân theo cốt truyện truyền thống, không coi trọng sự kiện có tính xung đột cao, các sự kiện trong Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Gần như là sống, Con mắt rỗng, Ruồi là ruồi bị giản lược khá nhiều. Ở đây chẳng có gì gay cấn, thắt nút, cũng chẳng có mở nút và kết thúc. Câu chuyện cứ đều đều diễn ra. Vắng mặt kể về một quãng đời của anh chàng họa sĩ tên Vũ, chỉ là quanh quẩn từ quán nhậu đến cơ quan, làm tình với mọi phụ nữ anh ta gặp, có chút trăn trở về hội họa nước nhà, và kết thúc là anh ta tiếp tục chuỗi luẩn quẩn đó. Tương tự như vậy, Gần như là sống, Con mắt rỗng, Rừng người cũng kể về một quãng thời gian của ba anh họa sĩ Thế Hoàng, Văn và Thành. Có thể nói ba nhân vật này chỉ khác nhau cái tên, còn lại vẫn là một anh họa sĩ, thích uống rượu với bạn bè, khám phá thế giới và làm tình với bất cứ phụ nữ nào đồng ý. Cuộc đời “làng nhàng thân phận” của họ không có thăng trầm, biến đổi gì dữ dội. Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, họ chỉ nhẩn nha đi lại và suy ngẫm về cuộc sống đô thị, về con người cùng với niềm đam mê tranh ảnh… Nó như một vòng tròn tuần hoàn không hề vấp váp. Gọi là truyện mà chẳng có chuyện. Đến Ruồi là ruồi, nhân vật đã thoát ra ngoài anh họa sĩ, là một kẻ đào tẩu – Hùng cùng với một con người bỏ trốn khác – Liên. Họ lên thành phố, gặp nhau, ăn uống, làm tình, về sống với nhau, tận hưởng tuổi già cùng nhau. Không có gì kịch tính, không có thắt nút hoặc mở nút. Nó là một diễn trình bằng phẳng, nhân vật cứ như vậy trôi đi trong những vụn vặt thường ngày. Tác phẩm có vẻ dễ kể hơn một chút là Chảy qua bóng tối. Tiểu thuyết viết về một lão già mù, nhận nuôi đứa con của một cô gái lạ, sau đó bị chính đứa con nuôi hắt hủi, trầm mình xuống sông, dạt tới một trung tâm bảo trợ người khuyết tật và sống nốt quãng đời còn lại ở đó. Tuy nhiên, những tình tiết trong tiểu thuyết này cũng không được tác giả chú ý đẩy lên cao trào. Ông viết như một dòng sông xuôi chảy, chỗ lại ngắt quãng nhát gừng. Người

70

đọc quan tâm hơn đến quang cảnh thơ mộng hai bên bờ sông Hồng hơn là những diễn biến của truyện. Hầu hết, những tiểu thuyết của Đỗ Phấn đều gây khó khăn cho bất cứ bạn đọc nào muốn tóm tắt lại. Vì không có gì để tóm tắt ngoài những suy tư triền miên, và miêu tả tỉ mẩn về đô thị. Ai là người có thể tóm gọn suy tư của con người?

Một lý do nữa khiến cốt truyện trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn bị phân rã là sự xáo trộn tiến trình kể của ông. Trong Vắng mặt, người kể chuyện tùy hứng mà nêu ra sự kiện, chẳng theo một trật tự thời gian nào. Đang kể về vụ ăn chơi du hí chốn rượu chè, nhà nghỉ của mi và Hà, câu chuyện lại lộn lại bữa tiệc tất niên cách đó chục năm – nơi mi gặp Ngọc. Sau đó, đang kể về chuyện mi vào miền Nam làm việc cùng Khoa, đã “chẳng may” làm tình với vợ bạn, lại trôi vèo đến cảnh mi cùng Ngọc quấn nhau trong nhà nghỉ sau này. Một lối kể xáo trộn và đón trước tương lai. Không kể, chêm vào mạch truyện vốn chẳng mấy liền mạch là riêng một phần, thường là ghi lại tiếng rao báo vặt theo kiểu: “A lô… a lô. Báo mới đê, báo mới đê. Bắt được quả tang một đôi trai gái mua bán dâm trong nhà nghỉ” [29, tr.12]. Câu chuyện vì thế bị vỡ vụn đi nhiều.

Trong Con mắt rỗng cũng có tình trạng tương tự, cứ một đoạn “mình” kể chuyện thì đoạn sau lại đến lượt “hắn”. Người kể chuyện phân thân để thay nhau kể lại câu chuyện chẳng mấy gay cấn – chỉ là mình vẽ cái này, hắn nghĩ thế kia… Ở Ruồi là ruồi, mỗi phần kể về Hùng, hoặc Liên lại bị chen một phần “rất liên quan” kể về ruồi. Giống như màn hình ti vi đang chiếu cảnh ướt át giữa Hùng và cô cave cao cấp, thì đùng một cái quay cảnh đàn ruồi đen kịt ùa đến cửa kính và các đống rác trong thành phố. Nó gián đoạn như việc xem một bộ phim bị video quảng cáo chen vào. Đó là cách Đỗ Phấn làm cho tiểu thuyết của mình có truyện mà không có chuyện.

71

Chính cốt truyện bị phân rã này tạo cho tác phẩm của ông một kết cấu lạ, kết cấu phân mảnh (phá bỏ quy chuẩn của cấu trúc như luật phát triển và tháo gỡ cao trào, làm mờ nhân vật, phân tán các chi tiết rời rạc, giản lược đối thoại, hạn chế bộc lộ cảm xúc chủ quan)… Hiệu quả của kết cấu này có thể gói gọn trong câu nói của Maurice Blanchot: “Lấp lóa một cô đơn, trống rỗng cả bầu trời, thoi thóp: ôi, thảm họa!” [23].

Tác giả Nico coi cách kết cấu này của Đỗ Phấn như một “chiến lược văn chương”. Tức ông diễn đạt thoải mái theo mạch cảm xúc và tư duy của mình mà không bị ràng buộc bởi một hình thức nguyên mẫu nào. Ông từng bộc bạch rằng, bản thân không chủ tâm viết văn theo một lý thuyết cầu kì nào là vậy.

Cốt truyện trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn hàm chứa sự trung dung. Nó được thể hiện ở phương thức xử lý mâu thuẫn đối với nhân vật chính trên một cốt truyện hầu như không có và hoàn toàn vắng bóng các tình tiết ly kỳ. Nhân vật là một con người đúng nghĩa, không cao đạo, khuôn mẫu, mà hàm chứa cả sự phàm tục và lịch lãm. Thành, nhân vật chính trong tiểu thuyết Gần như là sống của Đỗ Phấn xa lạ với chủ nghĩa văn học giáo điều. “Anh ta là mẫu số chung trần trụi và chân thực của hiện tại” [23]. Tính trung dung còn thể hiện quanh việc diễn tả mối quan hệ tình cảm của các nhân vật nam chính với tuyến nhân vật nữ. Những người đàn ông làng nhàng thân phận như Thành, Vũ, Văn, Hoàng đều có một đặc điểm: không từ chối bất cứ đàn bà nào. Họ cùng lúc là người tình của hai người phụ nữ, không bao giờ bỏ rơi hoặc từ chối ai. Họ luôn đợi những người phụ nữ tự rời khỏi mình. Họ “tồn tại dưới dạng cảm xúc lát cắt, mảnh vỡ nhưng không đáp ứng được ý nghĩa đích thực của một gương mặt đủ đầy” [23]. “Tính trung dung sắc nét qua cách che giấu cảm giác tê tái tuyệt vọng trước một tan vỡ, được lặp lại dồn dập qua những ngồi và nhìn: “Tôi ngồi trong quán nhìn ra mặt đường nhộn nhịp”. “Hư vô tôi

72

nhìn ra phố”. “Tôi ngồi yên lặng nghe tiếng con chích chòe đến hót chuyện lép nhép lan man như tiếng dế” [23].

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)