Không gian đô thị cũ

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 34)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.1 Không gian đô thị cũ

Do quá trình sinh sống và hoạt động, Đỗ Phấn viết nhiều về một đô thị nghìn năm tuổi – thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, những nơi ông đã từng đặt chân, Huế, Hải Phòng, Hải Dương, Sài Gòn hay Côn Minh Trung Quốc… đều để lại dấu ấn trên trang văn. Có thể hiểu ở đây, không gian đô thị cũ là không gian của thành phố hình thành từ khá lâu, trước khi nền kinh tế thị trường xâm lấn. Không gian này có nhiều nét đặc trưng, những nét đẹp dịu dàng, thanh lịch. Chỉ tiếc rằng, nó cũng bắt đầu bị cái ồn ào, xô bồ xâm chiếm. Những đô thị cũ ở đây, giống như “vùng trũng” trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, vừa là nơi hội tụ cái đẹp, vừa là nơi tù đọng những ngột ngạt xấu xa.

Chân dung phố phường hiện lên trong văn Đỗ Phấn vô cùng chi tiết, tỉ mỉ, từ góc phố cà phê, cây bàng cụt, cửa ô đầy khói đến những công viên

35

xanh li ti lá phượng. Một Hà Nội xưa cũ hiện về qua những hàng cây và mặt hồ, qua mùi cà phê thơm nồng ngõ phố, qua làn khói thuốc của những nghệ sỹ trầm ngâm. Đó là hình ảnh một đô thị đẹp, một đô thị dung chứa nhiều đường nét của làng quê thanh bình. Hồ Tây như một bức tranh xinh xắn: “Mặt hồ buổi tối mờ sương tím. Lốm đốm ánh đèn như sao sa hư thực chìm khuất phía bờ bên kia. Đẹp đến ngỡ ngàng” [31, tr.125]. Hồ Tây không chỉ đẹp, mà còn thơm ngát mùi hương huyền bí của sen trăm cánh, loài hoa được người Hà Nội dùng để ướp trà.

Tuy nhiên, nét đẹp dịu dàng, lãng mạn đó nhanh chóng trôi theo thời gian: “Tháng Sáu. Nắng như đổ lửa. Cây xanh trong thành phố ngày một hiếm hoi. Những cây già đã chết. Những cây non chưa kịp lớn” [29, tr.62]. Làng hoa Ngọc Hà xưa kia với đủ loại cẩm chướng, hoa bướm, sushi vàng hay violet biến thành “một khu phố không có đường phố”. “Chợ búa họp lè phè… Cấu trúc của một ngôi làng vỡ vụn hoàn toàn nhưng lại không trở nên thành phố” [32, tr.131].

Kiến trúc phố phường bắt đầu thay đổi. Thành phố mọc lên một loạt những khu nhà tập thể “năm tầng vuông vức như một cục xà phòng khoét những lỗ vuông xinh xắn” [31, tr.30], chật chội, đông đúc. Nguyên nhân không mấy xa lạ là: “Về nghĩa cơ học thì Hà Nội bây giờ không còn một chỗ trống nếu đem chia bình quân diện tích đất đai cho đầu người” [29, tr.92]. Không chỉ có Hà Nội thay da đổi thịt: “Huế bây giờ khác xa ngày ấy. Đã không còn những quãng phố trầm tư thưa thớt bóng người. Cả thành phố rực rỡ ánh đèn, nhà hàng khách sạn chi chít bên hai bờ sông Hương. Chiếc cầu Tràng Tiền cong cong mấy nhịp lạc điệu lãng quên giữa nhiều cao ốc hiện đại” [32, tr.172].

Những con đường đô thị oằn mình gánh chịu lượng xe cộ đông đảo và dòng thác người từ mọi nơi tràn về. Món “đặc sản” không thể thiếu của một

36

đô thị quá đông người là cảnh tắc nghẽn quen thuộc, rác, tiếng ồn và những mùa nước ngập: “Đường phố ngập. Rác rưởi lềnh bềnh. Dòng nước đen ngòm. Những chiếc xe máy rú ga rẽ nước mà đi như tên bắn”. “Những vỏ chai cọc cạch va vào mặt tường. Đám túi ni lông rách rào rào cuốn. Những chiếc lốp xe cũ ngắc ngứ giữa hai bờ rãnh nước dội vào sục soặc kêu như người chết sặc. Dòng sông nghìn năm không bị lấp mới là điều kì diệu” [30, tr.60]. “Mùi người, mùi cống rãnh trộn lẫn mùi thức ăn trong quán nồng nặc” [30, tr.167].

Không gian đô thị cũ tràn ngập đủ mọi loại ô nhiễm. Ô nhiễm mùi: “Con kênh nước thải ngay đầu khu nhà bốc lên thứ mùi kinh tởm. Mùi phế thải của mấy quận nội thành trộn lẫn với mùi của ba trường đại học liền kề” [30, tr.77]. Ô nhiễm tiếng ồn: “Cửa ô ngày nào cũng tắc đường. Khói. Bụi. Bẳn gắt. Và bấm còi” [31, tr.34].

Không chỉ có dòng thác người hòa lẫn khói bụi, thành phố còn trở thành một chiếc bẫy nguy hiểm: “chiếc cột điện ở đầu hồi ngôi nhà ấy như một búi rác khổng lồ chằng chịt những dây... Thỉnh thoảng chúng rơi xuống móc vào cổ những người đi đường. Đã có vài người chết treo” [29, tr.86].

Suy tư trăn trở của tác giả được gửi vào những nhân vật của ông. Đó là sự bàng hoàng, hoảng hốt: “Tiên kinh ngạc về sự thay đổi quá nhanh khiến cô không còn nhận ra một nét thân thuộc nào của thành phố cũ nơi cô đã từng sinh sống và cũng từ đó ra đi” [30, tr.202]. “Mình vắt óc cũng không thể tưởng tượng ra con phố Mai Hắc Đế ngày nào hiu hắt êm đềm là thế… lột xác để trở thành một trung tâm dịch vụ mua sắm ăn chơi lè phè với lượng người qua lại luôn trong tình trạng ứ nghẹn. Những góc bình lặng cuối cùng trong thành phố như con phố Mai Hắc Đế này đã bị cuốn phăng theo dòng chảy phố phường bát nháo xô bồ. Nó đã giống hệt những con phố khác. Nó là phố khác” [32, tr.139]. Đó là sự sợ hãi, âu lo cho thành phố “của mình”: “Hắn lan

37

man nghĩ ngợi về thành phố của mình. Chẳng biết là nó đang phát triển hay lụi tàn. Về một nghĩa thực dụng thì rõ ràng thành phố bây giờ đã có những biến đổi thần tốc” [32, tr.267]. Và âu lo, xót xa cho cả những thành phố không phải của mình vì chúng đã từng có diện mạo riêng biệt nhưng nay đều đã mang dáng dấp tương đồng.

Không gian đô thị cũ, những góc phố cổ, vùng nội thành trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn hiện lên với hình ảnh đẹp đẽ, thâm trầm trong quá khứ. Và hiện tại là ngổn ngang, là chật chội, ồn ào, đầy nguy hiểm. Không gian này thấm đẫm tình cảm thiết tha, trìu mến của tác giả với vùng đất nơi ông sinh sống. Ông luôn nhớ về “Hà Nội ngói nâu tường cũ trong một tổng thể cây cối êm đềm, nề nếp sinh hoạt chậm rãi khác xa với vun vút người đi và thô lỗ sắc màu như bây giờ” [38]. Tuy nhiên, cũng như Nguyễn Việt Hà, tác giả hoàn toàn nhận thức được sự thay đổi của những đô thị là điều tất yếu. Ông luôn mong muốn những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với con người.

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)