Ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 97)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3.3 Ngôn ngữ

Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học “chính là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học”. Nói một cách hình tượng hơn thì “ngôn ngữ là cái áo của tư tưởng” (M. Gorki). Và nguồn nguyên liệu để may ra cái “áo tư tưởng” đó không đâu xa lạ chính là hiện thực đời sống, ngôn ngữ hàng ngày với lời ăn tiếng nói của mọi người, ca dao, tục ngữ được chắt lọc qua lăng kính thẩm mỹ của mỗi nhà văn.

98

3.3.3.1 Ngôn ngữ gần gũi với đời sống

Để thể hiện một đô thị với nhiều bát nháo, hỗn độn, và chồng chéo các mối quan hệ phức tạp, Đỗ Phấn sử dụng một ngôn ngữ gần gũi với đời sống. Thật khó để hình dung ra bức tranh cuộc sống thường ngày qua những từ ngữ cao đàm khoát luận. Cuộc sống vốn bộn bề, mộc mạc, nên chỉ cần để nó là chính nó trong văn chương.

Đỗ Phấn đã mang vào những tiểu thuyết của mình thứ ngôn ngữ vô cùng ngắn gọn, hiện đại, giản dị, dễ hiểu. Và đôi chỗ trong trang văn, ông sẵn sàng để nhân vật văng tục nhằm diễn đạt đúng hình tượng con người trong hoàn cảnh ấy, tính cách ấy.

Trước hết là ngôn ngữ vô cùng ngắn gọn hiện đại, một ngôn ngữ vô cùng thịnh hành ở đô thị, nơi nhịp sống diễn ra nhanh chóng, khẩn trương. Các câu văn của ông thường không dài dòng: “Vua gì? Thì vua nhà hàng, vua rượu chè gái mú! Chiến tiu nghỉu” [30, tr.232]. Thậm chí giản lược tới mức còn duy nhất một trạng ngữ: “Gần một tháng sau”, “Chiều tháng Mười”, “Nửa đêm”… Về mặt ngữ pháp, có thể thấy tác giả đã ngắt câu theo nhịp ngắt hơi, như khẩu ngữ của những cư dân đô thị nói chuyện với nhau. Nó gần gũi, giản đơn, không câu nệ. Hết một nhịp ngắt hơi là một câu, không còn quan trọng nó thiếu chủ ngữ, vị ngữ hay bất kì một thành phần nào khác. Đây là lối viết vẫn được nhiều tác giả đương đại sử dụng: “Ánh đèn xe từ ngoài phố hắt vào loang loáng trên mặt tường. Bò chậm chạp trên chiếc đệm giường kẻ ô xanh sẫm. Tôi lựa không có ánh đèn đặt nàng lên vùng tối sẫm chiếc đệm”.

Một biểu hiện khác của ngôn ngữ đậm chất đời sống trong văn Đỗ Phấn là những đoạn văng tục của nhân vật hoặc những từ nhạy cảm về tính dục. Ông từng chia sẻ rằng ông viết nhan nhản những câu như vậy, nhưng đã bị biên tập cắt đi ít nhiều: “Cũng có người cắt đúng. Phần lớn làm tôi cứ tức anh ách. Tức nhất là họ biên tập kiểu “đ…”, “l…”, “b…”. Nó gây cho người đọc

99

sự chú ý thái quá vào mẫu tự ngược với mong muốn của họ. Cứ viết cả chữ ra thì không chắc người ta để ý đến nó làm gì. Theo như tôi biết thì chưa có một bộ quy tắc bắt buộc nào phải kiêng kị” [42]. Có lẽ với Đỗ Phấn, những từ ngữ này không cần thiết phải vắng mặt trong văn chương. Nó làm nên một khía cạnh rất người của nhân vật. Nó thể hiện được nhiều chiều kích trong tính cách và đời sống của con người. Nhiều đoạn, những văng tục của nhân vật còn làm độc giả phì cười: “công tác, lày thì công tác, bà phải làm cho mà biết cái mặt l.” [33, tr.207] hay “nàm nụng nười biếng như ông thì nấy đâu ra nồn mà niếm” [33, tr.206]. Hoặc một ông thầy giáo cấp một ức chế: “thế thì đặt ra luật lệ làm đéo gì?” [31, tr.101]. Phần lớn những câu như vậy không quá thô thiển, người đọc có thể bắt gặp nhan nhản ngoài đường, nhất là ở nơi đô thị đủ mọi tầng lớp cư dân sinh sống: “Bước chân vào xưởng, anh nóng mắt chửi toáng, đ. mẹ chúng mày làm ăn như cái con củ c., cháy nhà thì đi tù cả nút, công trình quốc gia đấy, không đùa được đâu” [31, tr.154]. “Những câu chữ ngô ngọng ẩn trong lối viết hiện đại tùy tiện khiến hắn có cảm giác như đang bị chọc tức. Chỉ muốn văng tục. Viết như con cặc!... Chẳng nên xúc phạm con cặc làm gì” [32, tr.41]. Sẽ thật khó coi nếu một vài anh giang hồ đi đòi nợ lại phải ăn nói lịch sự như văn bản hành chính. Hoặc một anh công chức vào lúc tức giận điên cuồng nhất phải “nhả” ra những câu lịch sự nhã nhặn như nói chuyện với cấp trên. Đỗ Phấn chỉ mang lại cho người đọc cái thực – một cái thực có phần hơi chua chát, mỉa mai, một cái thực không thể thiếu của phố phường hiện đại. Dù đôi chỗ, ông có thể hiện cái thực hơi quá đà như đoạn miêu tả nhân vật Khai có vợ và bốn cô con gái, anh ta than rằng “chán kinh, ngày nào về đến nhà mở cửa ra cũng đầy một giường l.” [33, tr.203].

3.3.3.2 Ngôn ngữ đậm chất tạo hình

Với lợi thế là một họa sĩ có tài, Đỗ Phấn không hề bỏ phí khả năng quan sát, thẩm thấu những màu sắc, hình khối của con người, không gian đô

100

thị. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết của ông có nét rất riêng. Chúng giao thoa giữa văn chương và hội họa, vừa có nét nên thơ bay bổng, vừa có hình khối, màu sắc sinh động, hài hòa.

Đỗ Phấn sử dụng khá nhiều tính từ. Nào là: nhóng nhánh, gấp gáp, chật chội, nham nhở, xác xơ, te tướp, nhờ nhờ, lem nhem, ngoằn ngoèo, đầm đìa, râm ran, bay chao chát, ộ ệ, tao tác, lênh láng… Và thấy chúng chưa đủ ấn tượng để diễn tả thật chuẩn cái thần của con người và cuộc sống thị thành, ông còn dùng phép đảo để mang tới nét mới lạ cho câu chữ: Đầy đặn chắc, đầy đặn phẳng, lăn tăn đứt, lơ mơ tỉnh, thân hình nà nuột trắng, lướp xướp cứng, leo lẻo xanh (ánh đèn), long lanh ướt, réo rắt vang, chang chang nắng,…

Đỗ Phấn đặc biệt tài tình trong việc khắc họa những không gian đô thị. Từ ánh nắng, làn gió đến hạt mưa đều có hình khối, đường nét, màu sắc, và cả âm thanh rất rõ ràng. Chúng không đơn thuần là con chữ nằm yên, mà luôn chuyển động, “cựa quậy” như bước từ trong văn ra cuộc sống: “Xế trưa, ánh nắng rực rỡ bò lan trên khuôn cửa sổ” [32, tr.93], mưa “ràn rạt trên mặt đường. Thì thụp trên những mái hiên di động như có một cuộc đấm lưng tập thể” [30, tr.8]. Hay đâu đó “Buổi chiều gió lặng. Những con sóng uể oải rũ chiếc bờm mỏng mảnh lan man bờ cát. Nắng li ti lấp lánh rơi trong gió ẩm. Vài cánh chim hải âu uể oải khép vòng trên mặt nước sẫm xanh” [33, tr.48]. Ngay cả mùi hương trong văn của ông cũng có thể nhìn được và chạm tới: “Mùi hương như một tấm màn loãng ra thủng lỗ chỗ. Tôi cảm nhận những lỗ thủng loang rộng dần để lọt vài làn khí lạnh bò lan trên da thịt lao nhao như đàn cá cọ mình” [33, tr.230]. Hay “Đường chân trời mơ hồ bất chợt dâng lên cùng ánh trăng làm cho mặt biển như dốc vào chỗ anh ngồi. Nó như khối trụ vuông đặt chông chênh trên một mặt nằm ngang?’’ [31, tr.81].

101

Chính sự hài hòa, mềm mại của ngôn ngữ giàu đường nét, màu sắc, nhịp điệu đã làm cho văn Đỗ Phấn giàu chất thơ. Nhiều câu văn bảng lảng nhịp điệu nhẹ nhàng của một bài thơ ngắn: “Mơ màng dòng sông. Khắc khoải bãi bồi” [31, tr.98], “Nồng nàn rượu. Nồng nàn hoa” [31, tr.28]… Lại có những câu toát lên vẻ lãng mạn, dịu êm, chếnh choáng: “Tan trong dòng người. Tan trong dòng người. Tan” [31, tr.29], “Tôi căng tai cố thu đầy tiếng mưa và đẩy chúng chảy tràn khắp cơ thể” [31, tr.28], “sương buông trên mặt hồ như có như không” [33, tr.89]. Hay “Một cơn gió hữu hình. Gió người không mùa” [32, tr.95].

Một điểm không thể bỏ qua khi đọc tiểu thuyết của Đỗ Phấn, đó là ngôn ngữ miêu tả nhân vật nữ. Phụ nữ vẫn được coi là biểu tượng của cái đẹp. Và biểu tượng ấy dưới con mắt của một nhà văn – họa sỹ luôn hiện lên với những đường cong mơn mởn tức thở, đẹp, cân đối ngỡ ngàng như tỷ lệ của một thần Vệ Nữ sống: “Quần bó sát và áo cánh dơi mỏng manh âm thầm khoe những đường cong gấp gáp… cặp đùi tròn lẳn với đầu gối hơi khép lại” [32, tr.42]. Những cô nàng như vậy chỉ cần lướt nhẹ ngón tay thanh mảnh trên miệng chiếc ly thủy tinh cũng đủ cuốn nhân vật nam vào vô vàn tưởng tượng tình ái.

Mặc dù không được đào tạo bài bản để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, chỉ là cuộc chơi “tay ngang” khi Đỗ Phấn đã là một họa sĩ thành danh, ngôn ngữ trong tiểu thuyết của ông để lại cho bạn đọc nhiều ấn tượng. Nó gần gũi, giản gị, mà lại nên thơ, hài hòa như chính đô thị lúc bộn bề, bụi bặm khi lãng mạn nên thơ, như chính cuộc sống muôn màu, muôn vẻ.

102

Tiểu kết

Hình ảnh đô thị hiện đại đang sôi sục biến đổi được thể hiện thành công qua phương diện kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn. Trước hết, ở phương diện kết cấu, ông giản lược những tình tiết ly kỳ của cốt truyện, tập trung vào tâm tư của nhân vật và xáo trộn tiến trình kể. Kết cấu đa tầng trong tác phẩm của ông còn thể hiện nhiều tầng bậc khác nhau của việc kể chuyện, câu chuyện của các nhân vật và người kể chuyện đan xen, hòa quyện vào nhau khá nhuần nhị. Thêm vào đó là thủ pháp liên văn bản nhằm tạo ra những mặt khác nhau của khối rubic đô thị.

Tiếp đó, Đỗ Phấn khắc họa những nhân vật đô thị qua độc thoại, đối thoại và miêu tả hành động tài tình. Họ vừa cô đơn, bất lực, vừa cố ngoi thoát khỏi vũng lầy của chính mình. Họ phân thân để đối thoại, tạo nên một phản chiếu đầy đa diện, phức tạp của con người.

Nghệ thuật trần thuật của tác giả cũng góp phần làm nổi bật hình ảnh cuộc sống, con người đô thị trong tiểu thuyết. Ông thường sử dụng ngôi kể thứ nhất song song với việc tạo ra sự lưỡng phân, chia tách ở hình thức trần thuật. Nhân vật tôi phân ra thành “mình” và “hắn” để kể chuyện nhằm diễn đạt những giằng xé, chia tách, lưỡng phân thường trực trong mỗi cá nhân. Trong sáu tiểu thuyết của mình, ông sử dụng chủ yếu là điểm nhìn bên trong, có xen lẫn điểm nhìn bên ngoài và luân phiên, di chuyển các điểm nhìn. Giọng văn hài hước, châm biếm, mỉa mai kết hợp với triết lý. Ngôn ngữ của Đỗ Phấn gần gũi với đời sống, đậm chất tạo hình, nhiều đoạn lãng mạn nên thơ như chính tâm hồn họa sỹ muôn vàn màu sắc. Có thể nói, những phương diện nghệ thuật trên đây đã giúp Đỗ Phấn thể hiện một cách tỉ mỉ, tinh tế vùng đất ông yêu mến thiết tha - một đô thị trong thời kì biến động dữ dội.

103

KẾT LUẬN

Đô thị xuất hiện khá sớm ở nước ta, gắn liền với sự phát triển của nhà nước phong kiến với vai trò chủ yếu là trung tâm hành chính – chính trị. Sau khi Pháp xâm lược Việt Nam, những đô thị mọc lên với số lượng đông đảo và tốc độ ồ ạt hơn. Hiện nay, dưới chủ trương phát triển kinh tế làm trọng tâm để tạo tiền đề cho sự phát triển của chính trị, xã hội, tốc độ đô thị hóa lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nó để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa – xã hội, đặc biệt là văn học nghệ thuật. Từ những năm ba mươi của thế kỉ trước, văn học đã xuất hiện các tác phẩm phản ánh cuộc sống của người dân đô thị. Nhưng phải đến những năm sau 1975, khi hàng loạt vấn đề ở đô thị nảy sinh, đề tài này mới được các nhà văn chú ý. Họ tập trung phản ánh sự thay đổi của con người trong vòng xoáy xã hội đô thị hiện đại với nhiều vật vã, trăn trở, thậm chí tha hóa. Bằng cảm quan của một thị dân phố cũ, kèm theo vốn kiến thức hội họa, và trải nghiệm đời sống sâu sắc, Đỗ Phấn dấn thân vào văn chương với hàng loạt tác phẩm viết về đô thị. Trong đó có sáu tiểu thuyết:

Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Con mắt rỗng, Gần như là sống, Ruồi là ruồi. Ông đã tạo cho mình một vị trí không hề mờ nhạt trong số những tác giả viết về đô thị với cái nhìn từ bên trong. Qua nghiên cứu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn chúng tôi rút ra một vài kết luận sau:

1. Bức tranh đô thị được phản ánh trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn là một bức tranh sinh động, đậm dấu ấn riêng. Nhà văn không phủ nhận những cao ốc, siêu thị, nhà xưởng góp phần thay đổi kinh tế xã hội của thành phố, nhưng ông tỏ ra luyến tiếc một không gian đô thị cũ trầm mặc, yên bình với văn hóa ẩm thực tinh tế, công phu. Không hẳn quá đề cao những tường nâu, cột điện (vì ông hiểu rằng quá trình đô thị hóa là tất yếu, và không phải cái gì cũ cũng có giá trị), song Đỗ Phấn bày tỏ tình cảm mến thương với những dòng sông,

104

mạch đê xanh rì cỏ và sự vắng lặng cần thiết để tạo ra cõi êm ả cho con người. Ông lo ngại sự xâm lấn của những kiến trúc bê tông thiếu quy hoạch, ồ ạt sẽ làm hại con người. Những căn phòng tập thể như chiếc hộp vuông xinh xắn có thể biến thành cái chạn để cất giữ con người một cách ngăn nắp. Thực chất, cái Đỗ Phấn đang muốn gieo vào lòng người đọc là một không gian đô thị mang tính chất văn hóa, ở đó không hề có sự phân biệt người Hà Nội gốc hay thị dân dự bị. Ở đó chỉ đề cao cách hành xử thanh lịch, nhã nhặn và luôn chung lòng hướng tới xây dựng thành phố ngày một tốt đẹp hơn.

2. Thời gian đô thị trong các tiểu thuyết của ông dùng dằng, trễ nải, hòa nhịp với sự uể oải, buồn phiền, hoang mang của con người. Đó là những khoảnh khắc hoàn toàn bất định, mang tính ước lệ tượng trưng. Bạn đọc không ấn tượng với sự chảy trôi của thời gian mà chỉ nhớ tới nó qua những hình khối. Bởi thời gian trong tác phẩm của ông đậm chất tạo hình, hòa quyện với không gian đô thị thân thuộc một cách hài hòa, nhuần nhuyễn. Đó là những khoảnh khắc thời gian ngồn ngộn đường nét, thấm đẫm ảnh hưởng của nghệ thuật hội họa.

3. Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn khắc họa thành công hình ảnh những thị dân lâu đời và thị dân mới của xã hội hiện đại. Ông vẽ nên chân dung vô vàn con người đang sinh sống chốn thị thành. Những thị dân cũ đầy hoang mang trước quá trình đô thị hóa quá ồ ạt. Những thị dân mới sôi sục quyết tâm đổi đời và lao đến thành phố để tìm kiếm cơ hội, một cuộc sống mới. Tuy nhiên, họ nhanh chóng rơi vào những trạng huống đau xót. Tất cả đều cô đơn, tuyệt vọng, thiếu đi hạnh phúc trọn vẹn của một con người bình thường, thậm chí mất hết niềm tin vào hôn nhân, gia đình. Họ chính là thủ phạm và cũng là nạn nhân chốn phố phường đầy phức tạp, bất trắc khi tự để mình tha hóa theo thói học đòi, giả dối và vô cảm.

105

4. Đề tài đô thị với đích đến mô tả triệt để, sâu sắc cuộc sống thị thành bộn bề ngổn ngang cũng chi phối mạnh mẽ đến phương thức thể hiện của tác phẩm. Tác giả sử dụng kết cấu đa tầng, liên văn bản, phối hợp với nghệ thuật xây dựng nhân vật qua độc thoại – phân thân, tiết chế đối thoại tài tình. Ông còn khắc họa thành công sự vô nghĩa, trống rỗng, rạn nứt của con người đô thị qua những hành động lặp đi lặp lại (đi, uống rượu, làm tình). Việc sử dụng chủ yếu ngôi kể thứ nhất với điểm nhìn có sự dịch chuyển, luân phiên cũng góp phần thể hiện sự đa diện và chiều sâu nội tâm của con người trong tiểu thuyết của ông. Đỗ Phấn còn tỏ ra khéo léo khi kết hợp giọng điệu hài hước, châm biếm với giọng điệu triết lý sâu sắc, ngôn ngữ hiện đại, bình dân với

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)