Độc thoại – Phân thân

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 78)

6. Cấu trúc của luận văn

3.2.2 Độc thoại – Phân thân

Các nhân vật chính trong sáu tiểu thuyết của Đỗ Phấn có sự ý thức và tự ý thức rất sâu sắc về bản thân. Ông chỉ việc để cho tác phẩm của mình vang lên “tiếng nói mới nhất của nhân vật về chính nó và thế giới của nó” [16, tr.44] qua đối thoại và sự tự soi chiếu bản thân – phân thân để khám phá chính mình.

79

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, độc thoại nội tâm là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [2, tr.127]. Đây là một thủ pháp xuất phát từ kịch và ngày càng được các tác giả văn học sử dụng nhiều trong tác phẩm của mình, nhằm khai thác đời sống tâm lí của nhân vật một cách “triệt để” nhất, trực tiếp nhất và sinh động nhất. M. Bakhtin cho rằng, việc để nhân vật độc thoại chính là hình thức cho nhân vật “tự thú” về bản thân nhằm “đưa ra một lời nói cuối cùng về con người, đích thực tương đồng với nó”. Bởi “trong con người bao giờ cũng có một cái gì mà chỉ có bản thân người đó có thể phát hiện được bằng hành vi tự nhận thức tự do, bằng hành vi ngôn từ, là cái mà người ta không thể xác định theo bề ngoài và sau lưng được” [16, tr.57].

Nhân vật trong Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Ruồi là ruồi

Con mắt rỗng rất ưa độc thoại. Độc thoại để triết lí về cuộc đời, về hội họa, về lối sống và độc thoại để tìm ra căn nguyên của vấn đề đang xảy ra trong chính bản thân mình: “Mi cố rướn người lên soi mặt vào chiếc gương chiếu hậu trên nóc xe. Ở trong ấy có một khuôn mặt nhầu nhĩ buồn với mái tóc hoa râm gần một nửa” [29, tr.216]. Mi bắt đầu nghĩ về tình bạn: “Mi thầm nghĩ, giữa mi và thằng Hà có thể nói là thân thiết. Nhiều năm rồi. Nhưng cũng chỉ dám tặng nhau chai rượu mấy trăm nghìn. Thực ra là mang đến uống cùng nhau thì đúng hơn… Trên mức tình cảm nghĩa là chẳng có tình cảm gì cả. Cái nghịch lý đang chi phối rất nhiều hành động của con người hiện đại” [29, tr.63]. Tiếp đó, mi nghĩ đến gia đình: “Từ lâu, mi đã không còn nghĩ đến một hạnh phúc theo kiểu gia đình. Nó cũng đầy rẫy những giả tạo chán chường. Như cuộc sống gia đình của thằng Khoa, thằng Hà” [29, tr.94]. Và mi tự nói chuyện với chính mình về thành phố - quê hương của mi: “Thành phố mở rộng ra bốn phía không theo một dự kiến quy hoạch nào cả. Nó cứ âm thầm

80

bò lan theo những con đường quốc lộ ngày một náo nhiệt đông đúc… Đi trên con phố dài vô tận ấy, mi kinh hoàng chợt nghĩ, con người có lẽ sắp sửa sống hoàn toàn bằng mặt đường? Mọi người đều thi nhau đổ hết ra đường. Đó là nơi canh tác.Thu hoạch. Và hưởng thụ. Nó đang là…” [29, tr.157]. Rộng hơn nữa, mi tự vấn về lối sống của cư dân phố phường: “Có bao nhiêu người ở thành phố im lặng sống với những thứ được khoác lên mình? Bị cuộc sống khoác lên mình những danh hiệu hay tự khoác lên mình thì cũng vậy. Im lặng không biết từ lúc nào đã đồng nghĩa với giả dối. Sự giả dối đã biến thành tự giác. Cho dù bài học đầu đời là khiêm tốn, thật thà. Hình như những gì học được thời thơ ấu chỉ là âm bản của cuộc sống đảo ngược sau này”. Đó là những trăn trở vô cùng nhân văn. Làm sao, làm cách nào để con người trở về với bản tính chân thật của mình giữa bao nhiêu uế tạp, cám dỗ. Hẳn một mình Đỗ Phấn không thể trả lời cho câu hỏi này. Câu trả lời, đành gác lại cho bạn đọc.

Đỗ Phấn không chỉ để nhân vật của mình độc thoại thông thường, ông chia tách, mổ xẻ họ ra để tạo thành những cuộc giao tiếp bên trong. Các nhân vật luôn ở trạng thái lưỡng phân, dùng dằng. Đến một lúc, họ chia ra làm “mình” và “hắn” – hai con người trong một thể xác hoàn chỉnh trong Con mắt rỗng. “Không dành thời gian cho những mộng mơ như mình, hắn băn khoăn lưỡng lự không biết có nên nhận lời vẽ lại minh họa cho một tờ báo” [32, tr.60]. Mình thì thích vẽ tranh: “Cảm xúc dẫn dắt mình đi triền miên hối hả. Tấm toan được phủ kín chỉ trong hơn một giờ đồng hồ”. Hắn lại bơ phờ sau những giờ làm việc mệt nhoài: “Đánh vật với tấm toan khổ lớn và đống màu dầu quánh đặc như vữa trát tường làm cánh tay mỏi dừ” [32, tr.92]. Cả hai cùng đam mê hội họa, nhưng mình và hắn có những cách nhìn khác nhau. Hắn thường bi quan, chán nản, chỉ thích phiêu lưu tình ái xác thịt: “Hắn chăm chú lắng nghe và có phần chán nản. Nghệ thuật đâu đến lượt các ông? Rồi sẽ

81

lại chìm nghỉm như muôn vàn triển lãm diễn ra hàng ngày ở thành phố mà thôi” [32, tr.340]. Trong khi “Mình không nghĩ thế. Ít nhất thành phố cũng còn có hơn một người không nghĩ thế. Với tay nghề của mình và thằng Minh được học hành quy củ chẳng nhẽ cứ giương mắt nhìn thiên hạ múa may” [32, tr.38]. Không ít lúc “Mình và hắn va chạm gay gắt trong chuyện vẽ tranh chợ. Cả hai đều có lí. Hắn có quá nhiều trách nhiệm với mọi người kể cả mình. Vả lại việc hắn làm không thể gọi là khuất tất… Ngay đến những bậc thày lẫy lừng Nghiêm, Liên, Sáng, Phái vẫn phải có giai đoạn vẽ tranh bán ở cửa hàng souvenir mậu dịch nhiều năm… Mình tin rằng nếu đủ thời gian và tâm trí tập trung cho sáng tác thì chắc chắn sẽ làm được gì đó giá trị” [32, tr.109]. Đó là hai mặt rất khác nhau của một con người, những thiên thần và ác quỷ, hoặc chỉ đơn giản là những giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề.

Mình với hắn còn khác nhau về mối quan hệ với phụ nữ. Mình trân trọng những phụ nữ như Diễm, luôn tận tụy, dịu dàng, và hết mình cho đam mê hội họa. Hắn lại thường lao vào những cuộc chơi xác thịt với Thu – một đàn bà có thân hình kiều mị, đầy nhục cảm, luôn nghĩ về cách ổn định cuộc sống cơm áo gạo tiền. Nếu mình muốn mời nàng đi dạo, hưởng thụ không khí mát mẻ ngoại thành, thì hắn luôn tìm cách quấn lấy nàng trên giường một cách nhanh nhất: “hắn lắc đầu vươn người lên hôn vào gương mặt đờ đẫn của Thu… Hắn nhẹ nhàng tách cặp đùi Thu đang mê man xiết chặt” [32, tr.29]. Và thường thì, cứ rượu xong, mình sẽ biến thành hắn: “Hắn chợt cắt ngang dòng suy nghĩ của mình khi chai rượu đã cạn. Bộp chộp hỏi Thu, có cần phải về nhà ngay không em! Thu dịu dàng, tùy anh thôi! Thế thì tìm nhà nghỉ quanh đây em nhé, anh hơi say rồi” [32, tr.49].

Điểm đặc biệt trong sự phân thân của nhân vật ở đây, là dù có khi xung khắc, mình và hắn vẫn thống nhất với nhau trong một con người. Nhiều lúc cùng nhau tận hưởng: “Mình xua đi tất cả những ý nghĩ bận rộn trong đầu

82

cùng hắn tận hưởng. Chúng mình tận hưởng” [32, tr.29]. Mình và hắn còn thường xuyên gặp gỡ: “Mình cũng nhìn hắn trong gương. Nét mặt hắn dần giãn ra thư thái. Những nếp gấp trên trán sau cơn buồn nôn đã trở thành những vệt mồ hôi lem nhem tràn vào nhau xóa nhòa ranh giới … Giờ thì mình không để hắn quyết định mọi việc nữa. Mình phải đánh răng” [32, tr.11]. Thậm chí, mình và hắn còn nương tựa vào nhau, cùng nhau hợp tác: “Mình không có hắn trầy trật vất vả nhiều năm thì cũng không bao giờ dám mơ đến một căn hộ bên cạnh dòng kênh nước thối” [32, tr.142]. “Hắn đi theo trí nhớ. Mình phì cười, định chỉ cho hắn lối rẽ về nhà gần nhất… Nhưng mình kịp dừng lại. Hắn đang cầm lái. Cầm sinh mạng của mình và hắn trong tay” [32, tr.10]. Bởi dẫu sao, sau nhiều bất đồng, hắn cũng là một người trăn trở vì hội họa - nghệ thuật chân chính: “Hắn giật mình vì sự bịa đặt trơ trẽn ấy của ý tưởng… Hắn phải chọn cho mình một khởi điểm của hành trình từ hướng khác. Bằng những suy tư và nếm trải chứ không phải những gì đã có trên tranh của các danh họa” [32, tr.224].

Phân thân cũng là “một kiểu đối thoại nội tâm trong cô độc”. Theo tác giả Việt Quỳnh, dù “sự phân tách không mang ý nghĩa sáng tạo mới, nhưng kéo dài suốt cả cuốn tiểu thuyết thì bỗng nhiên tạo ra phong vị của món ăn lạ. Kèm theo cách kể ngắn gọn biểu cảm liên tục những dấu chấm. Kèm theo những bình luận vừa chua cay vừa hài hước phóng túng mà chẳng chút dung tục” [39]. Đây là cách Đỗ Phấn thu hút độc giả của mình, làm họ dõi theo nhân vật của ông cho đến trang cuối cùng cuốn sách.

Như vậy, Đỗ Phấn luôn tạo cho nhân vật của mình – phản chiếu của con người đô thị trong xã hội hiện đại một sự đa diện, phức tạp. Trong họ là chồng chéo những tiếng nói, những tâm trạng, cảm xúc và quyết định khác nhau. Khó có thể khẳng định những con người này đúng hay sai, đáng khen hay chê? Đi hết cuốn tiểu thuyết sẽ thấy cách nhìn của Đỗ Phấn: “Chối bỏ

83

mọi phán xét về giá trị. Những nghệ sĩ chân chính không rẻ rúng bất cứ điều gì, họ tự buộc mình phải ngộ hơn là phán xét” [23].

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)