Thời gian uể oải, dùng dằng, bất định

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 45)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.1 Thời gian uể oải, dùng dằng, bất định

Trái với tốc độ thay đổi chóng mặt của phố thị, thời gian trong những trang văn của Đỗ Phấn lại dùng dằng, trễ nải. Nó uể oải như một dòng chảy đầy trăn trở của tâm trạng con người. Nó phản ánh được sự chuyển mình của thành phố và cư dân nơi đây. Đó là chút phân vân, vật vã, lưỡng lự giữa ranh giới cũ và mới, cổ xưa và hiện đại, giữ gìn và tiếp thu. Nó cũng giống như những nhân vật chính trong Vắng mặt, Rừng người, Con mắt rỗng… đều ở độ tuổi trung niên, cái tuổi nhanh không còn là nhanh, chậm không còn là chậm, không quá bảo thủ nhưng cũng không quá vồ vập cái mới. Những anh chàng họa sĩ, kiến trúc sư cứ nhẩn nha mà trải nghiệm, mà suy nghĩ, mà nuối tiếc và đón đợi thành phố của mình.

Nhiều đoạn, thời gian gần như ngưng đọng, chùng chình đầy tâm trạng: “Tự dưng mi có cảm giác rất lạ về thời gian. Nó không còn theo bất kỳ một trình tự phố phường nào. Có cảm giác nó sẽ kéo dài vĩnh viễn tùy theo ý muốn” [29, tr.317]. Có thể, thời gian bị chi phối bởi tâm trạng của con người: “Đêm cuối đông, anh thao thức mãi không ngủ được” [30, tr.70]; “Một buổi chiều chán nản. Mi ngồi như hóa đá trước đống phác thảo dang dở” [29, tr.249]. Con người cứ ơ hờ “gần như là sống”. Thời gian cứ dịu dàng gần như là trôi: “Buổi tối chậm chạp trôi qua trong căn phòng ẩm ướt” [33, tr.286]. Thời gian cũng phải chiều chuộng cả thói quen của những thị dân, sáng mới

46

sáu giờ vẫn sớm vì chưa ai ngủ dậy, bảy, tám giờ vẫn có người ăn sáng, uống cà phê, hoặc ngủ nướng.

Đôi khi, thời gian cũng vì rượu mà chuệch choạc ít nhiều: “Cho đến lúc bóng chiều buông xuống trong căn phòng. Chai rượu đã vơi quá nửa” [33, tr.250]. Bởi phố thị phức tạp là nơi con người quay cuồng trong muôn vàn các mối quan hệ ngổn ngang. Con người thấy cô đơn, thời gian sao có thể trôi gấp gáp, rộn ràng cho được.

Thời gian ở đô thị còn ngưng lại trong các khoảnh khắc dồn ứ, tắc đường. Với số lượng thị dân được ví như “một tấm thảm ruồi” đen kịt tràn đến thành phố, không con đường nào có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó vào giờ tan tầm. Khi tất cả cùng đổ ra, đường là nơi để dừng lại, chứ không phải để lưu thông. Vào giờ cao điểm, thời gian ngưng lại, không gian tãi ra mênh mông, ngồn ngộn xe, ngắc ngứ người. Dòng thời gian biến thành dòng sông người chậm chạp.

Không khó để thấy rằng, thời gian cũng bị “tiêm nhiễm” cái uể oải, dềnh dàng của những thị dân phố cũ. Thời gian dùng dằng để đợi chính thời gian. “Cuối thu, những cơn mưa ồn ã chợt đến, chợt đi dùng dằng không dứt” [31, tr.103]. Nó không “chảy” đi theo nhịp tích tắc đồng hồ mà đặc lại, tối sầm như những “buổi sáng, bầu trời mù mịt” [31, tr.288]. Nó trễ nải, hững hờ: “Chủ nhật nắng. Buổi sáng không có hình thù rõ rệt. Trễ nải tiếng ve sầu xa lắc vọng về chầm chậm dai dẳng như tiếng nước chảy nhịp nhàng khoan nhặt” [33, tr.211]. Dù con người có vội vàng bon chen, hay chùng chình tụt lại, thời gian vẫn kiên nhẫn, điềm nhiên làm công việc của mình. Bào mòn không gian, bào mòn mọi tâm trạng.

Thời gian đô thị qua tiểu thuyết của Đỗ Phấn thậm chí còn uể oải cả trong những cuộc làm tình – hành động tưởng như sục sôi bản năng nhất. Có những giây phút, cuộc làm tình bị chen vào bởi cái hỗn loạn của một chương

47

trình ti vi: “Nàng kéo tôi đứng dậy, anh vào buồng ngủ trước đi, em dọn dẹp qua loa một chút đã… Màn hình treo ở góc tường vụt sáng… Trên ấy đang chiếu một phóng sự về mấy anh chàng đi câu cá nước ngọt khổng lồ trên sông Mekong… Nàng khẽ khàng nằm xuống cạnh tôi. Quàng tay ôm xiết. Bầu vú chờm lên lưng tôi nũng nịu… Mũi thuyền chúi xuống trồi lên xoay chậm theo sợi dây cước to sụ… Đó là một con cá đuối nước ngọt có sải cánh gần ba mét, lớn hơn cái phản… Nàng lật tôi lại, bắt đầu bằng một nụ hôn kéo dài lặng lẽ suốt từ môi xuống cổ” [33, tr.277]. Thời gian làm tình cứ như thế kéo dài hơn hai trang giấy, như thể nó đang dung chứa quá sức mình những hành động của con người. Đó là quãng thời gian ứ nghẹn, nhạt nhòa.

Có thể nói, thời gian trong cảm thức những nhân vật của Đỗ Phấn dường như không phù hợp với thời gian vật chất của một Hà Nội ngày một trở nên xa lạ. Thực tế, thủ đô và những đô thị khác đang lao đi vùn vụt trong vòng xoáy của kinh tế thị trường. Thị thành đang thay da đổi thịt từng giây. Vào đến văn Đỗ Phấn, sự đổi thay đó được chú trọng, còn tiến trình thời gian lại bị làm mờ. Ông vẫn giữ tác phong của một họa sĩ, lặng lẽ quan sát hồi lâu, nhẩn nha phác lên vài con chữ. Con đường, góc phố, hàng cây cứ thay đổi, dòng thời gian cứ miệt mài kiên nhẫn chảy trôi.

Không chỉ dùng dằng, thời gian trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn còn bất định vô cùng. Nó không mang hàm ý tạo dấu mốc cho hành động của nhân vật. Sẽ thật hoài công khi cố gắng tìm một thời điểm cụ thể để quy chiếu hành động của con người. Bởi trên các trang văn nhan nhản những buổi sáng, buổi chiều, ngày cuối năm,… nhưng chẳng của năm nào cả, chẳng có đầu, chẳng có cuối. Nó chỉ xuất hiện như một phông nền trong suốt, không bám víu. Nó là thời gian, nhưng cũng nằm ngoài thời gian. Nhiều câu văn của ông chỉ vỏn vẹn hai chữ: “Buổi chiều” [31, tr.206]; “Nửa đêm” [31, tr.318]. Cụ thể hơn chút nữa thì có: “Buổi tối cơm nước xong” [31, tr.206]. Dài dòng hơn thì có:

48

“Một buổi chiều anh gánh gồng về muộn. Con Mượt lẽo đẽo theo chân anh về nhà” [30, tr.62]; “Những cơn mưa đầu thu nhạt nhòa trên bãi sông nhộn nhịp. Dòng sông trở mình cuộn đỏ” [30, tr.79]. Hoặc “Nhiều năm sau tôi mới có dịp quay lại chỗ ngày xưa hai đứa ngồi” [33, tr.115].

Độc giả đọc văn của Đỗ Phấn không tránh khỏi cảm giác ấn tượng về những khoảng thời gian hoàn toàn có tính ước lượng, tượng trưng. Thay vì đong đếm giờ phút cho nó, ông ước lượng nó bằng những thứ cũng mơ hồ không kém. Điển hình trong tiểu thuyết Chảy qua bóng tối, với nhân vật chính là một lão già mù chuyên bắt chim, lão xác định đời người hơn sáu mươi năm, và đong đếm thời gian bằng các giác quan như xúc giác, thính giác, khứu giác. Những cảm nhận thời gian của lão trở nên đặc biệt tinh tế, sâu sắc. Lão không dùng tới đồng hồ. Lão dùng một thứ to lớn hơn, sống động hơn, đặc biệt hơn: đó là dòng sông. Dòng sông nơi lão sinh ra và lớn lên, “một dòng sông lặng ngắt không tiếng sóng”, “báo hiệu cơn cuồng nộ của thiên nhiên sắp ập đến”. Thời gian được đồng nhất, gửi gắm vào hình tượng dòng chảy khi hiền hòa lúc cuồng nộ của thiên nhiên. Khi dòng sông còn, thời gian sẽ lặp lại, những kí ức sẽ ùa về. Đó là một thời gian luôn ở giữa ranh giới thực và ảo, quá khứ và tương lai.

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)