Không gian đô thị mới

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 37)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.2 Không gian đô thị mới

Không chỉ thể hiện những hoài niệm đầy tha thiết về đô thị cũ, Đỗ Phấn còn âu lo trước phần “đô thị đang mở rộng” – phần thành phố mới hình thành. Đô thị bắt đầu “nở ra” để dung chứa được lượng thị dân mới khổng lồ. Có điều, phần “thành phố mở rộng” này thiếu hẳn cái thâm trầm, tinh tế, nhẹ nhàng của chốn phồn hoa. Nó mạnh mẽ mọc lên những cao ốc, nhà nghỉ, hàng quán, và cả những xóm Ruồi, xóm Liều, thậm chí Xóm Rất Liều. Tác giả từng tâm sự : “Nhiều bạn bè của tôi đến Hà Nội có cảm giác như đến một ngôi nhà vô chủ. Một quán trọ nhôm nhoam bừa bãi” [38].

Đô thị mới là hệ quả của nền kinh tế phát triển như vũ bão, là cơ hội, là miền đất hứa của những con người lam lũ thèm khát đổi vận. Nhưng đô thị mới cũng là cạm bẫy, là chốn tù đọng cái ngột ngạt, đua đòi, xấu xa. Nó dễ

38

cuốn con người vào vòng xoáy luẩn quẩn tiền bạc hơn là mang lại những cơ hội hạnh phúc thực sự.

Không gian đô thị mới – những “phố phường” còn nặng chất thôn quê được khắc họa qua những con đường, dãy nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và những tổ dân phố vừa thành lập. “Thành phố mở rộng ra bốn phía không theo một dự kiến quy hoạch nào cả. Nó cứ âm thầm bò lan theo những con đường quốc lộ ngày một náo nhiệt đông đúc… Như những chiếc vảy sừng trên mình con rắn mọc ra lỗ mỗ nham nhở… gần như không còn nhìn thấy bóng dáng ruộng đồng khuất lấp sau những căn nhà mặt phố”. “Đi trên con phố dài vô tận ấy, mi kinh hoàng chợt nghĩ, con người có lẽ sắp sửa sống hoàn toàn bằng mặt đường? Mọi người đều thi nhau đổ hết ra đường. Đó là nơi canh tác. Thu hoạch. Và hưởng thụ” [29, tr.157].

Sự phố hóa nhanh chóng, ồ ạt dẫn đến một kết quả: “Ngôi làng đã phố hóa một cách nhố nhăng thậm tệ. Chẳng còn lấy một rặng tre, một cái giếng khơi âm thầm đom đóm vẽ vòng trên mặt bèo tổ ong. Chẳng còn lấy một tàu lá chuối tả tơi cựa mình trong gió... Những ngôi nhà cao tầng dị hợm lô xô thò ra mặt đường” [29, tr.139]. “Những tụ điểm ăn chơi thâu đêm suốt sáng đã tìm sang bờ bên kia tản mát vào các xóm làng. Những gánh gồng lam lũ nhếch nhác đã tràn sang bờ bên này len lỏi vào mọi ngóc ngách phố phường” [29, tr.57].

Kiến trúc của đô thị mới xoay vòng quanh những ngôi nhà trên tầng cao chót vót và những con đường tham lam chạy xuyên qua nhiều làng quê, nóng bức, ngột ngạt, bí bách, bủa vây bởi building, điều hòa, bê tông. Đô thị mới sặc lên mùi của những công trình mới, những nền văn hóa mới. Bắt đầu là những “phòng nghỉ rộng rãi có cửa sổ lớn phía sau nhìn ra cánh đồng… Tuy nhiên mùi nước hoa nhà nghỉ nồng gắt thì vẫn không thể lẫn vào đâu được” [32, tr.188]. Đó là “mùi của những nhà nghỉ rẻ tiền bên kia sông. Nói trắng

39

phớ ra là mùi đĩ điếm. Không thể nhầm lẫn với bất cứ mùi gì. Vừa hấp dẫn vừa kinh sợ”. Tiếp đến là không gian quán karaoke: “ánh sáng nhờ nhờ của chiếc bóng đèn trần tiết kiệm điện và cũng tiết kiệm luôn cả kiểu dáng… Chiếc gương lớn ố vàng chỉ là vật trang trí cho thêm phần đông đúc” [31, tr.140]. Nhân vật của ông gọi đó là không gian của một nền “công nghiệp mại dâm” [29, tr.211].

Hòa lẫn những cư dân mới là tiếng ồn, là rác, là ruồi, và đủ thứ mùi của cống rãnh, nước thải: “Cả xóm là một đống rác khổng lồ. Rác là thứ tài sản chung đúng như định nghĩa không cần bàn cãi về sở hữu. Mọi người cùng góp sức vun đắp cho nó mỗi ngày một dồi dào” [30, tr.153]. “Những vạt ruồi đen đặc bao quanh những cồn rác cao như núi. Núi ruồi” [35, tr.137]. Những âm thanh của xe chạy, của còi, của công trường xây dựng, của loa phường “chĩa thẳng” vào nhà người dân một cách “miễn phí”. Những ồn ào phố thị cắt vụn cuộc sống yên bình của con người.

Tác giả băn khoăn: “Cái phần mới thêm ra của thành phố này có đủ tất cả những bề bộn phố phường nhưng lại thiếu một thứ quan trọng nhất. Thứ làm nên diện mạo thành phố. Đó là phố phường”. Nó là phố mà lại thiếu chất “phố”. Không có gì khó hiểu khi “vài chục nóc nhà ngói cấp bốn với những con người đa phần không rõ gốc tích” bỗng nhiên trở thành một phường… Ấy là vì “Thành phố tự nó đến với mình. Không mất công mất tiền bươn chải chạy vạy”. “Gọi là phố phường cho hợp với quy định hành chính. Thực ra chưa một con phố nào có tên… Trong xóm liều cũng chia ra thành Xóm Liều 1, Xóm Liều 2 là nơi ở của những cư dân cũ mặt. Xóm Rất Liều bao gồm những người mới đến” [30, tr.182].

Trong không gian phố mới và rất mới ấy, đôi khi vẫn rơi rớt lại chút âm hưởng của làng quê: “Phường chưa có phố. Trong phường còn nhiều ruộng

40

đất cấy trồng và ao hồ chăn thả. Vẫn nhìn thấy vài guốc bò mẹ lẻo khoẻo lắc lư dẫn bê con đi lại thênh thang trong phường” [31, tr.72].

Lý giải cho những chú tâm đặc biệt của mình với phần thành phố đang mở rộng, Đỗ Phấn chia sẻ: “Nói ra điều này chắc bạn buồn cười, tôi yêu Hà Nội vì những gì nhôm nhoam vô lối của nó. Không có những nhôm nhoam ấy e rằng tôi cũng mất luôn hai cảm giác phẫn nộ và xót xa” [38].

Nói chung, không gian đô thị mới hiện lên trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn với nhiều hình ảnh xô bồ, bụi bặm, nồng gắt, đầy e ngại. Nó vừa xâm lấn thành phố, vừa phá hỏng mô hình xóm làng nguyên sơ. Nó là những “thành phố dự bị”, một sản phẩm lai tạo với nhiều đặc tính khó lường. Ở không gian đó, con người chật vật làm lụng, quằn quại ăn chơi, mê man ước vọng chứ không “sống” cuộc đời của một thị dân bình thường. Đây là một không gian đầy bất trắc, hiểm nguy và tạm bợ.

Một phần của tài liệu Đề tài đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn Luận văn ThS. Văn học (Trang 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)